Trung Quốc - Mỹ: Sẽ ngừng các gói cứu trợ kinh tế lớn

Thứ Tư, 29/07/2009, 09:07
Sau 2 ngày hội đàm tại Washington (từ 27 đến 28/7), Hội nghị đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ nhất đã kết thúc với việc nhiều thoả thuận quan trọng được thông qua.

"Đối tác chứ không phải đối đầu là phương hướng cho phát triển quan hệ song phương và 2 bên có nhiều điểm tương đồng trong các lĩnh vực như thay đổi khí hậu, an ninh và kinh tế", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra tuyên bố kể trên khi khai mạc Hội nghị đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ nhất.

Ông Barack Obama cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ sẽ định hướng phát triển của thế kỷ XXI. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, tuy Bắc Kinh và Washington không thể thống nhất với nhau về mọi chủ đề, nhưng song phương có thể đạt tiến bộ trong việc giải quyết một số thách thức toàn cầu như khí thải nhà kính, giải trừ quân bị, góp phần khôi phục sự ổn định của nền kinh tế thế giới, hợp tác thương mại…

Ông Barack Obama hy vọng, quan hệ song phương sẽ không ngừng mở rộng và Trung Quốc có thể tăng cường vai trò tại các tổ chức quốc tế. Tổng thống Barack Obama khẳng định, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy, những quyết định do hai nước đưa ra sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu và đó là lý do tại sao chúng ta phải giữ cam kết về việc hợp tác song và đa phương mạnh mẽ.

Tổng thống Barack Obama cũng đề cập tới sự cần thiết phải giải quyết mối đe dọa xuyên biên giới bằng cách chia sẻ thông tin, tiêu diệt mạng lưới khủng bố và thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để kiểm soát sự lây lan của những căn bệnh nguy hiểm… Để bày tỏ sự quan tâm tới quốc gia hơn 1,3 tỷ dân, Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ tới Trung Quốc vào cuối năm nay, tiếp tục mở rộng mối quan hệ với "chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ".

Trong thông điệp gửi tới phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng kêu gọi 2 nước thu hẹp các bất đồng, tăng cường sự tin cậy và hợp tác, cùng gánh vác trách nhiệm trong các vấn đề lớn của thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh, Bắc Kinh muốn xây dựng một mối quan hệ "tích cực, hợp tác và toàn diện" với Washington, cùng nhau "chia sẻ trách nhiệm đối với một loạt vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển của thế giới".

Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn khai mạc hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn cho rằng, với tiến trình tiếp tục cải cách và mở cửa nền kinh tế ở Trung Quốc sẽ giúp Mỹ sớm hồi phục nền kinh tế của mình. Đoàn đại biểu Trung Quốc do Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc dẫn đầu tới Washington có số lượng đông nhất từ trước đến nay - khoảng 150 quan chức. Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cùng chủ trì hội nghị đối thoại kinh tế, còn Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng chủ trì hội nghị đối thoại chiến lược.

Với tư cách là 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Bắc Kinh và Washington đã trao đổi quan điểm về biện pháp giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, cũng như đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và cân bằng của các nền kinh tế sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng này. Trung - Mỹ cũng đã thảo luận về phương thức cũng như thời điểm ngừng các gói cứu trợ kinh tế lớn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, ổn định trong thời gian tới.

Giới chuyên môn đã rút ra những thông điệp chính sau Hội nghị đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ lần thứ nhất. Theo đó, Washington muốn thông báo với Bắc Kinh, Trung Quốc không nên chỉ hy vọng vào kinh tế Mỹ, không nên chỉ trông chờ vào nhu cầu từ thị trường Mỹ để khôi phục kinh tế của mình. Phương thức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc nên đi từ nhu cầu "bên ngoài" chuyển sang phương thức dựa vào nội nhu để kích thích tăng trưởng. Nếu Bắc Kinh tăng cường nội nhu, giảm xuất khẩu sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế Mỹ. Mỹ hy vọng, Trung Quốc không chạy theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nới lỏng giới hạn nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Mỹ sẽ tăng cường khiếu nại nếu các doanh nghiệp của họ phải chịu những kỳ thị khi kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế nước này không chỉ phụ thuộc vào việc kích thích nội nhu, mà còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi của thị trường tiêu thụ Mỹ. Trung Quốc cũng nhấn mạnh, những hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng giữa 2 nước vẫn tồn tại nhiều tiềm năng lớn hơn là những tranh chấp hiện nay. Sau hội nghị này, 2 nước sẽ tiếp tục những hợp tác về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm nghiên cứu năng lượng chung Trung - Mỹ vừa tiến hành hồi trung tuần tháng 7.

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner đã hối thúc Bắc Kinh chuyển đổi nền kinh tế chú trọng xuất khẩu sang đáp ứng nhu cầu trong nước nhằm củng cố nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng bền vững và giảm bớt ô nhiễm môi trường.

Giới chức Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng, nền tảng cho sự ổn định và tạo bước ngoặt của kinh tế thế giới vẫn chưa vững chắc. Do đó, Bắc Kinh bày tỏ sự quan ngại trước cách thức Washington kiểm soát mức thâm hụt ngân sách hiện nay. Được biết, chi tiêu của Chính phủ Mỹ sẽ vượt quá mức thu nhập (lên tới 1,8 nghìn tỷ USD) trong năm tài chính hiện nay và điều này đang làm gia tăng những lo ngại về số tiền lên tới hơn 800 tỷ USD mà Bắc Kinh đã mua từ công trái Mỹ. Bắc Kinh thực sự lo ngại sau khi biết tin Chính phủ Mỹ sẽ phát hành khoảng 115 tỷ USD trái phiếu chính phủ, phá kỷ lục về lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong lịch sử.

Có người nói rằng, xét về tình hình kinh tế thì trong khi Mỹ đang cố thoát ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái thì Trung Quốc lại vẫn trên đà tăng trưởng. Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào cuối năm nay. Các lĩnh vực như thay đổi khí hậu, năng lượng và môi trường, cũng như biện pháp giải quyết những vấn đề an ninh, cùng thách thức đối với sự phát triển của khu vực và thế giới (vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, ổn định tình hình tại Pakistan, Afghanistan) cũng được song phương đề cập

Quốc Trung
.
.
.