Tiến trình hòa bình Syria không thể thiếu Nga

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:23
Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại buổi hội đàm tại Berlin hôm 20/9 với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier về tình hình Syria và cuộc khủng hoảng người di cư.
Theo Ngoại trưởng Kerry, cuộc khủng hoảng tại Syria chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình và nước Nga cần tham gia vào tiến trình này. Còn nhà ngoại giao người Đức thì cho rằng, cộng đồng quốc tế cần bắt đầu một giai đoạn mới tìm kiếm giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này, với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả Nga.

Không khó để hiểu, nội chiến liên miên trong những năm qua cộng với sự tàn bạo của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã buộc nhiều người Syria phải rời quê hương tới miền đất hứa châu Âu nhằm tìm kiếm sự an toàn. Vì trên thực tế, hầu như thành phần tị nạn trong thời điểm này đều là công dân đến từ Syria và Libya (mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ so với tổng số người Syria đang tị nạn tại các nước láng giềng như Lebanon, Jordan…).

Mới đây, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thừa nhận rằng, nguồn gốc của cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở “Lục địa già” nằm ở cuộc khủng hoảng ở Syria. Thật vậy, căn bệnh nội chiến của Syria kéo dài gần năm năm qua vốn đã khó trị thì lại vướng thêm “biến chứng”. Mặc dù Mỹ đã bỏ tiền “bơm” rất nhiều “kháng sinh”, là các cuộc không kích của liên quan do Washington đứng đầu, nhưng con virus IS dường như không yếu đi mà lại mạnh lên.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Washington vẫn còn dùng dằng trong cuộc chiến chống IS là do chủ nghĩa can thiệp Mỹ đã phần nào tạo ra cái thực thể quái đản đang đe dọa hòa bình và ổn định của Trung Đông, cũng như an ninh của châu Âu và chính nước Mỹ. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, IS là “con đẻ” của Mỹ. Do đó, mặc dù hiểu rõ hai nhân tố quan trọng hàng đầu cho việc chống IS hiệu quả là phải hợp tác với Nga và chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Mỹ lại liên tục tránh né điều này.

Đối với Tổng thống Assad, Washington thay vì trợ giúp, lại ra sức tập trung “bêu xấu” và cô lập vị Tổng thống này. Chính phủ Mỹ một mực khẳng định vai trò tích cực của Tổng thống Assad và coi ông là nhân tố có hại cho cuộc chiến chống IS. Phát biểu hôm 18-9, Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định, mục tiêu chính của Washington là tiêu diệt IS và một giải pháp chính trị liên quan tới Syria, nhưng “không thể đạt được với sự hiện diện của Assad”.

Cái bắt tay Nga – Mỹ là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Trong khi đó, liên quan đến việc Nga triển khai lực lượng đến Syria hồi đầu tháng chín, Tổng thống Obama cảnh báo, việc can dự của Moskva qua việc gửi cố vấn và thiết bị quân sự cho Damascus là một “chiến lược thất bại” và phá hoại nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho quốc gia này. Nhấn mạnh thêm quan điểm này, ông Kerry hôm 19/9 cho rằng, việc Nga đưa các máy bay chiến thuật tới Syria có thể gây ra mối đe dọa đối với các lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh.

Một điểm thú vị nữa là, trong khi các liều “kháng sinh” của Mỹ chẳng phát huy hiệu lực gì đối với “con quái vật” IS thì tình báo Mỹ lại tỏ ra rất nhạy và tường tận về các hiện diện quân sự thế này thế kia của Nga ở Syria. Việc săm soi như thế liệu có cần chăng khi Nga không giấu giếm, còn Syria thì công khai muốn được Nga hỗ trợ? Có ý kiến cho rằng, trên thực tế, thế của người Nga ở Trung Đông sẽ được tăng cường, và chế độ Assad sẽ thêm mạnh nhờ vào sự hậu thuẫn của Moskva đã khiến người Mỹ lo sợ mà quên đi mối họa chung IS.

Có lẽ Mỹ đã nhận ra rằng, sự chia rẽ, bất đồng trong quan hệ với Nga sẽ làm suy yếu sức mạnh trong cuộc chiến chung chống IS, đe dọa làm tan biến cơ hội trị tận gốc lực lượng khủng bố này. Bởi thế đã đến lúc các lực lượng chống IS phải tạm gác các lợi ích riêng để phục vụ sự nghiệp chung là chống IS. Theo đó, mặc dù chỉ trích Nga, nhưng giới chức Mỹ vẫn tin rằng, đối thoại quân sự với Moskva về Syria là bước đi quan trọng tiếp theo.

Trong cuộc điện đàm hôm 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã nhất trí thảo luận thêm các cơ chế để giải trừ xung đột tại Syria và chiến dịch chống IS. Nếu Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga, xa hơn nữa là hợp tác với “đối thủ” Assad, thì tức là họ đã dám vượt qua lợi ích nhỏ vì cái toàn cục. Được thế, Trung Đông được nhờ, thế giới được nhờ, còn hình ảnh và vai trò của Mỹ càng được nâng cao.

Về phía Nga, theo bình luận của hãng tin Reuter, thất bại của Mỹ trong cuộc chiến ở Syria và quyết định của Nga ra tay đánh IS sẽ đưa Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga vào tâm điểm của nền chính trị thế giới. Tổng thống Putin đã quay trở lại sân khấu chính trị thế giới với vai trò là một trọng tài không thể thiếu trong cuộc nội chiến Syria.

Ông chủ Điện Kremlin nổi lên là người duy nhất có thể đối thoại với Tổng thống Assad và có các phương tiện có thể làm thay đổi tính toán của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống lại IS. Thế trận mà Tổng thống Putin thi triển (tại Syria) cũng khá tinh tế: Nga nói rõ quyết tâm, khẳng định tiếp tục cung cấp vũ khí, nhưng không để lộ lá bài tẩy cuối cùng -  mức độ can dự cao nhất là gì; không lộ rõ ý định đối đầu công khai với Mỹ và phương Tây.

Mới đây, đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo của Đức đã kêu gọi nước này tăng cường hợp tác với Nga. Theo lãnh đạo đảng này, nếu không có sự tham gia và sự ủng hộ của Tổng thống Putin thì không thể kiểm soát tình hình ở Syria và không thể giải quyết cuộc xung đột. Reuters khẳng định, đây còn là cơ hội để ông Putin nhắc nhở thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng rằng Nga vẫn có một sức mạnh tuyệt vời mà các nước khác không thể bỏ qua, không thể cô lập hay làm tổn hại tới nó.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.