Trung Đông - Bắc Phi lại "dậy sóng"

Thứ Ba, 29/03/2011, 11:04
Những ngày cuối tháng 3, điểm nóng Trung Đông một lần nữa lại thu hút sự chú ý của dư luận. Những cuộc biểu tình chống chính phủ kèm bạo lực leo thang khắp nơi, đặc biệt là ở Syria và Yemen.
>> Tổng thống Gadhafi sẵn sàng đối thoại và cải tổ

Trong khi đó, cuộc chiến ở Libya giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối chưa có hồi kết và càng thêm quyết liệt với những đợt không kích của lực lượng liên quân trên khắp đất nước vùng Bắc Phi này. Cuộc đua giành những đặc quyền ở một khu vực giàu nguồn tài nguyên dầu mỏ đang đẩy người dân vào tình cảnh trớ trêu, đầy máu và nước mắt.

Từ những trận chiến ở Libya

Tin từ hãng AFP ngày 28/3 cho biết, sau những cuộc đọ súng quyết liệt, lực lượng chống chính phủ ở Libya đã giành quyền kiểm soát thành phố quê hương Sirte của Tổng thống Moammar Gadhafi, cửa ngõ của nửa Tây quốc gia này. Nằm cách thủ đô Tripoli 360km về phía Đông, thành phố Sirte vừa hứng chịu một đợt không kích của liên quân hôm 27/3 làm tuyến đường nối sân bay quốc tế với khu vực lân cận thủ đô bị hư hại.

Nguồn tin này cũng cho hay, lực lượng chống chính phủ còn giành lại quyền kiểm soát thành phố dầu mỏ quan trọng Ras Lanuf ở miền Đông, nơi chỉ cách thành trì Benghazi của lực lượng chống chính phủ khoảng 370km về phía Tây và cách Ajdabiya 210km, thành phố đầu tiên lực lượng chống chính phủ tái chiếm được ngày 26/3 sau một tuần liên quân tiến hành chiến dịch không kích Libya. Trên các đường phố Ras Lanuf, người ta có thể nhìn thấy vũ khí vứt ở khắp nơi và nhiều tòa nhà bị phá hủy một phần.

Biểu tình bạo lực đang leo thang ở Syria và Yemen. Ảnh: AP.

Ngay sau những "thắng lợi" quan trọng này, đại diện của lực lượng chống đối chính phủ đã mở cuộc họp báo và tuyên bố họ sẽ tiến hành xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ ở Libya trong 1 tuần nữa. Mỗi ngày, lực lượng này dự kiến sẽ sản xuất từ 100 đến 130 thùng dầu, và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, sản lượng sẽ được tăng lên mức 300 thùng/ngày. Qatar đã trở thành khách hàng đầu tiên của lực lượng này vì hai bên mới ký kết một hợp đồng mua bán.

Trong khi đó, quân đội chính phủ vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công vào những địa điểm trọng yếu của lực lượng nổi dậy.

Bác bỏ những thông tin về khả năng chạy ra nước ngoài của Tổng thống, đài truyền hình Libya hôm 27/3 còn phát sóng hình ảnh về ông Moammar Gadhafi khi đang ngồi trong xe tại đại bản doanh ở thủ đô Tripoli. Nguồn tin này cũng khẳng định, đoàn đại biểu của chính phủ Libya vẫn đang tiếp cận với các tổ chức nước ngoài, kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa bình với lực lượng chống đối.

Đến sự bùng phát bạo lực ở Syria và Yemen

Rõ ràng, khi tình hình ở Libya còn đang diễn tiến khá phức tạp với những thông tin nhiều chiều thì tại Syria, Yemen, sức nóng đã lên đến đỉnh điểm bằng những vụ biểu tình bạo lực. Tại Syria, biểu tình chống Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng gia tăng ở khắp các vùng miền. Mặc dù đã phải dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, song chính phủ lại triển khai quân đội ở cảng Latakia để ngăn dòng người biểu tình tiến vào đây.

Đài truyền hình quốc gia Syria đã cho phát cảnh từng đoàn người biểu tình dùng lốp cao su, cốc bát thủy tinh ném về phía lực lượng quân đội. Những kẻ quá khích còn dùng bom xăng tự chế. Ở các thành phố chính và cả thủ đô Damascus, tình trạng lộn xộn cũng tiếp diễn và những cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương.

Riêng ở Yemen, chỉ một ngày sau khi tuyên bố có thể từ chức và tổ chức tổng tuyển cử sớm, Tổng thống Abdullah Saleh thậm chí còn kêu gọi đàm phán và nhấn mạnh đây là biện pháp duy nhất có thể giúp quốc gia Đông Bắc Phi này không rơi vào thảm họa nội chiến. Tuy nhiên, tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp của đảng Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GPC) rằng ông Abdullah Saleh sẽ tiếp tục nhiệm kỳ cho tới năm 2013 đã khiến lực lượng biểu tình tức giận.

Nhiều nhà phân tích đang lo ngại, Yemen và Syria có thể sẽ rơi vào vết xe đổ của Libya và chịu thiệt thòi nhất vẫn là người dân trong cuộc chiến giành quyền lực của các phe phái

Sông Thương
.
.
.