Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa

Thứ Năm, 18/12/2008, 08:43

Ngày 18/12, lễ kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa và hiện đại hoá Trung Quốc đã được tổ chức trọng thể tại Bắc Kinh. Lễ kỷ niệm diễn ra đúng thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Từ những kỳ tích trong nhiều lĩnh vực

Cách đây đúng 30 năm, ngày 18/12/1978, Hội nghị Trung ương 3 khoá 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành cải cách mở cửa, hiện đại hoá đất nước và nhiều kỳ tích đã được thiết lập trong quá trình này.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tạo ra 4 kỳ tích sáng tạo. Thứ nhất, 16 chữ vàng: giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị, tiến cùng thời đại, không ngừng sáng tạo. Thứ hai, sáng tạo chế độ. Năm 1992, Trung Quốc đề ra kế hoạch xây dựng chế độ kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa và đến nay đã cơ bản xong bộ khung. Thứ ba, sáng tạo thị trường. Trung Quốc đã và sẽ là một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới về rất nhiều sản phẩm. Thứ tư, sáng tạo công nghệ.

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc biết tận dụng tối đa cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ (còn gọi là cách mạng tri thức) vào công cuộc cải cách mở cửa và đó là bước đệm vững chắc để phát triển đất nước. Trung Quốc cũng đã có 6 đột phá về lý luận trong cải cách kinh tế.

Sau 30 năm cải cách mở cửa, vai trò và vị thế của Trung Quốc đã được nâng cao trên trường quốc tế. Giới kinh tế cho rằng, Trung Quốc đã thành công sau 2 lần thất bại (Đại nhảy vọt và Đại cách mạng văn hoá) và đây là bức tranh tổng thể trong gần 60 năm thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1949-2009).

Phát biểu tại Hội thảo "Nhìn lại 30 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc" hôm 16/12, ông Vương Vỹ Quang, Viện phó Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhấn mạnh, 30 năm qua, Trung Quốc đã đạt được bước tiến vĩ đại trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và chấn hưng dân tộc Trung Hoa.

Giới kinh tế dự báo, GDP của Trung Quốc sẽ đạt 4.000 tỷ USD năm 2020, chiếm 22% GDP của thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt 3.500 USD. Đời sống của hơn 1,3 tỷ người đã được cải thiện và nâng cao với quy mô và tốc độ lớn với tỷ trọng kinh tế tăng từ 1,8% GDP (1978) lên 6% (2007). Sự thay đổi trong 30 năm qua không những làm thay đổi Trung Quốc, mà còn tác động không nhỏ tới cục diện thế giới.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Nhật Bản, trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2015 và giành vị trí thứ nhất vào năm 2040.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang vẽ lại bản đồ địa-chính trị thế giới và Trung Quốc đang là đối tượng được đề cập nhiều nhất. Dư luận đánh giá cao chính sách mở rộng nội nhu của Trung Quốc vì ưu việt hơn những biện pháp ứng phó của Mỹ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia đang tiến hành hiện nay.

Trong 30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 68 lần, đạt mức 3.650 tỉ USD (năm 2007), kim ngạch thương mại tăng 105 lần, đạt mức 2.700 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người tăng 40 lần: từ 50 USD lên trên 2.000 USD (năm 2007). Trong 5 năm qua, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc đạt mức bình quân 10,6%/năm, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới.

Là quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới nên những quyết sách tăng trưởng, kích thích nội nhu và các biện pháp chống đỡ trước cuộc khủng hoảng tài chính mà Trung Quốc đang áp dụng thực sự thu hút sự quan tâm của thế giới. Dư luận rất quan tâm tới "gói kích thích kinh tế" trị giá 4.000 tỷ NDT (586 tỷ USD) mà chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra để kích thích nội nhu.

Không thể bỏ qua những thành tựu vượt bậc trên con đường chinh phục vũ trụ của Trung Quốc trong 30 năm qua, đặc biệt sau "bước chân nhỏ" ra ngoài khoảng không của phi hành gia Trác Chí Cương hôm 28/9. 30 năm qua cũng là thời kỳ Trung Quốc chuyển đổi thành công hạt nhân lãnh đạo, từ Đặng Tiểu Bình tới Giang Trạch Dân và hiện là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Đó cũng là thời điểm chính phủ Trung Quốc tiến hành 6 lần cải cách (1982, 1988, 1993, 1998, 2003 và 2008) nhằm tạo ra một nội các tinh gọn, hiệu quả.

Tính đến nay, Trung Quốc đã có 5 đặc khu kinh tế, hơn 30 khu phát triển kinh tế và công nghệ, gần 30 khu phát triển khoa học và công nghệ cao, 15 khu mậu dịch tự do, 13 khu mậu dịch biên giới - những cửa sổ thu hút vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý... của nước ngoài.

Theo giới kinh tế, có 5 kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế. Thứ nhất là "Dò đá qua sông", thứ hai là "Mượn gà đẻ trứng", thứ ba là "Nắm chắc thời cơ", thứ tư là "Dịch vụ một cửa" và cuối cùng là "Một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy cả cánh đồng".

Đến những thách thức không nhỏ

Việc bãi bỏ thuế nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc, đồng thời trợ giá trực tiếp cho các sản phẩm nông nghiệp để thúc đẩy nguồn thu cho người nông dân (2006) đã giúp người nông dân cải thiện đáng kể cuộc sống. Nhưng những người lao động di cư (còn gọi là "dân trôi nổi") - lực lượng đã tạo nên kỳ tích trong 30 năm cải cách mở cửa hiện đang đứng trước thử thách lớn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra.

Được biết, tỷ lệ nông dân đã giảm sau 30 cải cách mở cửa - từ hơn 800 triệu xuống còn khoảng 730 triệu. Các nhà quản lý đang cảnh báo về những nguy cơ bất ổn theo dòng người lao động di cư trở về từ thành phố.

Theo thống kê, Trung Quốc hiện có tới 135 triệu người lao động di cư rời quê hương tới các thành phố để kiếm sống trong các nhà máy và công trình xây dựng. Khi đó một trào lưu di cư đã diễn ra và hiện đang tái diễn, nhưng theo dòng ngược lại và điều này sẽ có ảnh hưởng tới sự ổn định của quốc gia đông dân nhất thế giới. Có một thực tế không thể bỏ qua, đó là người lao động di cư không muốn quay trở lại quê hương bởi họ không còn là người nông dân giống như trước đây - họ có tay nghề và không muốn làm ruộng, đặc biệt là giới trẻ.

Cơ quan chức năng đang tìm mọi cách để giảm căng thẳng và áp lực từ dòng người lao động di cư trở về từ thành phố. Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ vừa cảnh báo (hạ tuần tháng 11) - có rất nhiều vấn đề xã hội đang tác động tới sự ổn định trong tình hình hiện nay, đặc biệt trong việc quản lý "dân trôi nổi".

Giới chuyên môn cho rằng, Trung Quốc cần điều chỉnh lại cơ cấu ngành nghề, cũng như quan tâm hơn tới những tác hại nghiêm trọng của môi trường sinh thái bởi nó sẽ cản trở không nhỏ tới sự phát triển bền vững trong tương lai.

Có một thực tế vừa đáng mừng, nhưng cũng là một thách thức không nhỏ, đó là những lưu học sinh đã và đang học tập, công tác tại nước ngoài đang tìm cách trở về nước làm ăn. Tuy họ sẽ mang về một lượng kiến thức và kinh nghiệm phong phú cùng tiền của để làm ăn tại quê hương, nhưng cũng tạo ra một cuộc cạnh tranh rất lớn đối với hơn 6 triệu sinh viên đại học đã và sẽ ra trường trong năm 2008 và 2009. Theo thống kê, kể từ sau năm 1978, Trung Quốc đã cử hơn 1,2 triệu lưu học sinh, nhưng chỉ có chưa đầy 1/3 số này trở về đất nước và những người kể trên đã và đang muốn quay lại cố hương.

Với giá trị xuất khẩu chiếm 40% GDP nên Trung Quốc đang phụ thuộc khá nhiều vào nền kinh tế thế giới. Điều này đang là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, nhất là sau cảnh báo của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn. Theo đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã tác động đến thương mại Trung Quốc khiến tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ dừng ở mức 5% hoặc 6% trong năm 2009.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng cho rằng, 2009 sẽ là một năm đầy khó khăn đối với nước này. Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chỉ ở mức 5% hoặc 6% sẽ ảnh hưởng lớn tới nước này bởi muốn đảm bảo công ăn việc làm bình thường như hiện nay, con số kể trên phải hơn 8%.

Ông Dominique Strauss-Kahn cho rằng, Trung Quốc không đủ sức bù đắp trước những đòi hỏi từ quy mô suy thoái tại các nước công nghiệp phát triển. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 7,5% trong năm 2009. Cuộc khủng hoảng tài chính sẽ tác động không nhỏ tới việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) của Trung Quốc.

Trong năm 2009, nông nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là giá nông sản giảm mạnh, giải quyết công ăn việc làm cho nông dân gặp khó khăn, tác động tiêu cực của các sự cố an toàn chất lượng hàng nông sản. Do đó, Trung Quốc đang phải hoàn thiện chế độ kinh doanh và kiện toàn chế độ quản lý ruộng đất ở nông thôn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào từng nhấn mạnh, việc điều tiết vĩ mô, nhất là trong lĩnh vực Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân - "Tam nông" có một ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với công cuộc cải cách mở cửa, hướng ra thế giới của Trung Quốc

Quốc Trung
.
.
.