Tổng thống Pakistan bị luận tội sau bầu cử?

Thứ Ba, 19/02/2008, 11:46
Nếu để phe đối lập giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội mới, ông Pervez Musharraf sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Được biết, PPP đã thề loại bỏ Tổng thống Pervez Musharraf nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 18/2.

Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm 18/2 tại Pakistan đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước bởi nó diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm, cũng như những biến cố chính trị đang xảy ra tại quốc gia Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trước cuộc bầu cử 1 ngày (17/2), lực lượng an ninh, cảnh sát và quân đội nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào cuộc biểu dương lực lượng của đảng Nhân dân Pakistan (PPP) khiến gần 50 người chết, trên 90 người khác bị thương.

Nhiều người hi vọng cuộc bầu cử có thể tái khôi phục nền dân chủ sau cuộc khủng hoảng chính trị cũng như bạo lực đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, cho dù phe đối lập có giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 18/2 thì tình hình chính trị Pakistan vẫn chưa thể chấm dứt bất ổn bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, tuy đã "giã từ vũ khí" - từ bỏ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội, nhưng ông Pervez Musharraf quyết không để chiếc ghế Tổng thống bị lung lay. Theo kết quả thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử, phe đối lập có thể đắc cử bởi nhiều cử tri đã bất mãn với hơn 8 năm cầm quyền của Tổng thống Pervez Musharraf, kể từ sau cuộc đảo chính năm 1999. Nhưng nếu để phe đối lập giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội mới, ông Pervez Musharraf sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Được biết, PPP đã thề loại bỏ Tổng thống Pervez Musharraf nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 18/2. 

Mặc dù Tổng thống Pervez Musharraf chưa phải đối mặt với một cuộc bầu cử lại, nhưng ông có thể sẽ bị luận tội nếu phe đối lập nắm quyền kiểm soát Quốc hội. Dư luận rất quan tâm tới tuyên bố trước giới truyền thông của ông Babar Awan, thành viên trong Hội đồng điều hành Trung ương PPP hôm 15/2.

Theo đó việc phế truất Tổng thống Pervez Musharraf sẽ đưa Pakistan thực sự quay trở lại với dân chủ. Tuyên bố của ông Babar Awan được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tổng thống Pervez Musharraf cảnh báo các đối thủ chớ có ngay lập tức cáo buộc gian lận và tổ chức biểu tình sau cuộc bầu cử 18/2.

Thứ hai, sẽ có cáo buộc gian lận bầu cử. Điều này có thể diễn ra ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố (dự kiến những kết quả đầu tiên có thể sẽ được công bố vào khoảng 22 giờ 30 phút 18/2, tức gần 1 giờ sáng ngày 19/2, theo giờ Việt Nam) và đây là điều đã được tiên liệu.

Nhiều người nhận định, cho dù đắc cử, nhưng không giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội mới, phe đối lập vẫn có thể đưa ra cáo buộc trên bởi mục đích chính của họ là lật đổ Tổng thống Pervez Musharraf. Tổng thống Pervez Musharraf quyết không thể để khả năng này diễn ra bởi nó đồng nghĩa với việc kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.

Chủ tịch PPP, cựu Đệ nhất phu quân Asif Ali Zardari và cựu Thủ tướng Nawaz Sharif tuyên bố sẽ tiến hành biểu tình nếu nghi ngờ có gian lận trong bầu cử. Thiếu tướng Rashid Qureshi, phát ngôn viên của Tổng thống Pervez Musharraf cũng đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng, cuộc bầu cử đã được sắp đặt trước.

Tổng thống Pervez Musharraf cam kết về một cuộc bầu cử tự do, công bằng, minh bạch và hoà bình. Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất, PPP sẽ về thứ nhất, tiếp đến là đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, còn Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-Q) ủng hộ Tổng thống Pervez Musharraf sẽ đứng thứ ba trong cuộc bầu cử 18/2.

Nhiều người nhận định, PML-Q tuy không chiếm đa số trong Quốc hội mới, nhưng sẽ là lực lượng đối lập đáng kể. Có tin nói rằng, ông Asif Ali Zardari đang đàm phán về khả năng chia sẻ quyền lực nếu PPP đắc cử và khi đó sẽ xuất hiện cục diện "đại Thủ tướng" và "tiểu Tổng thống".

Hiện Phó Chủ tịch PPP, ông Makhdoom Amin Fahim là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức tân Thủ tướng. Được biết, đảng của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đã đồng ý liên minh với PPP trong cuộc bầu cử 18/2, nhưng điều này không có nghĩa bất đồng về lợi ích chính trị giữa họ đã chấm dứt. Đây chính là điểm yếu để Tổng thống Pervez Musharraf có thể lợi dụng trong tình thế bắt buộc.

Thứ ba, tâm lý bất ổn của cử tri. Mặc dù Bộ Nội vụ cho biết, khoảng 480.000 nhân viên an ninh đã được huy động để tăng cường an ninh tại hơn 8.000 điểm bỏ phiếu nhạy cảm, nhưng nhiều cử tri tuyên bố sẽ ở nhà để tránh trở thành nạn nhân của những vụ khủng bố. Mặc dù có tới hơn 81 triệu cử tri đăng ký, nhưng số người đi bầu sẽ ít hơn rất nhiều bởi nhiều nguyên nhân.

Theo thống kê, số người thiệt mạng trong năm 2007 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2006 - tăng từ 967 người lên 2.116 người. Được biết, để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử, quân đội Pakistan cũng đã phái hơn 81.000 người tới làm nhiệm vụ tại trên 35.000 địa điểm bầu cử.

Tuy nhiên, những vụ xung đột bạo lực liên tục diễn ra trước và sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto (27/12/2007) đã phủ bóng đen lên cuộc bầu cử 18/2. Theo thông báo, đã có hơn 500 quan sát viên quốc tế có mặt tại Pakistan để giám sát cuộc bầu cử

Quốc Trung
.
.
.