Trung Quốc tiếp tục công cuộc cải cách mở cửa
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho rằng, bảo thủ và trì trệ không những chấm dứt những thành tựu đạt được trong 30 năm cải cách và mở cửa, mà còn bóp nghẹt sức sống của xã hội chủ nghĩa. Việc duy trì bảo thủ và trì trệ là đi ngược lại với ý chí của nhân dân. Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh, 30 năm phát triển đặc khu kinh tế cho thấy, cải cách mở cửa là quyết định quan trọng, có liên quan tới vận mệnh của Trung Quốc, là con đường cường thịnh quốc gia, tạo phúc cho dân chúng.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập đặc khu kinh tế, chính quyền Thâm Quyến phối hợp với 3 doanh nghiệp phát 15 triệu card điện thoại, mỗi chiếc trị giá 100 NDT (1,5 tỉ NDT) cho cư dân. Sự phát triển và biến đổi của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua là nhờ vào công cuộc cải cách và mở cửa (1978-2010).
Cách đây 30 năm (26/8/1980 - 26/8/2010), quyết định thành lập đặc khu kinh tế đầu tiên đã được thông qua tại phiên họp lần thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá V. Tuy chỉ sở hữu diện tích 2.050km2 với khoảng 15 triệu người, nhưng trong 30 năm qua Thâm Quyến đã thu hút được trên 30 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Từ một làng chài nhỏ, nghèo nàn lạc hậu, nhưng chỉ sau 30 năm xây dựng, Thâm Quyến đã phát triển thành một trong những thành phố hiện đại hàng đầu của Trung Quốc và đây được coi là một kỳ tích hiếm có trong lịch sử thế giới.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo và người dân thành phố Thâm Quyến. |
Khi bước vào những năm cuối của thập niên 1990, đặc khu kinh tế Thâm Quyến đưa ra khẩu hiệu "mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ". Theo thống kê, hơn 400/500 công ty lớn nhất thế giới đã hiện diện tại Thâm Quyến. Cảng Thâm Quyến là một trong những cảng tấp nập nhất Trung Quốc, chỉ sau cảng Thượng Hải. GDP năm 2009 đạt 820,123 tỷ NDT, gấp 979 lần so với năm 1979. GDP tính theo đầu người ở Thâm Quyến đạt 13.600 USD/người, đứng đầu Trung Quốc.
Có một thực tế thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là khoảng 90% kinh phí nghiên cứu khoa học ở Thâm Quyến đến từ các doanh nghiệp. Giới bình luận cho rằng, việc thực hiện chính sách "nguồn tài nguyên mềm" là một trong những nguyên nhân giúp cho Thâm Quyến phát triển như ngày nay.
Thâm Quyến là một trong những địa phương đầu tiên ở Trung Quốc thực hiện chế độ công khai trong công tác cán bộ. Cách đây 4 năm (2006-2010), Thâm Quyến đã trở thành thành phố đầu tiên thử nghiệm chương trình Chính phủ điện tử ở Trung Quốc. Nhằm bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả, một cơ quan độc lập cũng đã được lập ra để kiểm tra các dịch vụ này. Thâm Quyến đang hy vọng trở thành một trung tâm kinh tế lớn ở miền Nam Trung Quốc vào năm 2020.
Cách đây gần 1 năm (25/11/2009), Ủy ban Thường vụ Đảng ủy đặc khu Thâm Quyến đã ban hành một quyết định gây sốc. Theo đó, không bố trí cương vị lãnh đạo cấp cao trong các cơ quan Đảng và chính quyền của đặc khu Thâm Quyến nếu họ để chồng hoặc vợ và con cái ra nước ngoài định cư. Đây cũng là quy định đầu tiên của chính quyền Thâm Quyến nhằm hưởng ứng cuộc chiến chống tham nhũng do chính phủ phát động.
Việc chính thức cách chức và khai trừ khỏi Đảng đối với Thị trưởng và Phó Bí thư Thâm Quyến, ông Hứa Tông Hoành hôm 18/8 được coi là quyết tâm của đặc khu kinh tế nói riêng, Chính phủ Trung Quốc nói chung đối với tham nhũng, hủ bại