Tia hi vọng mới cho đàm phán hạt nhân Iran

Thứ Tư, 31/03/2021, 06:48
Một quan chức giấu tên của Iran ngày 30/3 cho biết, Tehran sẽ không dừng việc làm giàu uranium ở mức độ 20% trước khi Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và được chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden giữ nguyên.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi truyền thông của Mỹ tiết lộ Washington sẽ đưa ra đề xuất mới nhằm khôi phục các cuộc đàm phán đang bị đình trệ với Iran.

Quan chức trên cho biết "việc làm giàu uranium 20% là phù hợp với điều 36 của JCPOA và hoạt động này chỉ ngừng lại nếu Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt". Ông nói: "Chính quyền ông Joe Biden đang mất thời gian, và nếu không sớm dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Iran sẽ thực hiện các bước tiếp theo, tức là sẽ cắt giảm nhiều hơn nữa các cam kết của mình đối với thỏa thuận hạt nhân".

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nằm cách Thủ đô Tehran của Iran 1.200km về phía Nam.

Về phía Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc tới khả năng đưa ra một đề xuất ngoại giao mới để khởi động các cuộc đàm phán đang trì trệ giữa hai quốc gia. Tiết lộ với tờ Politico hôm 29/3, hai cá nhân biết rõ vấn đề cho hay, đề xuất mới sẽ yêu cầu Iran ngừng một số hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế.

Theo đó, đề xuất chưa được chính quyền ông Joe Biden xác nhận yêu cầu Iran ngừng sử dụng các máy ly tâm tiên tiến và ngừng làm giàu uranium đến độ tinh khiết 20%, cùng với các nỗ lực khác. Các chi tiết của đề xuất được cho là vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song vẫn phải chịu sức ép về mặt thời gian do Iran sắp tổ chức bầu cử tổng thống. Một trong hai cá nhân cho biết họ sẽ không nêu chi tiết về các cuộc thảo luận dẫn đến đề xuất, nhưng khẳng định rằng "chúng tôi sẵn sàng theo đuổi việc quay trở lại thỏa thuận chung với Iran".

Trước câu hỏi của tờ Politico về thông tin Washington sẽ đưa ra một đề xuất mới, ông Shahrokh Nazemi - người phụ trách báo chí của phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc - cho rằng, Mỹ chỉ cần tuân thủ việc thực hiện JCPOA. Hiện đội ngũ của Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa cung cấp chi tiết các cuộc đàm phán ngoại giao đang diễn ra.

Trong thời gian qua, giới chức Iran nhiều lần đề cập việc nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA, nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt với Tehran.

Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tuy nhiên, năm 2018, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Iran đã giảm các cam kết của Tehran trong thỏa thuận. Các nước còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đang nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trước nguy cơ đổ vỡ.

Kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tìm cách khôi phục JCPOA, theo đó người đứng đầu Nhà Trắng từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận. Tuy nhiên, cho tới nay, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa có động thái gì đáng kể như những gì cam kết. Ông chỉ thông báo sẽ cập nhật các điều khoản trong thỏa thuận JCPOA.

Gần đây nhất, Nhà Trắng tuyên bố các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ trừ khi Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận ban đầu. Mỹ và Iran vẫn đang tranh cãi bên nào phải hành động trước để cứu vãn thỏa thuận này. Iran cho rằng Mỹ cần phải dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Washington yêu cầu trước hết Tehran ngừng các hành động đáp trả mà Mỹ cho là vi phạm thỏa thuận.

Tổng thống hiện Joe Biden đang đối mặt với căng thẳng cạnh tranh trong bối cảnh Iran tiếp tục tăng cường các hoạt động hạt nhân, bao gồm ký kết một thỏa thuận hợp tác 25 năm ước tính có tổng trị giá 500 tỷ USD với Trung Quốc đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng năng lượng hạt nhân tại quốc gia Trung Đông.

Ông Saheb Sadeghi tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học và chiến lược Trung Đông phân tích: "Về mảng thương mại, thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội vàng cho Iran". Theo một số ước tính, Iran cần đầu tư trên 200 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Như vậy, sau nhiều thập niên hạn chế hiện diện của các công ty phương Tây trong lĩnh vực này, Iran đã tìm thấy một đối tác phù hợp. Về phần Trung Quốc, thỏa thuận này được coi khá "cuốn hút" và hỗ trợ nước này tiếp cận thị trường 80 triệu dân tại Iran.

Ông Sadeghi kết luận: "Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ thị trường này". Và thỏa thuận 25 năm của Trung Quốc-Iran còn gửi đi một thông điệp. Ông William Figueroa tại Đại học Pennsylvania đánh giá mục đích của Bắc Kinh về thỏa thuận này mang cả tính thực tiễn và chính trị. Theo ông, từ phía Trung Quốc, lợi ích trước mắt là dầu mỏ, thị trường xuất khẩu hàng hóa và triển vọng dành cho dự án "Vành đai, Con đường".

Ông William Figueroa cho rằng Iran là một phần thuộc chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Iran cũng đang tìm kiếm kiểu đối tác như hình thức đầu tư có trong "Vành đai, Con đường". Theo vị chuyên gia này, các quan chức Iran cho rằng giữ vị trí đối tác ổn định với Trung Quốc đồng nghĩa với thị trường ổn định cho dầu mỏ của nước này ở thời điểm các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác động nghiêm túc. Đây còn là tín hiệu của việc Iran thoát khỏi thế cô lập ngoại giao do Mỹ gây sức ép. Như vậy, giải quyết được cả hai vấn đề là mục tiêu quan trọng cho Iran.

Khổng Hà
.
.
.