Tổng thống Bush trắng tay trở về sau chuyến công du châu Âu

Thứ Tư, 18/06/2008, 08:20

Tuy về nước với những cam kết mới sau một tuần công du châu Âu, nhưng giới bình luận vẫn cho rằng, ông Bush đã gần như tay không trở về bởi những điều đã thoả thuận không có giá trị thực tiễn cao, chỉ mang tính biểu trưng là chính.

Được biết, Tổng thống Bush đã có trận đấu bóng rổ với các cháu của trường tiểu học Loughview ở Bắc Ireland trước khi kết thúc chuyến công du châu Âu kéo dài 8 ngày (từ 9 đến 16/6) tới Slovenia, Đức, Italia, Vatican, Pháp, Anh và Ireland.

Nhiều người nói rằng, ngay cả tuyên bố cứng rắn đối với Iran được Tổng thống Bush thống nhất với những nhà lãnh đạo châu Âu kể trên, nhưng để biến thành hiện thực còn phải mất khá nhiều thời gian. Riêng việc tiếp tục duy trì hoặc kéo dài thời gian và tăng sự hiện diện của binh sỹ Đức, Italia, Pháp, Anh tại Iraq và Afghanistan cũng chỉ là "giải pháp tình thế".

Điều thú vị là Tổng thống Bush kết thúc chuyến công du đúng thời điểm trang web WorldPublicOpinion.org công bố kết quả bình chọn. Theo đó ông Bush là một trong những nhà lãnh đạo ít được tin cậy nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, tuyên bố của Thủ tướng Gordon Brown được coi là "an ủi đáng kể" đối với Tổng thống Bush khi quyết định sẽ tăng quân ở Afghanistan và châu Âu sẽ đưa ra một nỗ lực mới nhằm ngăn chặn những tham vọng hạt nhân của Iran.

Sở dĩ nói như vậy vì sau khi kết thúc cuộc họp hôm 16/6, Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận về các lệnh trừng phạt mới chống Iran. Đây là động thái trái với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Gordon Brown. Ngoài ra, trước khi Liên minh châu Âu thông qua lệnh trừng phạt mới, Iran đã kịp rút khoảng 75 tỷ USD ra khỏi các ngân hàng ở châu Âu. Do đó, cho dù có lệnh trừng phạt mới thì việc này chỉ mang tính hình thức.

Ngoài ra, mặc dù Anh là đồng minh chiến lược thân cận nhất của Mỹ, nhưng ông Bush lại bị biểu tình khi đặt chân tới đây. Những người biểu tình đã tập trung cùng các biểu ngữ chống Tổng thống Bush trong suốt thời gian ông chủ Nhà Trắng có mặt tại Anh.

Theo giới truyền thông, phần lớn nội dung làm việc của ông Bush chỉ mang tính lễ nghi bởi lãnh đạo châu Âu đang chờ đón tân Tổng thống Mỹ. Có lẽ cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy với ông Bush (hôm 14/6) được coi là thành công hơn cả bởi nước này đang nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ vốn bị sứt mẻ dưới thời người tiền nhiệm Jacques Chirac, nhất là trong cuộc chiến Iraq.

Tuy nhiên, vấn đề hòa bình Trung Đông, và đặc biệt là việc cấm nhập khẩu thịt gà Mỹ tồn tại 11 năm qua vẫn chưa được giải quyết sau chuyến công du này của ông Bush.

Có người cho rằng, thành công lớn nhất trong chuyến công du lần này của ông Bush chính là tuyên bố "sẽ tiếp tục trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Iran" bởi đây là điều dễ thống nhất nhất trong tình hình hiện nay. Tổng thống Bush muốn lần trừng phạt kế tiếp với Iran sẽ mạnh hơn trước đây.

Về phần mình, Tổng thống Bush đã ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu cho dù còn nhiều bất đồng chưa được tháo gỡ. Ông Bush cho rằng, Mỹ và châu Âu đã và đang có sự hợp tác chặt chẽ trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như tình báo, tài chính, hành pháp, ngoại giao, quân sự…

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Bush đã mang theo nhiều kế hoạch lớn, đầy tham vọng trong chuyến công du lần này, nhưng kết quả đã không như mong đợi. Thậm chí có người còn nói, cho dù kết quả hội đàm có khả quan, nhưng việc thực thi còn phải chờ thời gian trả lời.

Chuyến công du của Tổng thống Bush diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu lên tới mức kỷ lục trong lịch sử: 3,7% và điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới những cuộc hội đàm của người sắp rời Nhà Trắng với lãnh đạo các quốc gia mà Tổng thống Mỹ tới thăm. Theo đánh giá của Văn phòng Thống kê châu Âu, giá cả tăng cao, nhất là tại thị trường năng lượng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát gia tăng.

Tuy không tới Ba Lan và Czech, nhưng việc người dân nước này tiếp tục phản đối việc triển khai tên lửa của Mỹ đang khiến cho kế hoạch đầy tham vọng của ông Bush có nguy cơ bị phá sản và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả chuyến thăm.

Cách đây không lâu, Thủ tướng Czech Mirek Topolannesk đã thừa nhận kế hoạch triển khai tên lửa Mỹ đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của đa số quan chức cấp cao trong chính phủ cũng như trên 68% người dân nước này. Tình hình này cũng diễn ra tương tự ở Ba Lan, thậm chí phức tạp hơn khi chủ nhà yêu cầu Mỹ chi cho họ 20 tỷ USD tiền "thuê đất đặt căn cứ tên lửa"

Quốc Trung
.
.
.