Tổng thống Nga Vladimir Putin: Không có chiến tranh giữa Moskva và Kiev

Thứ Tư, 25/02/2015, 09:50
Dù xung đột đang leo thang ở miền Đông Ukraine, song Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định, cả Moskva và Kiev đều không muốn có chiến tranh và sẽ không để chiến tranh xảy ra.

Một trong những bí kíp để điều chỉnh vấn đề Ukraine hiện nay, theo người đứng đầu điện Kremlin là chính quyền Kiev phải sớm thiết lập quan hệ với vùng Đông Nam một cách văn minh và bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân ở Donbass.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Russia-1 hôm 23/2 nhân ngày “Bảo vệ Tổ quốc”, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Moskva luôn có những biện pháp đáp trả thích đáng đối với bất kỳ sự áp đặt nào từ bên ngoài.

Quân đội chính phủ và lực lượng chống đối ở miền Đông Ukraine đến nay vẫn chưa rút hết vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực chiến sự theo đề xuất trong thỏa thuận Minsk. Ảnh: Wochit.

Ông nói: “Bất cứ ai cũng không nên có ảo tưởng rằng có thể chiếm được ưu thế quân sự trước nước Nga, để rồi dồn nén nước Nga. Chúng ta sẽ luôn có những biện pháp đáp trả thích đáng trước những hành động phiêu lưu như vậy”.

Đồng thời, Tổng thống Nga cũng biểu dương lòng can đảm, tính chuyên nghiệp của các chiến sĩ, sĩ quan lực lượng vũ trang Nga – một quân đội hiện đại được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của quân đội Xô Viết, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc; bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của nước Nga.

Chưa hết, ông Putin còn tuyên bố, sẽ không cho phép bất kỳ nước nào giành ưu thế quân sự trước Nga và rằng, Moskva không bao giờ chịu khuất phục trước sức ép ngoại bang.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cũng chỉ rõ rằng, các nước phương Tây đang vi phạm Hiến chương LHQ, cụ thể là điều khoản “tôn trọng nền độc lập, chủ quyền của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.

Và rằng, để đảm bảo tính công bằng toàn cầu, Nga phản đối mạnh mẽ các lệnh cấm vận “đơn phương và không được Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ” như các sắc lệnh trừng phạt Nga do Mỹ và phương Tây áp đặt xung quanh vấn đề Ukraine.

Ông Sergei Lavrov khẳng định, Nga đang thực hiện chương trình tái vũ trang quy mô lớn quân đội và sẽ làm tất cả để các lực lượng vũ trang phát huy hết tiềm năng của mình. Hiện, ngân sách chi cho lĩnh vực quân sự của Nga tăng khoảng 30% trong năm 2015.

Về viễn cảnh một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, người đứng đầu điện Kremlin nói: “Viễn cảnh ấy không có nhiều khả năng xảy ra và tôi cũng mong nó sẽ không trở thành sự thực”.

Theo quan điểm của Tổng thống Nga, việc mở một cuộc gặp 4 bên khác cùng Ukraine, Pháp, Đức để bàn về hòa bình tại miền Đông Ukraine là không cần thiết, bởi những gì các nước đưa ra trên bàn đàm phán ở Minsk (Belarus) hồi đầu tháng đã khá đầy đủ và chi tiết.

Ông Putin nói: “Thỏa thuận Minsk không chỉ là kết quả của các cuộc đàm phán cấp cao 4 bên, mà còn được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và nhận được sự ủng hộ của toàn thể cộng đồng quốc tế. Tác giả của văn bản này là các đối tác Pháp và Đức và điều này thể hiện mong muốn chân thành của họ trong việc giải quyết vấn đề miền Đông Ukraine. Tôi hy vọng, thỏa thuận đạt được sẽ được thực thi một cách đầy đủ và đây là con đường đúng đắn nhất để thúc đẩy hòa bình tại Ukraine”.

Riêng vấn đề Crimea sáp nhập trở lại Nga, ông Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng quyết định này vì “đó là sự lựa chọn của người dân Crimea” và những cáo buộc mà Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng các cơ quan an ninh, tình báo Ukraine nhằm vào Nga trước đây cũng như hiện tại đều “hoàn toàn vô nghĩa”…

Nhiều nhà phân tích nhận định, bài trả lời phỏng vấn của Tổng thống Nga một lần nữa thể hiện khá rõ quan điểm của chính quyền Moskva xung quanh vấn đề miền Đông Ukraine. Vấn đề bây giờ không còn là sự tranh cãi đúng sai, mà là cách thức thực hiện để tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất cho tình hình miền Đông Ukraine.

Thống kê mới nhất của LHQ cho thấy, hiện có khoảng 190.000 người ở miền Đông Ukraine đang rơi vào cảnh khốn khó do chiến sự và trong tình thế bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.

Hôm 23/2, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin đã bắt đầu cuộc thảo luận với các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại miền Đông.

Sông Thương
.
.
.