"Đường lưỡi bò" dưới cái nhìn của học giả Trung Quốc và nước ngoài:

Tiếp tục phản đối những sai trái về đường lưỡi bò

Thứ Bảy, 28/07/2012, 10:15
Theo ông Kishore Mahbubani, tuy Trung Quốc "thắng trong việc ngăn không ra tuyên bố chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí đối với các nước ASEAN”. Giáo sư Kishore Mahbubani cho rằng, sau hàng chục năm khôn khéo, Bắc Kinh dường như đang trên đà để mất sự khôn khéo đó ngay khi họ cần nó nhất.
>> Tùy tiện vẽ ra, hư ảo và không có căn cứ pháp lý

Từng được coi là “thân Trung Quốc”, nhưng trong bài viết hôm 26/7, Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani đã khiến độc giả phải ngạc nhiên sau khi cho rằng, Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) ở Thủ đô PhnomPenh, Campuchia (từ 9 đến 13/7). Bởi thế giới và đa số các nước ASEAN đều coi xem lập trường của Campuchia (lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm hoạt động của ASEAN, AMM 45 không đưa ra được thông cáo chung) là do sức ép to lớn của Trung Quốc.

Theo ông Kishore Mahbubani, tuy Trung Quốc "thắng trong việc ngăn không ra tuyên bố chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí đối với các nước ASEAN”. Giáo sư Kishore Mahbubani cho rằng, sau hàng chục năm khôn khéo, Bắc Kinh dường như đang trên đà để mất sự khôn khéo đó ngay khi họ cần nó nhất.

Cũng trong bài viết kể trên, Giáo sư Kishore Mahbubani đã cực lực lên án yêu sách của Bắc Kinh đối với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), bởi theo ông: Đường 9 đoạn này có thể chỉ là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc. Theo ông, việc gửi kèm bản đồ hôm 7/5/2009 của Trung Quốc về đường 9 đoạn là không khôn ngoan vì đó là lần đầu tiên Bắc Kinh kèm bản đồ trong văn thư chính thức cho Liên hợp quốc.

Sở dĩ nói như vậy vì sau khi đệ trình đường 9 đoạn lên Liên hợp quốc, Trung Quốc bước vào thế không lối ra - gặp khó khăn của việc biện hộ cho tấm bản đồ này theo luật quốc tế. Ngoài ra, việc làm này (đòi hỏi về đường 9 đoạn) cũng tạo điều kiện cho những người chỉ trích ở trong nước một vũ khí hữu ích để gây rắc rối đối với chính phủ.

Theo Giáo sư Kishore Mahbubani, Trung Quốc sẽ phải tìm cách để thỏa hiệp về đường 9 đoạn với những quốc gia hữu quan bởi Chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều từng làm như vậy.

Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani.

Nhận định của Giáo sư Kishore Mahbubani được dư luận và giới chuyên môn quan tâm bởi ông là học giả nổi tiếng với luận thuyết tương lai thuộc về châu Á, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore.

Tiến sĩ Michael Wesley, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, Australia đồng tình và nhận định, với tư cách là khu vực trọng yếu cho hoạt động hàng hải quốc tế, hơn nữa lại chiếm tới 1/3 khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển trên thế giới, do đó Biển Đông có vị trí quan trọng trong khu vực nên phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tìm ra một giải pháp thỏa hiệp cho cuộc khủng hoảng này.

Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cũng đồng tình với Giáo sư Kishore Mahbubani bởi ông không ngạc nhiên khi có sự gia tăng cạnh tranh quyền lực ở “sân sau” của ASEAN vì một thế lực lớn bên ngoài nhưng cũng đồng thời là một đối tác đối thoại của khối.

Ông Surin Pitsuwan nhấn mạnh, ASEAN cần đoàn kết trước các thách thức sau khi trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm. Bài viết của Giáo sư Kishore Mahbubani xuất hiện cũng đúng thời điểm Mỹ, Philippines và Việt Nam liên tiếp lên tiếng phản đối việc Trung Quốc quyết định cho thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” cùng những động thái sau đó.

Ngày 26/7, tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, đã bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt của cái gọi là “Khu cảnh bị thành phố Tam Sa”: Tư lệnh khu cảnh bị là Đại tá Thái Hỷ Hồng và Chính ủy là Đại tá Liêu Triều Nghị. Cũng trong ngày 26/7, khi tới dự Lễ kỷ niệm 114 năm thành lập Bộ Ngoại giao Philippines tại thành phố Pasay, Tổng thống Benigno Aquino đã kêu gọi giải pháp bình tĩnh trong giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, nhất là vấn đề địa - chính trị đối với Trung Quốc ở Biển Đông và nếu cần, chúng ta luôn sẵn sàng tùy theo giới hạn của mình.

Trước đó (23-7), ông Benigno Aquino khẳng định, không nhân nhượng trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông.

Cho tới nay đã có không ít chuyên gia, học giả nghiên cứu Trung Quốc cho biết, thời gian gần đây truyền thông Trung Quốc ra sức tuyên truyền theo kiểu “biến thủ phạm thành nạn nhân” khi cho rằng “Việt Nam chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, chiếm nguồn dầu khí của họ” và hầu như ngày nào cũng có bài nói xấu, xuyên tạc về Việt Nam. Bên cạnh đó là những phát ngôn “kích động chiến tranh”, mang tính dọa nạt của một số tướng lĩnh “diều hâu” Trung Quốc như La Viện, Bành Quang Khiêm, Kiều Lương… giống như đổ thêm dầu vào lửa. Nhưng các luận điệu vu cáo, hiếu chiến kể trên đã bị chính những học giả người Trung Quốc như Lý Lệnh Hoa, Thịnh Hồng, Chu Phương… phản đối.

Học giả Lý Lệnh Hoa nhiều lần phản đối và trong cuộc giao lưu với bạn đọc trên mạng xã hội Sina Weibo mới đây, ông tiếp tục khẳng định, Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định đường lưỡi bò là đường biên giới quốc gia, mà chỉ là đường chủ trương do Trung Quốc tự đặt ra.

Tại buổi giao lưu kể trên, ông Lý Lệnh Hoa đã thẳng thắn tuyên bố: Nhận định của giới học giả Trung Quốc và phương tiện truyền thông nước này đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề Biển Đông trong khi bưng bít thông tin, không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh đối với đường lưỡi bò. Do đó, những học giả này phải chịu trách nhiệm về việc đã làm sai lệch nhận thức của người Trung Quốc về Biển Đông.

Để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông, học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng, Trung Quốc và các nước láng giềng cần dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để xác định vị trí của Biển Đông. Quan điểm của ông Lý Lệnh Hoa được nhiều học giả trên thế giới đồng tình - Trung Quốc tuy đã ký UNCLOS, nhưng Bắc Kinh chỉ đòi quyền lợi, không thực hiện nghĩa vụ - phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước khác.

Ngày 25/7, một số Thượng nghị sĩ Mỹ như John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman đã giới thiệu nghị quyết mới trước Thượng viện Mỹ, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục ASEAN và Trung Quốc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC), kiềm chế trong ứng xử để tránh làm tình hình thêm phức tạp hay leo thang tranh chấp trên Biển Đông.

Cũng trong ngày 25/7, Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Đông Á-Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ còn khẳng định, những hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc là “vi phạm luật quốc tế” và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ sớm làm rõ tình hình với Trung Quốc để báo cáo gấp với Quốc hội.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng nhấn mạnh, Mỹ lo ngại liệu có nên có bất kỳ hành động đơn phương kiểu như thế hay không bởi hành động của Trung Quốc giống như muốn đẩy tình hình vào chuyện đã rồi.

Trong một phát biểu mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, quyết định của Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong việc thành lập Bộ Tư lệnh của đơn vị đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" là quyết định khiêu khích không cần thiết, đồng thời khẳng định, hành động của Trung Quốc gây thất vọng và không xứng đáng là một cường quốc lớn có trách nhiệm. Mỹ từng nhiều lần nói rõ, chỉ có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại và ngoại giao phối hợp giữa các bên.

Mỹ thực sự quan ngại trước hành động “rao bán nhà hàng xóm” của Trung Quốc khi ngang nhiên mời thầu quốc tế ở 9 lô mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Điều này được mới được Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) Vương Nghi Lâm ngang nhiên tuyên bố bên lề hội thảo về đầu tư Mỹ-Trung ở Bắc Kinh hồi trung tuần tháng 7/2012. Cách nhìn này được chuyên gia Mỹ Stephanie Kleine-Ahlbrandt tán đồng và bổ sung: Trung Quốc đang sử dụng chiến lược đánh lạc hướng dư luận - tạo bất ổn bên ngoài để mọi người không đề cập tới những sự kiện rối ren trong nội bộ Trung Quốc.

Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrandt khuyến cáo, Trung Quốc không hề giấu giếm chiến thuật “lấy thịt đè người” đối với các quốc gia láng giềng và đây là một tín hiệu “không mấy lạc quan”

Quốc Tuấn-Khắc Dũng
.
.
.