Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục “khẩu chiến” về tranh chấp biển đảo

Chủ Nhật, 26/08/2012, 11:13
Dư luận trong khu vực tiếp tục quan ngại sau thông tin vừa được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đăng tải hôm 25/8: Quân đội Hàn Quốc sẽ diễn tập quân sự thường xuyên tại vùng biển gần quần đảo Dokdo/Takeshima từ đầu tháng 9, nhưng chúng có thể bị hoãn do căng thẳng tăng cao liên quan đến tuyên bố chủ quyền gần đây của Nhật Bản. Dự kiến, kế hoạch diễn tập bảo vệ Dokdo/Takeshima diễn ra trong 4 ngày (từ 9/9) sẽ được quyết định tại cuộc họp thảo luận chính sách an ninh và ngoại giao của Chính phủ Hàn Quốc trong tuần tới.

Cuộc diễn tập một năm hai lần được hoạch định trong lúc căng thẳng ngoại giao giữa Seoul và Tokyo gia tăng sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến Dokdo/Takeshima hôm 10/8 cho dù Hàn Quốc coi cuộc diễn tập này được xúc tiến nhằm thể hiện ý chí mạnh mẽ của nước này trong việc bảo vệ Dokdo/Takeshima. Cho tới nay Hàn Quốc vẫn duy trì một biệt đội cảnh sát trên quần đảo này và kiểm soát Dokdo/Takeshima trên thực tế.

Thông tin trên xuất hiện sau tuyên bố mạnh mẽ tối 24/8 của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda - chỉ trích chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung-bak tới Takeshima/Dokdo, đồng thời cho rằng, Trung Quốc chỉ thực sự tuyên bố chủ quyền đối quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1970, thời điểm phát hiện các vỉa dầu mỏ tiềm tàng trên biển Hoa Đông.

Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản không có gì phải nghi ngờ xét cả về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế và hiện nay Tokyo đang kiểm soát hiệu quả quần đảo này; còn hòn đảo Takeshima/Dokdo là lãnh thổ của Nhật Bản xét cả về khía cạnh lịch sử lẫn luật pháp quốc tế.

Ông Yoshihiko Noda khẳng định, việc Nhật Bản đưa vấn đề Takeshima/Dokdo ra Toà án Công lý Quốc tế là đúng đắn, dựa trên luật pháp và công lý của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng tuyên bố, sẽ giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc và Trung Quốc với quyết tâm không mệt mỏi và Tokyo sẽ tăng cường tuần tra các vùng biển xung quanh.

Ông Yoshihiko Noda là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ kể trên khi đề cập tới những tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lên nắm quyền năm 2009. Thủ tướng Yoshihiko Noda đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ kể trên sau khi Hạ viện Nhật Bản thông qua (24/8) nghị quyết phản đối Tổng thống Lee Myung-bak đặt chân lên đảo Takeshima/Dokdo và chỉ trích các nhà hoạt động Trung Quốc lên đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cũng trong ngày 24/8, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara cho biết, ông sẽ thăm đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 10 - tâm điểm của cuộc tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc và động thái này có thể thổi bùng tranh cãi ngoại giao gay gắt. Thượng viện Nhật Bản sẽ thông qua các nghị quyết kể trên trong tuần tới.

Trước đó, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã gửi thư cho Tổng thống Lee Myung-bak thông báo, Tokyo sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp đảo một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, đồng thời hối thúc Seoul hành động vì lợi ích song phương. Nhưng ngày 23/8, Hàn Quốc đã trả lại thư cùng quyết định: sẽ không bao giờ trao đổi thư tín với Nhật Bản nữa.

Ngư dân Trung Quốc đâm chết lính tuần dương Hàn Quốc (đội mũ) hôm 12/12/2011.

Trong khi đó (chiều 23/8, theo giờ địa phương), tại cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở trụ sở Lầu Năm Góc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc Thái (Sái) Anh Đĩnh cho biết, Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ để giải quyết một cách có hiệu quả những bất đồng, thúc đẩy sự ổn định và phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Đề cập đến chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thứ trưởng Ashton Carter hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác lớn của Mỹ trong khu vực, đồng thời kêu gọi song phương hợp tác chặt chẽ để duy trì sự phát triển thịnh vượng thông qua hợp tác. Giới truyền thông và học giả Trung Quốc coi chuyến thăm kể trên của ông Thái Anh Đĩnh có liên hệ chặt chẽ với những căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Cũng trong ngày 23/8, Tòa án Tối cao Seoul đã có phiên điều trần cuối cùng trong việc xét xử vụ ngư dân Trung Quốc đâm chết lính tuần dương Hàn Quốc và làm bị thương một người khác trong khi đánh bắt cá trái phép tại vùng biển Hàn Quốc hôm 12/12/2011. Các công tố viên đề xuất mức án tử hình hoặc chung thân đối với ngư dân này sau khi ông ta bị tuyên án 30 năm tù trước đó. Tòa án Tối cao Seoul dự kiến đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 13/9.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh và Seoul vẫn chưa phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trong vùng biển Hoàng Hải, do đó phán quyết dựa trên luật về vùng đặc quyền kinh tế là không thể chấp nhận được. Cách đây mấy hôm, Đại sứ Mỹ tại ASEAN David L. Carden cho biết, Washington quan ngại trước các hành động đơn phương trên biển Đông và mong muốn các nước liên quan tới tranh chấp tìm cách giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.

Ông David L. Carden cũng cho rằng, ASEAN cần thống nhất trong việc nêu lên những quan ngại về vấn đề biển Đông và phải đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.