Tranh cãi về ứng viên vị trí Ngoại trưởng Mỹ

Thứ Năm, 29/11/2012, 08:40
Mặc dù chưa chính thức nhận nhiệm kỳ mới, nhưng ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi đầu tháng 11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đối mặt với những khó khăn trong vấn đề tìm kiếm ứng viên cho các vị trí trong nội các. Trong khi ông Barack Obama hy vọng sẽ đưa Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Susan Rice vào vị trí Ngoại trưởng thì Quốc hội lại ra sức phản đối.

Tin từ hãng AP ngày 28/11 cho hay, tranh cãi tiếp tục nổi lên khi giới nghị sĩ đảng Cộng hòa chính thức lên tiếng không ủng hộ bà Susan Rice đảm nhận cương vị Ngoại trưởng thay bà Hillary Clinton. Tuyên bố này được đưa ra khi các Thượng nghị sĩ gồm John McCain, Lindsey Graham và Kelly Ayotte có cuộc gặp với bà Susan Rice để trao đổi về những điểm không đồng tình trong giải trình của bà về vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi, Libya hồi tháng 9.

Trước đó, đã có nhiều ý kiến từ đảng Cộng hòa về việc đề cử bà Susan Rice và bà Susan Rice cũng đã cố gắng “hòa giải” nhưng không thành. Thượng nghị sĩ John McCain – người đứng đầu nhóm nghị sĩ phản đối bà Susan Rice cho biết, mặc dù hai bên đã có cuộc thảo luận thẳng thắn, nhưng những lời giải thích của bà Rice vẫn chưa thỏa đáng. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham khẳng định, ông cần bà Susan Rice cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa về vụ việc ở Benghazi chứ không phải là những lời nói nhằm che đậy những lỗi lầm của CIA.

Nữ Thượng nghị sĩ Kelly Ayotte thì nhẹ nhàng khiển trách rằng, bà chưa được thuyết phục bởi những lời nói của bà Susan Rice. Cuối cùng, cả ba Thượng nghị sĩ cùng tuyên bố chỉ ủng hộ việc đề cử Đại sứ Mỹ tại LHQ vào cương vị cao hơn sau khi các câu hỏi về phản ứng của chính quyền trước vụ tấn công tại Benghazi được giải đáp.

Theo các nhà phân tích, hành động nói trên của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng giống như những gì mà đảng Dân chủ đã làm năm 2006 khi Tổng thống George W.Bush đề cử ông John Bolton – Đại sứ Mỹ tại LHQ vào vị trí Ngoại trưởng. Kịch bản cũ liệu có lặp lại? Đây vừa là câu hỏi, vừa là sự lo ngại của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice đang là ứng viên sáng giá cho vị trí ngoại trưởng Mỹ.

Phát biểu tại Washinghton D.C hôm 27/11, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã lên tiếng chỉ trích những nhận định của các thành viên đảng Cộng hòa về những giải đáp mà bà Susan Rice dựa trên những nguồn tin tình báo đầu tiên sau vụ tấn công.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama cũng đã lên tiếng bảo vệ nữ Đại sứ Mỹ khi khẳng định bà Susan Rice đã đảm nhiệm tốt công việc tại LHQ, đồng thời cáo buộc các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đang tìm cách hạ uy tín của bà khi liên tục công kích vào những phát biểu của nữ Đại sứ sau vụ tấn công kể trên.

Năm nay 48 tuổi, bà Susan Rice được đánh giá là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, nhà thương thuyết năng nổ, có người còn mô tả bà là 'thẳng thừng” và có “miệng lưỡi sắc bén”.

Hãng VOA cho hay, bà Susan Rice thăng tiến trong hàng ngũ các nhà ngoại giao những năm 1990 sau khi phục vụ trong cương vị phụ tá đặc biệt của cựu Tổng thống Bill Clinton và Giám đốc đặc trách các vấn đề châu Phi tại Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng. Từ năm 1997 đến năm 2001, bà Susan Rice giữ chức trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề châu Phi; cố vấn cao cấp về các vấn đề an ninh quốc gia trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của ông Barack Obama hồi năm 2008.

Bà được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Đại sứ tại LHQ ít lâu sau khi Tổng thống Barack Obama lên nhậm chức và trở thành phụ nữ Mỹ gốc châu Phi đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Bà Rice luôn là người được chính quyền chỉ định trong các cuộc đàm phán khó khăn với Nga và Trung Quốc về các vấn đề từ trừng phạt Iran cho tới việc với quân nổi dậy Libya và xử lý tình huống đối với vấn đề Syria...

Tài sản quý mà bà Rice có được là danh tiếng và các mối quan hệ với đại diện các nước từ châu Âu, Nga và Trung Quốc. So với một số ứng viên khác như Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện John Kerry, cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon hay nghị sĩ bang Indiana Richard Lugar... bà Susan Rice vẫn được coi là ứng viên sáng giá nhất dù chưa “ngang tầm” với đương kim Ngoại trưởng, cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

Và để trở thành Ngoại trưởng tiếp theo, bà Susan Rice, sau khi được Tổng thống Barack Obama đề cử, vẫn cần phải giành được ít nhất 60 phiếu ủng hộ ở Thượng viện Mỹ. Nếu trở thành người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, bà Susan Rice sẽ là phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai đảm nhận cương vị này

Phan Hiển
.
.
.