Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du Trung Quốc:

Tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông

Thứ Tư, 05/09/2012, 08:17
Sau khi có chuyến thăm Indonesia và cuộc gặp với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, ngày 4/9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới Bắc Kinh để kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á hợp tác xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
>> Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ: Trọng tâm là vấn đề biển Đông

Theo hãng tin AFP, đây là chuyến thăm thứ 3 của bà Hillary Clinton ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ tháng 5 đến nay. Mục đích chính của chuyến công du là thắt chặt sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm kiềm chế những phức tạp đang nảy sinh trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Quan điểm mà Ngoại trưởng Mỹ đưa ra là các quốc gia ASEAN cần phải đoàn kết thống nhất hơn nữa và thể hiện tinh thần này trên một nền tảng chung để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bà Hillary Clinton nói: “Chúng tôi tin rằng, các nước trong khu vực nên cộng tác cùng nhau để giải quyết tranh chấp mà không hề bị ép buộc, đe dọa hay sử dụng vũ lực”. Giới quan sát nhận định, có thể do quá nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông nên chuyến thăm lần này của bà Hillary Clinton không được chào đón nhiều ở Trung Quốc.

Hôm 3/9, tức một ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Mỹ nên khuyến khích ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và không nên can dự vào các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ thúc đẩy các lợi ích tối cao là hòa bình, ổn định và tôn trọng các cam kết của mình không can dự vào các cuộc xung đột chủ quyền trên biển trong khu vực”.

Chuyến công du 6 nước châu Á - Thái Bình Dương lần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton như một lời khẳng định của Mỹ về sự hiện diện tại khu vực này. Ảnh: AFP.

Báo chí Trung Quốc lớn giọng chỉ trích Mỹ, cáo buộc Washington “gây rối” và yêu cầu “im miệng, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chỉ trích các động thái gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông hồi đầu tháng 8. Thậm chí, có tờ báo còn cho rằng, Mỹ nợ Trung Quốc “một lời giải thích có sức thuyết phục về các ý định thực sự của họ” tại châu Á-Thái Bình Dương, và “Mỹ cần phải đưa ra các biện pháp cụ thể để chứng minh rằng họ trở lại châu Á với tư cách người kiến tạo hòa bình, chứ không phải là một yếu tố gây rối loạn”. Vì thế, người ta không loại trừ khả năng, kết quả chuyến đi lần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không tiến triển, thậm chí chẳng khác gì so với chuyến thăm hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy vấp phải nhiều khó khăn từ trước khi tới đảo Cook tham dự Hội nghị thượng đỉnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song theo một quan chức cấp cao ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton vẫn quyết tâm thực hiện chuyến công du 6 nước, trong đó có Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ đang hy vọng rằng, với nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như trong khu vực, ASEAN và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận chung về COC chậm nhất là vào tháng 11 tới.

Trong lịch trình, khi đến Bắc Kinh ngày 5/9, bà Hillary Clinton sẽ gặp các quan chức hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch nước đang mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào và Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, người dự đoán sẽ trở thành lãnh đạo Trung Quốc sau khi Đại hội lần thứ 18 kết thúc vào cuối năm nay.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng, đã đến lúc phải làm cho “sóng yên biển lặng” và cách tốt nhất để làm điều này là xây dựng COC. Bà Hillary Clinton hy vọng, không một bên hữu quan nào “tiến hành bất kỳ biện pháp nào dẫn đến căng thẳng leo thang hoặc làm bất cứ điều gì có thể bị coi là cưỡng ép hay đe dọa để thúc đẩy những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ”. Điều quan trọng là “có được một cơ chế xử lý khả năng bùng nổ xung đột hoặc tính toán sai lầm” vì lợi ích của tất cả các bên và “đây chính là thời điểm dành cho ngoại giao".

Và để những việc này được thực hiện một cách suôn sẻ, một lần nữa Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng, Mỹ không đứng về bên nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng có lợi ích an ninh quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài vấn đề Biển Đông, bà Hillary Clinton cũng sẽ bàn thảo với giới chức Trung Quốc một số vấn đề khác như khủng hoảng chính trị-an ninh tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên

Huyền Chi
.
.
.