Tổng thống Mỹ Obama có nguy cơ bị luận tội

Thứ Tư, 22/05/2013, 09:00
Bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sau sự không thống nhất về cắt giảm ngân sách không những không giảm bớt mà còn gia tăng thêm nhiều mâu thuẫn khác. Đỉnh điểm nhất là vào ngày 20/5, nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã yêu cầu mở phiên luận tội nhằm vào Tổng thống Barack Obama xung quanh vụ ám sát Đại sứ Mỹ tại Libya, vụ bê bối trong cơ quan thuế vụ và scandal Bộ Tư pháp giám sát điện thoại cùng thư điện tử của phóng viên hãng AP.

Rõ ràng, trong nhiệm kỳ II Tổng thống, ông Barack Obama đã vấp phải hàng loạt khó khăn ngay từ các cơ quan cấp cao nhất. Nỗ lực của ông trong suốt 5 tháng qua nhằm hàn gắn khoảng cách về quan điểm giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ đã không thành.

Ngược lại, những gì mà Quốc hội muốn thì Nhà Trắng không thực hiện được, còn những gì chính phủ đề xuất thì các nghị sĩ lại không thông qua. Theo giới phân tích, hàng loạt vụ bê bối xuất hiện gần đây giống như một “cơn sóng thần” tấn công vào Nhà Trắng, khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama luôn ở thế "phòng thủ", còn Quốc hội, nhất là đảng Cộng hòa thì có thêm cơ hội để đưa ra những chỉ trích mới.

Đỉnh điểm nhất là việc hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Jason Chaffetz hôm 20/5 đã tuyên bố với báo giới rằng, chính phủ Mỹ đã cố tình lừa gạt người dân trong vụ người biểu tình Libya tấn công sát hại Đại sứ và ba nhân viên ngoại giao của Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái.

Theo ông Jason Chaffetz, hành động này là không thể chấp nhận được và Quốc hội nên bỏ phiếu luận tội Tổng thống Barack Obama. Đồng thời, ông Jason Chaffetz cũng lập luận rằng, vụ ở Libya sẽ có thể được giải quyết nhẹ nhàng nếu không xảy ra các bê bối khác liên quan đến trách nhiệm hành pháp và các hành vi vi phạm luật pháp.

Vì vụ khủng bố ở Benghazi, Lybya, Tổng thống Barack Obama có nguy cơ bị luận tội.

Đáng chú ý đây không phải là ý kiến của riêng hạ nghị sĩ Jason Chaffetz. Hồi tuần trước, sau vụ Cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS) có các hành vi phân biệt đối xử khi giám sát chặt chẽ nguồn tài chính của một số nhóm bảo thủ thân đảng Cộng hòa, vụ Bộ Tư pháp Mỹ bí mật nghe lén và kiểm tra thư điện tử của phóng viên hãng thông tấn AP, một số chính khách khác của đảng Cộng hòa như Chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Cộng hòa Reince Priebus, Thượng nghị sĩ Rand Paul và Hạ nghị sĩ Michele Bachmann cũng lên tiếng về khả năng phế truất ông Barack Obama ra khỏi cương vị người đứng đầu cơ quan hành pháp của nước Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù bị “ném đá tơi bời”, Tổng thống Mỹ vẫn ra sức bảo vệ chính sách của Nhà Trắng. Phát biểu tại Trường Đại học Morehouse ở thành phố Atlanta, ông Barack Obama khẳng định: “Nhiệm vụ của tôi là thực hiện các chính sách để tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, tăng cường sức mạnh của tầng lớp trung lưu và người nghèo”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, các chính sách của Nhà Trắng sẽ tạo thêm công ăn việc làm, xóa nghèo, bảo vệ trẻ em Mỹ trước các nguy cơ bạo lực. Riêng đối với các vụ scandal, Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ không để chúng khiến mình bị xao nhãng nhiệm vụ điều hành đất nước. Nhà Trắng tiết lộ hơn 100 trang email nội bộ nhằm xoa dịu tranh cãi cho rằng, ông Barack Obama và các cộng sự của mình đã tìm cách bưng bít thông tin về vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi.

Các email cho thấy, các quan chức đã thận trọng trao đổi qua email nhiều lần về những gì mà Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice nên nói trong chương trình nói chuyện hôm 16/9/2012. CIA cũng phải thay, chỉnh sửa rất nhiều lần bản báo cáo của mình để phù hợp với tình huống lúc đó. Người phát ngôn của Nhà Trắng Eric Schultz tuyên bố: “Tập hợp những email này cho thấy rõ một quá trình liên ngành, trong đó có những tương tác từ Nhà Trắng, đã chú trọng vào việc cung cấp sự thực mà chúng tôi biết dựa trên những thông tin tốt nhất có được tại thời điểm đó và bảo vệ một cuộc điều tra đang được tiến hành”.

Lập luận này hoàn toàn phù hợp với những gì giới chức Mỹ nói rằng, nội dung thảo luận được xây dựng dựa trên thông tin tình báo do CIA thông qua và để tránh những phán đoán trước kết quả điều tra của FBI về các vụ tấn công tại Benghazi. Nhưng đảng Cộng hòa vẫn cho rằng, đây là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giảm bớt sự nguy cấp của vụ việc để giúp bảo vệ ông Barack Obama trong chiến dịch vận động tranh cử lúc đó.

Tuy nhiên, theo khảo sát của CNN/ORC International, bất chấp những chỉ trích gay gắt mà đảng Cộng hòa nhằm vào Tổng thống, hiện vẫn có 53% người dân Mỹ tán thành các chính sách của Nhà Trắng, cao hơn mức 51% hồi tháng 4.

Theo điều 2 Hiến pháp Mỹ, bỏ phiếu luận tội là một quyền lực mà Quốc hội Mỹ có thể sử dụng để truy tố và phế truất các quan chức cấp cao của chính phủ như Tổng thống và Phó Tổng thống nếu các quan chức này bị cho là có những hành động phạm pháp nghiêm trọng khi đang tại chức.

Trong lịch sử nước Mỹ đã có ba Tổng thống bị Quốc hội bỏ phiếu luận tội là Andrew Johnson năm 1868, Richard Nixon năm 1974 và Bill Clinton năm 1998. Cả ba trường hợp này đều diễn ra khi đảng đối lập với Tổng thống nắm giữ quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.

Năm 2008, Hạ viện Mỹ cũng từng bỏ phiếu luận tội Tổng thống George W. Bush về các hành vi lừa dối trong cuộc chiến Iraq, bắt giam và bỏ tù các công dân Mỹ và người nước ngoài một cách bất hợp pháp, tra tấn tù nhân cũng như thái độ thiếu trách nhiệm trong vấn đề khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, với 251 Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ phản đối, bản nghị quyết luận tội đã thất bại.

Châu Anh

Gia Nam
.
.
.