Trung Quốc - Mỹ: Củng cố hợp tác, thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới

Thứ Năm, 12/01/2012, 10:50
Dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm tới chuyến công du Trung Quốc 2 ngày (từ 10 đến 11/1) của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner bởi diễn ra đúng thời điểm Bắc Kinh và Washington đang có những bất đồng khá gay gắt xung quanh chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, cũng như chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Bởi có tin nói rằng, Tehran đang chuẩn bị thử thiết bị hạt nhân dưới lòng đất với sức công phá 1 kiloton trong năm 2012. Hơn nữa, diễn ra đúng thời điểm Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kết thúc chuyến công du Trung Quốc 3 ngày (từ 9/1).

Giới truyền thông đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner với tư cách là đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama đã hội kiến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong đó đề cập tới những vấn đề song phương cùng quan tâm. Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như kinh tế-thương mại, đầu tư, tài chính, cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới, tạo công ăn việc làm để mang lại lợi ích cho người dân hai nước; đồng thời hối thúc Washington nới lỏng kiểm soát đối với các sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như thận trọng trong việc sử dụng các biện pháp xử lý về thương mại.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.

Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cho rằng, quan hệ Mỹ-Trung phát triển êm thấm không những có lợi cho 2 nước, mà còn có ích trong việc khôi phục nền kinh tế thế giới. Và Washington sẵn sàng cùng Bắc Kinh nỗ lực tăng cường liên lạc, hợp tác cũng như làm sâu sắc mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện và cùng có lợi giữa 2 nước.

Điều đáng nói là trong khi Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner vừa đặt chân tới Bắc Kinh thì tờ Nhật báo Phố Wall số ra ngày 10-1 đưa tin, Tổng thống Barack Obama dự định thành lập một nhóm chuyên trách để giám sát và xử lý các vụ vi phạm thương mại trong quan hệ kinh tế - thương mại với Trung Quốc.

Dự kiến việc này sẽ diễn ra hôm 24/1, khi Tổng thống Barack Obama đọc Thông điệp liên bang. Giới truyền thông cho rằng, ông Timothy Geithner đã thúc giục Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và giải quyết các tranh chấp về thương mại, tiền tệ. Giới chuyên môn cho biết, trung bình mỗi ngày có tới 40% lượng dầu mỏ cung cấp cho thế giới lưu thông qua eo biển Hormuz, do đó chiến tranh nổ ra tại khu vực này không những ảnh hưởng tới các quốc gia hữu quan, mà còn gây ra thảm họa lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Được biết, 11% nhu cầu về dầu của Trung Quốc được nhập từ Iran và Mỹ hy vọng, sau chuyến công du của ông Timothy Geithner, con số này sẽ được hạ thấp. Dự kiến trong tháng 1, Trung Quốc sẽ giảm 50% mức nhập khẩu dầu thô từ Iran, từ 550.000 thùng/ngày xuống còn khoảng 285.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, với tư cách là chủ sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất (với 1.130 tỷ USD tính tới tháng 10/2011) nên Trung Quốc đã bỏ qua những khuyến cáo của Mỹ xung quanh vấn đề này. Ngày 10/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố, vấn đề hạt nhân của Iran không thể giải quyết bằng cách dựa hoàn toàn vào các biện pháp trừng phạt. Bởi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Ngân hàng Trung ương Iran có thể gây nguy hại nghiêm trọng đối với Trung Quốc, quốc gia đang quan hệ với Ngân hàng Trung ương Iran, kể cả thanh khoản nhập khẩu dầu mỏ với tư cách là khách hàng "vàng đen" lớn nhất của nước này.

Dư luận cũng cho rằng, với tư cách là cường quốc số một và thứ hai về kinh tế nên những điểm đồng và tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình dương nói riêng và thế giới nói chung. Trước mắt, Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng thu hẹp bất đồng để ủng hộ sự tăng trưởng bền vững và công bằng, cũng như cùng các nước đảm bảo thành công của hội nghị thượng đỉnh G20 ở Los Cabos, Mexico sẽ diễn ra trong tháng 6 tới

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.