Thượng nghị sĩ Mỹ:

“Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế”

Thứ Sáu, 27/07/2012, 14:44
Trước những động thái mang tính chất bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ đã có phản ứng quan ngại về tình hình ở khu vực này. Đặc biệt, hôm 25/7, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ còn nhận định rằng, những hành động đơn phương khẳng định chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế.
>> “Đường lưỡi bò” là bịa đặt

Phát biểu tại Thượng viện, ông Jim Webb đã thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình với Trung Quốc và báo cáo lại Quốc hội. Đưa ra những thông tin cụ thể về các hoạt động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Thượng nghị sĩ Mỹ còn không ngần ngại vạch ra âm mưu của Trung Quốc về việc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” chỉ nhằm mục đích quản lý hầu như toàn bộ Biển Đông.

Ông Jim Webb nhấn mạnh: “Đây là hành động đơn phương diễn ra tại vùng lãnh thổ mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền… Trung Quốc đã từ chối giải quyết những vấn đề này tại diễn đàn đa phương mà chỉ muốn giải quyết bằng con đường song phương… Tôi nghĩ rằng điều này là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Nó đi ngược lại với những tuyên bố của chính Trung Quốc về việc sẵn sàng làm việc với ASEAN để soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Đây là điều rất đáng lo ngại”.

Để thể hiện rõ quan điểm của mình và tìm kiếm sự đồng thuận từ các Thượng nghị sĩ khác trong tiểu ban, ủy ban và Thượng viện, ông Jim Webb còn cùng với 6 Thượng nghị sĩ Mỹ khác gồm Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ Richarr Lugar, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ James Inhofe và Thượng nghị sĩ Joe Lieberman đưa ra một nghị quyết thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất việc soạn thảo COC dùng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trước khi căng thẳng tiếp tục leo thang.

Năm 2011, Thượng nghị sĩ Jim Webb luôn chủ trương dùng biện pháp đa phương hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Được biết, từ hồi năm ngoái, sau khi 3 tàu của Trung Quốc chạy vào và phá hỏng cáp của tàu thăm dò Viking 2 của Việt Nam tại khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã khách quan thể hiện lập trường của mình bằng nhiều hình thức trong đó có việc soạn chung một dự thảo nghị quyết với Thượng nghị sỹ James Inhofe để trình lên Thượng viện Mỹ yêu cầu Chính phủ Mỹ có lập trường cứng rắn và công bằng hơn về vấn đề Biển Đông.

Với nội dung “lên án Trung Quốc dùng vũ lực trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng”, dự thảo ngày 13/6/2011 đã kêu gọi biện pháp đa phương hòa bình cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển Đông Nam Á. Trong dự thảo khi đó, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã khẳng định, Biển Đông có các đường vận tải thương mại biển và nhiều điểm giao với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và mặc dù không thuộc các bên tranh chấp nhưng Mỹ có lợi ích quốc gia về kinh tế và an ninh trong việc đảm bảo rằng không có bên nào sử dụng sức mạnh đơn phương để đòi chủ quyền lãnh hải ở Đông Á...

Nghị quyết này sau đó đã được toàn bộ các Thượng nghị sĩ Mỹ nhất trí thông qua. Đồng thời, tháng 8 năm ngoái, ông Jim Webb cũng đã có chuyến công du châu Á và gặp gỡ nhiều học giả nghiên cứu về Biển Đông.

Có thể thấy, quan điểm mà Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đưa ra cũng đồng nhất với quan điểm của đông đảo chính trị gia và học giả, các nhà phân tích nổi tiếng trên thế giới. Mới đây, trong lần trao đổi với tờ Người lao động của Việt Nam, Tiến sĩ Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cũng cho rằng, với việc thiết lập đơn vị đồn trú (trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), ý đồ của Trung Quốc là muốn dọa các nước khác rằng “họ sẽ tiếp tục “đấu” để hơn thua vì những vấn đề đang tranh chấp”.

Vì thế, bà Bonnie Glaser cũng đề xuất dùng COC để ngăn chặn sự leo thang ở Biển Đông. Đồng thời, sự đoàn kết trong ASEAN về vấn đề Biển Đông cũng là tối quan trọng. Các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp ở biển Đông cũng cần phải ủng hộ các nước có tranh chấp (với Trung Quốc) trong vấn đề này. Bà Bonnie Glaser nói: “Tôi nghĩ rằng các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc nên tiếp tục thống nhất và kiên định để đưa một số nội dung tranh chấp ra tòa án quốc tế nhờ phân xử. Có như vậy mới hy vọng giải quyết được vấn đề”.

Thượng nghị sĩ Jim Webb là đại diện cho tiểu bang Virginia của Mỹ và là thành viên đảng Dân chủ. Ông sinh ra tại Saint Joseph, Missouri, trong một gia đình chiến binh có nguồn gốc từ Bắc Ireland, di cư tới Mỹ trong thế kỷ 18. Cha ông, một sĩ quan trong không quân Mỹ, đã lái máy bay B-17 và B-29 trong Chiến tranh thế giới lần 2. Vì gia đình theo cha đi tới nhiều căn cứ quân sự khác nhau của Mỹ nên ông Jim Webb đã học tại hơn 10 trường học trên khắp nước Mỹ và Anh. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Bellevue, Nebraska, ông học tại trường Đại học Nam California và nhận học bổng từ Hải quân Dự bị (1963-1964).

Năm 1964, ông được đưa vào Học viện Hải quân tại Annapolis, Maryland và trở thành thành viên của Ủy ban Lữ đoàn Danh dự. Năm 1968 sau khi tốt nghiệp, ông là sĩ quan trong bộ binh của thủy quân lục chiến Mỹ cho đến năm 1972. Trong 4 năm phục vụ trong chính phủ của Tổng thống Ronald Reagan, ông là phụ tá Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi sau đó là Bộ trưởng Hải quân, một thành phần của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ông Jim Webb đã kết hôn ba lần, có bốn người con đã trưởng thành, và một con mới sinh với vợ hiện nay là Hồng Lê, một luật sư người Mỹ gốc Việt. Ông là một trong số ít Thượng nghị sĩ Mỹ thông thạo tiếng Việt. (Chu Nguyễn)

Huyền Chi
.
.
.