Hậu vụ không kích của Israel:

Tổng thống Assad cáo buộc Israel âm mưu “bình định” Syria

Thứ Ba, 05/02/2013, 08:44
Hãng tin Telegraph ngày 4/2 đưa tin, lần đầu tiên đưa ra lời bình về vụ không kích của Israel nhằm vào cơ sở nghiên cứu quân sự của Syria, Tổng thống Bashar al-Assad đã cáo buộc chính quyền Tel Aviv đang âm mưu “bình định” Syria.

Phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng an ninh tối cao Iran Saeed Jalili, ông Bashar al-Assad nhấn mạnh, vụ không kích hôm 30/1 là “một trò chơi giấu mặt của Israel, phối hợp với các thế lực chống đối nước ngoài và các điệp viên nằm vùng ở Syria để phá hoại và làm suy yếu hệ thống chính trị của nước này”.

Nhưng, Tổng thống Syria vẫn khẳng định với ông Saeed Jalili rằng, quân đội của chính quyền Damascus sẵn sàng đối phó với mọi thách thức về an ninh và bất kỳ một cuộc xâm lược ngoại bang nào. Suốt 5 ngày qua, đài truyền hình Syria al-Ikhbariya đã cho chiếu đi chiếu lại hình ảnh vụ không kích một cơ sở nghiên cứu quân sự của Syria ở Jamraya, phía Đông Bắc Damascus làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Dưới chân đống đổ nát của cơ sở này, bên cạnh những chiếc xe bị cháy vì trúng tên lửa, một số nhân chứng đã xuất hiện để kể lại những gì đã xảy ra vào ngày 30/1. Thiếu tướng Mohammad-Ali Jafari, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hôm 2/2 đã phát biểu trên truyền hình Press TV rằng, chính phủ Syria phải tỏ ra cứng rắn trước sức ép từ Tel Aviv.

Theo ông, Syria phải đáp trả Israel bằng sự phản kháng và trả đũa. Hiện Iran cũng là một trong các quốc gia có phản ứng mạnh mẽ trước vụ tấn công này. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian thậm chí còn cảnh báo, vụ tấn công sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.

Trong khi đó, sau nhiều im lặng và để giới chức Mỹ phát ngôn rằng, vụ không kích là nhằm vào một đoàn xe chở súng phòng không của Syria khi di chuyển về phía Lebanon, hôm 3/2, tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã thừa nhận việc Tel Aviv không kích một cơ sở quân sự ở Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng, không thể cho phép việc đưa các hệ thống vũ khí tiên tiến từ Syria vào Lebanon, cho phong trào Hezbollah, khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ".

Càng ngày càng có thêm nhiều người Syria muốn trốn chạy khỏi quê hương để tránh một cuộc chiến kéo dài và tàn khốc.  Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, vụ tấn công quân sự này chỉ diễn ra vài tuần sau khi Israel quan ngại về tình hình tan rã ở Syria đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh Israel và khẳng định sẽ ngăn chặn Hezbollah tiếp cận tên lửa Syria, đồng thời đảm bảo kho vũ khí hóa học không rơi vào tay các kẻ cực đoan Hồi giáo.

Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc tấn công của Israel vào Syria vẫn bị chỉ trích là hành động đơn phương vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Chủ tịch Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi đã lên án cuộc không kích của Israel trong phạm vi lãnh thổ Syria, nhấn mạnh rằng hành động này vi phạm lãnh thổ của một quốc gia Arab có chủ quyền.

Giới quan sát nhận định, vụ tấn công quân sự hôm 30/1 cho thấy Israel bắt đầu tiến sâu thêm một bước để tham gia vào “cuộc nội chiến” ở Syria. Và chắc chắn, Tel Aviv sẽ không hành động tự phát nếu không nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và các nước phương Tây.

Hôm 3/2, nguồn tin từ tờ Sunday Times còn cho hay, giới quân sự Israel đang cân nhắc việc thiết lập một vùng đệm bên trong lãnh thổ Syria với lý do để bảo vệ chính quốc gia Trung Đông này trước những kẻ Hồi giáo thánh chiến toàn cầu. Kế hoạch này sẽ thiết lập một dải vùng đệm kéo dài hơn 16km ở Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã chiếm được trong cuộc chiến năm 1967. Trong giai đoạn đầu, hai lữ đoàn bộ binh Israel và một tiểu đoàn xe tăng sẽ được triển khai trong lãnh thổ Syria.

Lãnh đạo phe đối lập bị chỉ trích vì ý định đối thoại với chính phủ Syria

Có vẻ như các thế lực thù địch không muốn Syria đối thoại với lực lượng đối lập. Đây là những gì mà báo chí đã viết trong ngày 4/2 khi lãnh đạo Liên minh Dân tộc Syria (SNC) Moaz al-Khatib phải vội vàng bay từ Đức đến Cairo (Ai Cập) để giải thích về thông tin ông sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Bashar al-Assad với sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Như vậy, cánh cửa cho khả năng đột phá trong các nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến 22 tháng qua ở Syria vừa hé mở lại có nguy cơ bị đóng sập.

Trước đó, theo tin từ hãng Reuters, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị an ninh Munich, ông Moaz al-Khatib cho biết, SNC hoan nghênh việc đàm phán để giải quyết khủng hoảng tại Syria và đã thảo luận, nhất trí với Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi về việc “tìm một giải pháp chấm dứt nỗi khổ của người dân Syria”.  (Chu Nguyễn)

Phan Hiển
.
.
.