Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam

Thứ Tư, 21/05/2014, 08:51
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, chiều 19/5, số lượng tàu Trung Quốc tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam đã giảm so với những ngày trước nhưng lại tỏ ra manh động hơn.

Mỗi khi tàu của Cảnh sát biển (CSB), tàu Kiểm ngư hoặc tàu cá của Việt Nam tổ chức tiến tiếp cận giàn khoan trái phép, từ khoảng cách 7 – 8 hải lý, các tàu của Trung Quốc đều chủ động đâm va, đồng thời sử dụng vòi rồng công suất lớn phun vào ống khói, antena của tàu CSB Việt Nam để phá hỏng máy móc, thiết bị thông tin liên lạc. Hơn thế nữa, tàu Trung Quốc còn nhằm cả vào phao cứu sinh để phá nát những phương tiện cứu nạn này. Trước đó, cứ mỗi khi các tàu chấp pháp của Việt Nam dùng loa để phát đi những thông tin tuyên truyền, vận động các tàu Trung Quốc cùng giàn khoan Hải Dương 981 rút khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì phía Trung Quốc lại bật còi hú để át tiếng loa tuyên truyền của Việt Nam.

Thế giới vạch rõ sai trái, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc

Trang tin tức Asia Sentinel ngày 19/5 có đăng tải bài viết chỉ rõ, hành động của Trung Quốc mang động cơ chính trị nhiều hơn kinh tế. Theo nhận định của chuyên gia Yenling Song của Công ty Platts Energy (Singapore), Trung Quốc đang phải chi một số tiền khổng lồ, lên tới nhiều trăm triệu USD mỗi ngày để vận hành Hải Dương 981 nhưng khả năng giàn khoan này tìm thấy dầu tại khu vực đang hoạt động trái phép là không cao. Trong trường hợp này, mục tiêu Bắc Kinh nhắm tới không phải lợi nhuận mà là củng cố yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Thêm nữa, cũng theo chuyên gia Yenling Song, Trung Quốc có thể gây âm mưu chia rẽ trong nội bộ ASEAN và cô lập Việt Nam giống như kịch bản họ từng làm tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Campuchia hồi năm 2012, sau khi chiếm giữ bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tàu Trung Quốc uy hiếp tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: VTC.

Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại vì trước những gì đang diễn ra ở biển Đông, ASEAN trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết, và, “sẽ không có tòa án quốc tế nào xem cuộc đối đầu ở Biển Đông hiện nay là bằng chứng cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”. Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng khoa Chính trị Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc cũng cho rằng, khó có thể cho rằng hành động đơn phương của Trung Quốc đang tiến hành chỉ là để thăm dò dầu khí, mà nhiều khả năng đây là hành động nhằm kiềm chế cái gọi là “chiến lược xoay trục châu Á” của Mỹ.

Tuy nhiên, theo ông Kim Tae-wan, trong vụ này, Trung Quốc mất nhiều hơn được. Và hành động của Bắc Kinh có thể là chất xúc tác tốt giúp Washington thực hiện được “cú xoay trục” của họ vì, các quốc gia châu Á đang có mâu thuẫn với Trung Quốc sẽ mượn sức mạnh của Mỹ để đối kháng với Trung Quốc.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Tiến sỹ Tomotaka Shoji, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Phòng nghiên cứu Á-Phi Viện Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, cái được của Trung Quốc rõ ràng là việc tăng cường thêm ảnh hưởng và sự khống chế trên thực địa, tuy nhiên, Bắc Kinh lại mất đi cái quan trọng hơn là quan hệ với Việt Nam và ở nghĩa rộng hơn là quan hệ với ASEAN.

Những hành động không thiện chí

Ngoài việc liên tục gia tăng số lượng tàu tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như gia tăng những hành động khiêu khích, gây hấn đối với lực lượng chấp pháp của Việt Nam, Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều hành động khó hiểu khác. Theo Tân Hoa Xã, ngày 17/5, Spring and Autumn Airlines (Hãng hàng không Xuân Thu) của Trung Quốc ra thông báo về kế hoạch đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Thượng Hải tới Việt Nam kể từ ngày 19/5 đồng thời sẽ đình chỉ thêm 9 chuyến bay khác chở 350 hành khách tới Việt Nam vào tháng 6.

Tương tự như vậy, một hãng hàng không khác của Trung Quốc, China Eastern Airlines cũng thông báo các hành khách có kế hoạch đến Việt Nam có thể thay đổi thời gian khởi hành hoặc đề nghị trả lại vé bay sang Việt Nam cho tới ngày 30/6. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông qua website của mình, đã cho đăng tải những thông tin không đúng với sự thật và khuyến cáo các công dân Trung Quốc tạm thời không tới Việt Nam.

Trước đó, Trung Quốc đã ngang ngược áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đối với các tàu cá trong nước và nước ngoài trong một số khu vực ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong vòng 2 tháng rưỡi bắt đầu từ ngày 15/5. Tân Hoa Xã cho rằng, đây là lệnh đánh bắt cá thường niên, áp dụng kể từ năm 1999. Theo nhận định của chuyên gia an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc sẽ càng làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng truyền thông nhằm bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen nhằm che mắt cộng đồng trong nước cũng như quốc tế. Tờ Tân Hoa Xã tiếp tục đưa những tin tức khẳng định hành động đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông là hoàn toàn hợp pháp, bất chấp sự không thừa nhận của tất cả các bên có liên quan ở biển Đông nói riêng và quốc tế nói chung. Còn theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu dân sự và luôn giữ thái độ kìm chế, ôn hòa trên phương diện ngoại giao trong khi Việt Nam tăng cường tàu có vũ trang. Điều này hoàn toàn ngược với thực tế đang diễn ra trên biển Đông. 

Thêm nhiều hoạt động phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981

Ngày 20/5, tại Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm “Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam dưới góc độ luật pháp quốc tế” với sự tham gia của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải quốc tế (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); Tiến sĩ Lê Quý Quỳnh, chuyên viên cao cấp nghiên cứu về luật biển.

Tại buổi tọa đàm, các học giả, chuyên gia nghiên cứu khoa học về biển và hải đảo khẳng định, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC). Cùng ngày, cộng đồng người Việt tại các tỉnh Bắc Lào đã mít tinh phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và gây hấn tại Biển Đông. Gần 1.000 bà con Việt kiều tỉnh Luangprabang và tỉnh Oudomxay, các tăng ni phật tử cùng lao động và sinh viên Việt Nam, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Luangprabang đã tham dự.

Trong hai ngày 19 và 20/5, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga, Viện Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tổ chức hội thảo khoa học thực tiễn lần thứ 5 với chủ đề "Các ngày kỷ niệm trọng đại giai đoạn 2014-2015 trong lịch sử Việt Nam", trong bối cảnh Việt Nam đang lên án Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà Việt Nam học và Trung Hoa học của Viện rất lấy làm tiếc về sự việc này đồng thời kêu gọi 2 bên kiềm chế tối đa và giải quyết xung đột nảy sinh bằng biện pháp hòa bình.

Ngày 19/5, Hội Việt kiều tại Cuba đã gửi thư tới Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Nội dung bức thư nhấn mạnh hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, UNCLOS, DOC, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước. Hội Việt kiều tại Cuba yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và các tàu bảo vệ khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào các đối sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, vừa thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, sự kiềm chế tối đa song cũng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giá.

Trong khi đó, ngày 18/5, tại Cộng hòa Áo, khoảng 300 người Việt Nam, Tây Tạng, Philippines và người Áo đã tổ chức tuần hành trước cửa Đại sứ quán Trung quốc tại Áo phản đối Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Cùng ngày, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động tại Cộng hòa Cyprus đã xuống đường tuần hành rầm rộ phản đối Trung Quốc. Cuộc tuần hành hòa bình với sự tham gia của hơn 1.000 người, phần lớn là người lao động Việt Nam tại Cyprus, quốc đảo nằm trên Địa Trung Hải, số còn lại là bạn bè Việt Nam tại nước sở tại cùng một nhóm người Philippines.

Cũng trong ngày 18/5, gần 1.500 người Việt tại Hungary đã tham gia một cuộc tuần hành với, quy mô lớn nhất trong 20 năm qua, ở thủ đô Budapest nhằm phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về biển của Trung Quốc.

Ngoài ra, cộng đồng Hoa Trạng Nguyên quy tụ hơn 8.000 cựu thủ khoa đại học, đang sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới vừa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đặng Hà (tổng hợp theo VOV, TTXVN)

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.