Tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ

Thứ Tư, 01/10/2014, 09:53
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 69 ngày 29/9, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem cho biết, nước này ủng hộ nỗ lực quốc tế trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mọi hành động quân sự phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, ông Moualem cũng cáo buộc chính quyền Washington đang áp dụng chính sách tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoại trưởng Syria khẳng định hành động quân sự chống IS và Mặt trận Al-Nusra tại Syria có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda cũng như các nhóm cực đoan khác cần đi kèm với việc cắt đứt nguồn cung cấp tài chính, vũ khí, các tay súng và sự huấn luyện cho các lực lượng này. Ông chỉ trích nhiều bang của Mỹ vẫn cung cấp “tất cả các hình thức hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố”, cụ thể là về tài chính, vũ khí và đào tạo cho lực lượng mà theo lời Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, là “các phần tử nổi dậy chính thống ôn hòa”.

Ông Andrew Tabler thuộc Viện Nghiên cứu Washington về Chính sách Cận đông cho biết: “Tất cả những gì đang diễn ra đều cho thấy ông Obama là người muốn thúc đẩy một chính sách ủng hộ phe đối lập tại Syria mạnh mẽ hơn”. Còn theo cựu Nghị sĩ Mỹ Jane Harman, Tổng thống Obama đang mong muốn phe đối lập tại Syria sẽ có khả năng bảo vệ những vùng đất mà IS đã đánh chiếm một khi Mỹ và các đồng minh trong liên minh của mình đánh đuổi được chúng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ liệu việc Mỹ cung cấp thêm vũ khí và đào tạo cho các chiến binh của lực lượng đối lập tại Syria có thể thay đổi được thế cân bằng trên chiến trường và tạo lợi thế cho phe đối lập, vốn đã bị tổ chức IS, các nhóm phiến quân và quân Chính phủ của Tổng thống Assad dồn dập tấn công. Thêm vào đó, các nhà phân tích nhận định rằng, việc trang bị vũ khí, tài trợ cho cái gọi là lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Syria là một viễn cảnh vô đạo đức, trái khoáy và chẳng dẫn đến đâu cả. IS phát triển lực lượng chủ yếu nhờ vào sự thất bại thảm hại của phe nổi dậy ôn hòa và những thất bại đó vẫn đang tiếp tục tồn tại. Làm thế nào mà một lực lượng hỗn tạp như vậy có thể đối trọng với IS? Mặt khác, điều có thể xảy ra là việc hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở Syria sẽ dẫn đến sự chia rẽ lớn hơn ở nước này, nhen nhóm lại cuộc nội chiến vừa mới lắng dịu, tất nhiên, điều này chỉ có thể làm lợi cho IS.

Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem phát biểu tại ĐHĐ LHQ hôm 29/9.
Ảnh: Reuters.

Trước đó, Damascus từng tuyên bố sẵn sàng hợp tác, phối hợp với tất cả các bên trong nỗ lực tiêu diệt IS, đồng thời nhấn mạnh mọi cường quốc nước ngoài phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria theo các nguyên tắc, quy định của Syria; Mọi cuộc không kích không phối hợp với Chính phủ Syria sẽ được coi là gây chiến. Tuy nhiên, Mỹ đâu có nghe. Các quan chức Mỹ từng tuyên bố Washington sẽ thực hiện kế hoạch của mình mà “không cần đến sự đồng ý hay cho phép của Chính phủ Syria”.

Giải thích mà họ đưa ra là “chiến đấu chống kẻ thù chung IS không thể làm cho Chính phủ Syria trở thành đồng minh của họ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki còn khẳng định: “Đơn thuần chỉ là chế độ Syria đảm nhiệm them vấn đề IS… nhưng chắc chắn điều đó không có nghĩa họ (Syria) và Mỹ cùng trên một chiếc thuyền”. Theo giới chuyên gia, những gì Mỹ đang làm ở Syria có lẽ họ muốn lặp lại kịch bản tại Iraq: tận dụng sự bùng phát của IS và tình hình ở Iraq để loại bỏ Thủ tướng Nuri al-Maliki, dựng lên một chính phủ mới ở Baghdad.

Trên thực tế, điều rõ ràng là chính sách hiện nay mà Mỹ đang theo đuổi là nhằm ủng hộ chủ nghĩa cực đoan dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan. Mỹ thực sự đã liều lĩnh bỏ qua điểm mấu chốt rằng, cho tới nay, chỉ có chính quyền Damascus mới có tiềm năng quân sự tốt nhất ở Syria để đối trọng, phản công, bao vây, đẩy IS vào thế gọng kìm. Tổng thống Obama có đủ khả năng và thực tiễn chính trị để hiểu điều đó và quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria cho thấy ông chủ Nhà Trắng kết hợp chặt chẽ với các điều ước quốc tế.

Thêm vào đó, Mỹ có thể làm tiêu hao IS bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình, thậm chí vô hiệu hóa hoạt động của IS trong một thời gian. Nhưng để tiêu diệt hoàn toàn IS thì yếu tố quan trọng nằm ở việc huy động lực lượng trên bộ sẵn có cùng với Chính phủ Syria để đẩy lùi các chiến binh thánh chiến. Ngoài ra, trong việc hợp tác với Chính phủ Syria trong cuộc chiến trên thực địa, Mỹ còn có cơ hội để khôi phục các cuộc đàm phán hòa bình ở Syria và tìm ra một số giải pháp cho cuộc nội chiến ở nước này

Hà Khổng
.
.
.