Tổng thống Mỹ ủng hộ dự luật kiểm soát vũ khí

Thứ Năm, 20/12/2012, 08:43
Lời kêu gọi của Tổng thống Barack Obama về “hành động có ý nghĩa” sau vụ xả súng ở Newtown, bang Connecticut (Mỹ) đang  biến thành hành động thực tế với khẳng định của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney rằng, Tổng thống ủng hộ dự luật kiểm soát vũ khí. Câu hỏi được đặt ra là liệu những tuyên bố này có trở thành hiện thực hay lại giống như những gì  ông Barack Obama đã đề cập khi lên làm Tổng thống nhiệm kỳ 1 cách đây 4 năm.
>> “Văn hóa súng đạn” lại được yêu cầu xem xét

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/12, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định, Tổng thống Barack Obama ủng hộ ý tưởng tái áp đặt lệnh cấm sử dụng vũ khí tấn công sau vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut hôm 14/12.

Điều này có nghĩa ông sẽ “hậu thuẫn” cho kế hoạch của Thượng nghị sĩ bang California thuộc đảng Dân chủ Dianne Feinstein về dự luật cấm các vũ khí có thể tấn công mà bà dự định trình Quốc hội trong ngày họp đầu tiên của Hạ viện vào đầu năm 2013. Bên cạnh đó, ông Barack Obama cũng ủng hộ nhiệt tình việc gia hạn đạo luật cấm sử dụng súng đạn được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1994 (và đã hết hạn năm 2004) đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công và bất cứ dự luật nào góp phần kiểm soát sự lỏng lẻo trong việc kinh doanh súng đạn tại Mỹ.

Hôm 17/12, Tổng thống Mỹ cũng đã thảo luận với Phó Tổng thống Joe Biden và 3 thành viên nội các về vấn đề giới hạn sử dụng vũ khí. Trong khi đó, bà Dianne Feinstein tuyên bố, cuộc xả súng lần này là nguyên nhân để bắt đầu một cuộc tranh luận thấu đáo về luật súng ống trong phiên họp Quốc hội sắp tới.

Sự an toàn của những em nhỏ trên đất Mỹ liệu có được đảm bảo khi mà hoạt động mua bán súng đạn vẫn diễn ra tràn lan, không bị kiểm soát?.

Còn tại New York, Thị trưởng Michael Bloomberg đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama sử dụng quyền lực hành pháp của mình nhằm yêu cầu chính quyền liên bang đưa danh sách gồm các đối tượng tội phạm nguy hiểm, những kẻ bạo hành gia đình và những người mắc bệnh tâm thần vào hệ thống kiểm tra lý lịch tội phạm quốc gia nhằm ngăn chặn việc mua bán và sử dụng vũ khí.

Ông Michael Bloomberg cùng với một số Thị trưởng khác trong đó có Thị trưởng Boston Thomas Menino đều khẳng định, cần có một chính sách quốc gia để loại bỏ những kẽ hở pháp luật về súng đạn. Hạ nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ tại Hạ viện John Larson cho biết, ông sẽ đưa ra hàng loạt biện pháp để thúc đẩy Quốc hội thông qua, nhằm siết chặt các quy định về buôn bán và sở hữu súng đạn, trong đó gồm cả việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với tất cả các hồ sơ xin mua súng và cấm sở hữu các loại vũ khí có khả năng tấn công.

Đồng thời, hạ nghị sĩ John Larson còn chỉ trích động cơ chính trị cản trở các nhà lập pháp có ngay hành động để góp phần ngăn chặn các vụ bạo lực ngày càng tàn nhẫn hơn. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jerrold Nadler nhấn mạnh: “Nếu không tổ chức ngay một cuộc thảo luận nghiêm túc về kiểm soát súng và nạn xả súng ám ảnh xã hội chúng ta thì tôi không biết sẽ đến thế nào. Một người trong tình trạng bất ổn vẫn được tiếp cận với vũ khí và gây ra tội ác chống lại trẻ em. Chúng ta không thể chấp nhận đây là một quy trình của xã hội Mỹ hiện đại. Tôi kêu gọi Tổng thống Obama, Quốc hội và người dân hãy hành động vì sự phẫn nộ của chúng ta”.

Rõ ràng, sau gần 10 vụ thảm sát liên quan đến súng đạn trong vòng 6 tháng cuối năm 2012, thêm nhiều tiếng nói phẫn nộ ở Mỹ kêu gọi việc xem xét lại Luật sở hữu súng được Hiến pháp bảo vệ. Tuy nhiên, như ông Jay Carney thừa nhận, sở hữu súng đạn là một vấn đề nhạy cảm và cần phải có thời gian để giải quyết chứ không thể một sớm một chiều là làm được.

Hơn nữa, trong nhiệm kỳ 2 làm Tổng thống của ông Barack Obama, chính sách kiểm soát súng đạn có thể chưa phải là ưu tiên hàng đầu mặc dù vào năm 2008, khi đắc cử Tổng thống, ông Barack Obama từng cam kết sẽ khôi phục lại Luật cấm sử dụng súng đạn song lại chưa thực hiện được. Hiện tại, chính phủ Mỹ mới tạm xem xét việc liệt kê những đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần vào đạo luật mới nhằm kiểm soát việc sử dụng súng đạn, trong bối cảnh nhiều người với điều kiện tâm lý không ổn định vẫn có khả năng tiếp cận vũ khí một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, theo dự đoán của các nhà phân tích, đề xuất của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein sẽ vấp phải sự phản ứng mạnh từ Quốc hội., đặc biệt là các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa bởi đảng này đang chịu áp lực nặng nề từ lá phiếu của các thành viên Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) bởi tổ chức này đã quyên góp gần 1 triệu USD cho ứng cử viên Mitt Romney trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11 vừa qua.

Bên cạnh đó, một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ quyền sở hữu súng do Hạ nghị sĩ Mike Ross thuộc bang Arkansas dẫn đầu, đã viết thư cho Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder nói rằng, họ không chỉ phản đối luật cấm các loại súng kiểu quân sự mà còn chống lại mọi nỗ lực "nhằm thông qua bất kỳ luật tương tự nào". Theo những chính khách này, các vấn đề về kiểm soát súng ống chỉ dẫn tới "một cuộc đấu tranh dài, gây chia rẽ" vào thời điểm mà Quốc hội Mỹ cần phải tập trung vào nền kinh tế đang suy yếu...

Vì thế, nếu Tổng thống Barack Obama nêu vấn đề kiểm soát súng trong giai đoạn hiện nay, nó sẽ chẳng khác nào hành động tự sát về mặt chính trị. Chuyện này từng xảy ra vào năm 1994, khi Quốc hội Mỹ đã triển khai một lệnh cấm dài 10 năm với 19 loại vũ khí tấn công tiêu chuẩn quân sự. Một số người thuộc đảng Dân chủ về sau tin rằng đạo luật này là lý do khiến họ bị các cử tri bảo vệ quyền sở hữu súng “đá” khỏi thế đa số ở Hạ viện vài tháng sau đó.

5 năm sau, Phó Tổng thống Al Gore dẫn đầu một nỗ lực vận động tại Thượng viện Mỹ nhằm thông qua một quy định hạn chế việc bán súng tại các buổi triển lãm, sau khi xảy ra vụ thảm sát trường Trung học Columbine 1999 và hành động này cũng khiến ông Al Gore thua trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000...

Các con số thống kê cho hay, mỗi năm, 31.000 người Mỹ thiệt mạng vì súng, trong đó có hơn 11.000 người bị giết, số còn lại là tự sát. Con số này nhiều gấp 5 lần số lính Mỹ thiệt mạng trong cả một thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan. Hiện người dân Mỹ đang sở hữu khoảng 270 triệu khẩu súng và Mỹ trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới.

Đứng thứ hai là Yemen, một đất nước của các bộ lạc và những vụ tranh chấp quyền lực. Đến ngay cả trẻ em ở Mỹ cũng quen với súng đạn ngay từ khi còn bé. Như thủ phạm vụ thảm sát ở Newtown chẳng hạn, hắn đã được mẹ dạy cách bắn súng từ bé. Còn ở bang Utah, hôm 18/12, cảnh sát thành phố Salt Lake đã bắt giữ một cậu bé 11 tuổi với cáo buộc mang vũ khí vào trường học.

Khi được hỏi, cậu bé này trả lời rằng mang súng lục 22 ly theo người để bảo vệ bản thân và bạn bè khỏi những vụ xả súng như ở Connecticut.

Châu Anh

Gia Nam
.
.
.