Trang mạng WikiLeaks công bố 1,7 triệu tài liệu ngoại giao Mỹ

Thứ Ba, 09/04/2013, 09:42
Các hoạt động tình báo, ngoại giao Mỹ một lần nữa lại bị công khai trên trang mạng WikiLeaks sau khi tổ chức này quyết định công bố 1,7 triệu tài liệu ngoại giao trong thập niên 1970. Đúng như dự đoán của nhiều người, hành động này của WikiLeaks đã thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận thế giới và làm giảm sức nóng đang lan tỏa trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP, ông chủ trang web WikiLeaks Julian Assange cho biết, những tài liệu được công bố từ ngày 8/4 là những thông tin chưa từng được biết đến trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 1973 đến tháng 12 năm 1976. Phần lớn trong số này là các bức điện, công văn, thư yêu cầu và tài liệu trao đổi của Ngoại trưởng Mỹ thời đó là Henry Kissinger.

Nhiều tài liệu có trong kho lưu trữ quốc gia của Mỹ, một số được đánh dấu mật. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của các biên tập viên WikiLeaks, các tài liệu này đã được phân loại, đối chiếu và sắp xếp theo dạng dễ tra cứu nhất. Để giúp cho độc giả có thể tìm hiểu tài liệu qua mạng internet  dễ dàng, WikiLeaks đã chia tài liệu thành 3 dạng: thư viện công cộng của ngành ngoại giao Mỹ (PlusD) được đánh dấu là NODIS (no distribution-không phân phối) hoặc Eyes Only (chỉ đọc) và cuối cùng là những hồ sơ mật.

Dù đang sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London (Anh), nhưng ông chủ WikiLeaks Julian Assange vẫn là người chịu trách nhiệm chính và giám sát quá trình thu thập, phân loại tài liệu.

Phát ngôn viên của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson cho biết, toàn bộ tài liệu được công bố lần này cho thấy sức ảnh hưởng và sự can thiệp của Mỹ trong lĩnh vực ngoại giao, tình báo đối với tất cả các nước trên thế giới. Ông Kristinn Hrafnsson cũng khẳng định đây là những tài liệu mật, với độ chính xác 100%. Các nhân viên của WikiLeaks đã mất hàng tháng trời để phân loại và chuyển hóa thành 2 triệu file dạng NARA từ tài liệu dạng PDF.

Cũng theo Kristinn Hrafnsson, ông chủ Julian Assange là người chịu trách nhiệm chính và giám sát quá trình thu thập tài liệu và phân loại của nhân viên WikiLeaks dù ông vẫn đang sống tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Đáng chú ý là ở một phần nhỏ được cho là phụ lục của tài liệu được công bố, Wikileaks đã cung cấp vài trang thông tin có được từ Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2006 trong đó miêu tả những nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush trong việc hỗ trợ tài chính và nhân lực cho lực lượng đối lập ở Venezuela nhằm lật đổ chế độ Tổng thống Hugo Chavez thời bấy giờ.

Dưới tên gọi “The Hill”, những trang tài liệu này cho biết, Đại sứ Mỹ tại Venezuela lúc đó là William Brownfield đã chỉ ra 5 bước trong kế hoạch này gồm: thâm nhập vào hệ thống chính trị Venezuela, chia rẽ những người theo “chủ nghĩa Chavez”, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ và cô lập ông Hugo Chavez với cộng đồng quốc tế. Lập luận của ông William Brownfield là những mục đích này sẽ đạt được dưới chiêu bài “dân chủ”.

Cho đến chiều 8/4, Ấn Độ đã trở thành quốc gia đầu tiên đưa ra những phản ứng xung quanh các tài liệu mật của ngoại giao Mỹ mới được WikiLeaks tiết lộ. Cụ thể là, lãnh đạo đảng Bharatiya Janata (BJP) đã gửi yêu cầu lãnh đạo đảng Quốc đại trả lời về những thông tin mà WikiLeaks cung cấp, theo đó, nói rằng cựu Thủ tướng Rajiv Gandhi có vai trò môi giới trong một bê bối mua bán máy bay chiến đấu Viggen giữa lực lượng không quân Ấn Độ và công ty của Thụy Điển Saab-Scania.

Tài liệu ngoại giao Mỹ khẳng định, ông Rajiv Gandhi là người đàm phán chính của Ấn Độ trong thương vụ này khi chưa làm Thủ tướng và Mỹ cũng có can thiệp vào vụ việc. Vì thế, phát ngôn viên của đảng BJP Prakash Javadekar trong cuộc gặp gỡ báo chí cùng ngày đã khẳng định, gia đình Gandhi cần phải có sự giải thích rõ ràng về thông tin nói trên. Trong khi đó, một quan chức Chile cho biết, chính phủ nước này sẽ kiểm tra thông tin để tìm ra câu trả lời xung quanh việc các bức điện ngoại giao của Mỹ liên quan đến cuộc đảo chính đẫm máu của Pinochet năm 1973…

Giới quan sát nhận định, với đống tài liệu đồ sộ mới được công bố lần này, WikiLeaks một lần nữa lại “thách thức”, “chọc giận” Mỹ và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc chính quyền Washington thúc ép việc dẫn độ ông Julian Assange về nước để chịu xét xử vì tội xâm nhập tài liệu mật quốc gia

Huyền Chi
.
.
.