Tổng thống Mỹ Barack Obama công du 4 nước châu Á

Thứ Bảy, 06/11/2010, 11:30
Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã rời Washington D.C, bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản trong 10 ngày. Đây là chuyến công du nước ngoài dài nhất kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức.

Nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn nhằm phục hồi và củng cố sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, chuyến thăm còn là cơ hội để ông Barack Obama khẳng định vai trò lãnh đạo và phục hồi khả năng tái tranh cử của ông vào năm 2012.

Tháp tùng Tổng thống Mỹ trong chuyến công du lần này có hơn 200 lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ. Ấn Độ là chặng dừng đầu tiên trong chuyến thăm này. Với mục đích tăng cường quan hệ mậu dịch với Ấn Độ để tạo một thế cân bằng với cường quốc đang nổi lên là Trung Quốc, lãnh đạo các doanh nghiệp này có nhiệm vụ tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu tư trong một số lĩnh vực như công nghệ, xuất bản, hóa học và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu của Ấn Độ.

An ninh đã được thắt chặt ở Ấn Độ để đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP

Đặc biệt, hai hãng sản xuất máy bay lớn của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin sẽ mở rộng làm ăn với Bộ Quốc phòng Ấn Độ bằng hợp đồng trị giá 11 tỷ USD cho việc mua bán 126 máy bay chiến đấu.

Phát biểu trước thềm chuyến đi, ông Barack Obama nói: "Chuyến thăm sẽ giúp các doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường châu Á, một thị trường mới nổi và đang phát triển mạnh trên thế giới. Chúng ta có thể tạo thêm được nhiều công ăn việc làm sau khi các thỏa thuận thương mại được ký kết. Tôi hy vọng rằng, với sự hợp tác này, tốc độ phát triển kinh tế ở Mỹ và các nước châu Á này sẽ tăng cao và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm".

Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nói: "Chúng tôi đã có hợp tác chiến lược với Ấn Độ. Chúng tôi nhận thấy rằng, Ấn Độ đang ngày càng "nổi" trên diễn đàn thế giới và Mỹ phải biết nắm bắt cơ hội này”.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng rất mong chờ chuyến thăm này của Tổng thống Mỹ bởi họ muốn có sự ủng hộ của Washington trong cuộc tranh đua chiếc ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Một số nhà phân tích nhận định, chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của ông Barack Obama sẽ tạo ra những khai phá mới trong quan hệ Mỹ - Ấn. Hồi năm 2000, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng đã giúp phá tan tảng băng ngoại giao giữa hai nước. Năm 2006, khi tới Ấn Độ, Tổng thống Mỹ George W.Bush cũng đã thúc đẩy được việc hai nước ký Hiệp định hạt nhân dân sự.

Được biết, trước ngày 5/11, Tổng thống Barack Obama đã 2 lần hoãn công du 4 nước châu Á vì áp lực trong việc giải quyết những vấn đề trong nước. Do đó, khi gặp thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ, ông Barack Obama đã quyết tâm gạt bỏ mọi phiền muộn, bắt đầu những bước đi mới. Tổng thống Mỹ sẽ dừng chân 3 ngày rưỡi tại Ấn Độ, thời gian dài nhất ông từng lưu lại tại nước ngoài kể từ khi trở thành Tổng thống. Tiếp đó, ông sẽ tới Indonesia, nơi đã gắn bó khi mới 4 tuổi.

Tại quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới này, Tổng thống Barack Obama sẽ đọc bài diễn văn quan trọng về đạo Hồi, trong đó khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết trong bài phát biểu "đầy ấn tượng" tại Cairo hồi năm ngoái, như giảm sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq và Afghanistan, thể hiện thiện chí của Washington với thế giới Hồi giáo, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố… Chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến hành trình này là Hàn Quốc.

Tổng thống Barack Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 rồi tiếp tục tới Nhật Bản tham dự Hội nghị APEC. Vì là một trong những chuyến công du nước ngoài cuối cùng của nhà lãnh đạo Mỹ trước khi Quốc hội mới được triệu tập vào đầu tháng 1 năm sau nên chuyến thăm châu Á lần này của ông Barack Obama đã thu hút được sự chú ý của dư luận quốc tế.

Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ có thể đối mặt với những khó khăn trong các vấn đề đối ngoại khi đảng Cộng hòa giành các vị trí chủ chốt trong Hạ viện Mỹ. Nhưng dù vậy, Mỹ vẫn luôn muốn khẳng định sự quan tâm của mình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Huyền Chi
.
.
.