Bế mạc Đối thoại Shangri-la 13:

Trung Quốc né tránh mọi câu hỏi về “đường chín đoạn”

Thứ Hai, 02/06/2014, 12:19
Ngày 1/6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp tại Singapore với 5 phiên thảo luận chung về các vấn đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Tại Đối thoại Shangri-la lần này, hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định hành động của Trung Quốc nguy hiểm, làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy vậy, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung lại luôn khẳng định nước này ủng hộ hợp tác, đối thoại, tăng cường lòng tin chiến lược giữa các nước; cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền bằng các quyền liên quan đến biển. Ông Vương Quán Trung cáo buộc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe “phối hợp tung hứng” trong việc chỉ trích Trung Quốc.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 13 diễn ra tại Singapore từ ngày 30 – 1/6.

Tuy nhiên, mọi lời hoa ngôn của ông Vương Quán Trung đã không đủ sức thuyết phục được 400 đại biểu là học giả, nhà ngoại giao, quân sự đến từ hơn 30 quốc gia. Họ đã tập trung yêu cầu ông Vương Quán Trung giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ không chấp nhận về tính pháp lý của đường này khi nó đi ngược lại với tinh thần công ước về luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982 mà chính Trung Quốc đã thông qua. Cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của rất nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã né tránh mọi câu hỏi, chỉ đưa ra chỉ lặp lại những điều mơ hồ, vô nghĩa để thuyết phục rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 2.000 năm trước và UNCLOS chỉ có hiệu lực từ năm 1994 nên “không áp dụng được” đối với khu vực này, trong khi, cả thế giới đều biết rằng, công ước này ra đời để áp dụng chung cho việc giải quyết mọi tranh chấp mà không hề nêu ra ngoại lệ. Ông Vương còn cho biết thêm rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan.

Trong phiên thảo luận cuối cùng với chủ đề “Đảm bảo quản lý xung đột nhanh chóng tại châu Á – Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhấn mạnh đến tính “phi dự báo” của những thách thức an ninh đối với khu vực, trong đó có các sự cố trên Biển Đông, đồng thời khẳng định có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng “việc chủ động xây dựng các mối quan hệ và khuôn khổ đa phương mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin thông qua hợp tác và đồng thuận”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ "hy vọng và trông đợi việc hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), mà sẽ là cách thức duy nhất để ngăn ngừa các sự cố” và để xây dựng một môi trường “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” hơn nữa trong khu vực

Hà Khổng
.
.
.