Trung Quốc và Mỹ khởi đầu năm mới đầy bất an

Thứ Bảy, 03/01/2015, 10:32
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/1/2015 ra thông báo cho biết trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trương Côn Sinh đã bị cách chức và đang bị điều tra. Đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc trở thành đối tượng của chiến dịch chống tham nhũng tại nước này.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc như Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đều ra các chỉ thị chỉ đạo công tác khắc phục sự cố sau thảm kịch giẫm đạp xảy ra ngay trước thềm năm mới tại Thượng Hải - thành phố hiện đại bậc nhất Trung Quốc, làm 36 người thiệt mạng và 47 người khác bị thương.

Trong một tuyên bố ngắn gọn và không cung cấp thêm thông tin chi tiết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ông Trương Côn Sinh không còn giữ chức trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao lẫn Cục trưởng Cục Lễ tân do “bị tình nghi vi phạm kỷ luật và đang bị điều tra” - cụm từ chỉ tội danh tham nhũng dành cho quan tham nước này.

Các phương tiện truyền thông bản địa cho biết, ông Trương Côn Sinh là người cấp cao nhất trong số 4 trợ lý Ngoại trưởng – chức vụ xếp dưới Thứ trưởng Ngoại giao – và là quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên bị “sờ gáy”. Theo truyền thông Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Tần Cương sẽ tạm thời thay thế vị trí của ông Trương Côn Sinh ở Cục Lễ tân, trong khi trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lưu Kiến Siêu sẽ trở lại vị trí quyền Trưởng phát ngôn viên bộ này.

Cùng ngày, Báo “Thanh niên Bắc Kinh” dẫn thông báo ngày 1/1/2015 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết, ông Trần Kiến Châu, một viên chức của Cục Quản lý giao thông Công an tỉnh Quý Châu cũng đang bị điều tra do nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Đây là nhân vật đầu tiên bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo điều tra trong năm 2015. Quyết định điều tra trên đã được sự phê chuẩn của Tỉnh ủy Quý Châu.

Tài liệu công khai cho thấy Trần Kiến Châu từng đảm nhiệm chức Phó Tổng đội trưởng Tổng đội Cảnh sát giao thông Công an Quý Châu, Phó Thị sát viên Cục Quản lý giao thông Công an tỉnh Quý Châu.

Trở lại vụ giẫm đạp ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu phải điều tra ngay lập tức nguyên nhân vụ việc, rút kinh nghiệm sâu sắc. Tất cả các địa phương ở Trung Quốc phải có những biện pháp đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân nơi tập trung đông người, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu đang đến gần.

Hiện trường vụ giẫm đạp tại quảng trường Trần Nghị, Thượng Hải. Ảnh: CNN.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ đạo các cơ quan hữu quan phải đôn đốc việc chấp hành các quy định về an ninh, an toàn nơi đông người, hoàn thiện các phương án dự phòng tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định xã hội.

Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc sau đó cũng đã ra thông báo khẩn cấp yêu cầu các địa phương phải nghiên cứu xem xét, hoàn thiện chế độ an ninh và phương án dự phòng khẩn cấp, xây dựng, kiện toàn cơ chế kiểm soát lưu lượng du khách ở các khu du lịch.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Cảnh sát Thượng Hải, thông tin có người cố ý thả tiền giả không liên quan tới thảm kịch này, mà một phần nguyên nhân dẫn đến thảm kịch là do lực lượng cảnh sát bố trí tại khu vực có phần mỏng, do không tính đến việc sẽ có một số lượng lớn người dân ra đón năm mới tại bến Thượng Hải.

Trong khi đó, tại Mỹ, ngay trong ngày mở đầu năm mới 2015, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ tìm mọi cách ngăn chặn các chủ trương đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Theo đó, các nhà lập pháp của đảng này sẽ dành ưu tiên vào các điểm nóng trên toàn cầu, từ cuộc khủng hoảng Ukraine, Iran tới Trung Đông (trong đó nổi lên là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria), khi Quốc hội khóa mới 114, do phe Cộng hòa nắm quyền đa số tại lưỡng viện, bắt đầu nhóm họp vào tuần tới.

Về vấn đề Iran, một Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa là Bob Corker cho biết Quốc hội mới sẽ cân nhắc các biện pháp siết chặt trừng phạt Tehran trong trường hợp đàm phán giữa quốc gia Hồi giáo này với nhóm P5+1 thất bại. Ông Corker nhấn mạnh: “Quốc hội muốn có tiếng nói của mình trong mọi thỏa thuận với Iran”.

Về phần mình, Tổng thống Obama đã lên tiếng cảnh báo bước sang năm 2015 ông cũng sẽ không hề do dự, tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết theo hiến định dành cho người đứng đầu cơ quan hành pháp. Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR), ông chủ Nhà Trắng tuyên bố: “Tôi không mấy khi dùng tới quyền phủ quyết kể từ khi nhậm chức. Nhưng nay, tôi cho rằng sẽ có vài lần sử dụng tới quyền này. Tôi sẽ bảo vệ những thành quả đạt được trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, môi trường, làm sạch nguồn nước và không khí”.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.