Thái Lan bỏ phiếu bầu Thượng viện:

Thủ tướng Yingluck Shinawatra không từ bỏ chính trường

Chủ Nhật, 30/03/2014, 10:39

Ngày 30/3, cuộc bỏ phiếu bầu Thượng viện Thái Lan chính thức bắt đầu. Đây là sự kiện được đánh giá là quan trọng trong tình hình chính trị hiện nay ở xứ sở chùa Vàng và Chính phủ lẫn lực lượng đối lập sẽ tận dụng mọi cơ hội và cách thức để giành chiến thắng.

Động thái của lực lượng đối lập

Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, ngay từ sáng 29/3, lực lượng đối lập ở Thái Lan đã thực hiện một loạt hành động nhằm gây sức ép lên chính phủ trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Ghi nhận của phóng viên tờ Bangkokpost cho hay, hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đã đổ dồn về trung tâm thủ đô Bangkok với mục đích làm hồi sinh chiến dịch gây náo loạn và phong tỏa giao thông, yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từ chức.

Khởi hành từ công viên Lumpini, những người biểu tình đã vẫy cờ và thổi còi inh ỏi khi tiến về khu vực phố cổ ở thủ đô Bangkok. Họ tái khẳng định các yêu sách đòi chính phủ của bà Yingluck Shinawatra chuyển giao quyền lực cho một hội đồng lâm thời…

Một số người quá khích, được xác định là thuộc Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách của Thái Lan (NSPRT) thậm chí còn đột nhập và khuôn viên tòa nhà chính phủ và trụ sở Quốc hội, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Lo ngại tình huống xấu có thể xảy ra, Chính phủ tạm quyền Thái Lan đã phải huy động tới 8.000 cảnh sát tham gia bảo vệ an ninh và đặt các lực lượng khác trong tình trạng báo động cao.

Cho đến chiều 29/3, các cuộc biểu tình đã tạm lắng nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại do sự có mặt của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban. Tuần hành trên đường phố thủ đô cùng những người ủng hộ, ông Suthep Thaugsuban lại tiếp tục đưa ra yêu sách mới là chính phủ phải tiến hành cải cách các vấn đề chính trị và chấm dứt sự tham gia hoạt động chính trị của các thành viên trong gia tộc Shinawatra.

Ngày 29/3, tức một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện, những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tiếp tục bao vây tòa nhà chính phủ và trụ sở Quốc hội.

Tuyên bố của Thủ tướng

Về phía Thủ tướng tạm quyền, mặc dù bác bỏ yêu cầu từ chức của thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, song bà Yingluck Shinawatra cũng cho biết chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có tham gia danh sách ứng cử chức Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo của đảng Puea Thai hay không. Nữ Thủ tướng khẳng định, khi nào công bố ngày tổ chức bầu cử, bà sẽ có tuyên bố chính thức về việc này.

Riêng  những lời đồn không hay về gia đình, bà Yingluck Shinawatra tuyên bố, bản thân bà và các thành viên trong gia tộc Shinawatra sẽ không ngừng các hoạt động chính trị của mình bất chấp những sức ép từ các thế lực đối lập. Nhắc đến các cáo buộc lơ là, lãnh đạo yếu kém trong chương trình thu mua lúa gạo của nông dân, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan cho biết sẽ đưa ra các bằng chứng để minh oan trước Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) trong cuộc điều trần vào ngày 31/3 tới.

Tuy nhiên, bà Yingluck Shinawatra cũng kêu gọi NACC đối xử với bà giống như các chính trị gia khác ở Thái Lan chứ không có sự phân biệt vì bà là Thủ tướng hay vì bà là thành viên của nhà Shinawatra.

Và những mối lo mới

Như vậy có thể thấy, trong chút ít thời gian yên ắng vừa qua, chính trường Thái Lan vẫn dậy những cơn sóng ngầm và chính những cơn sóng này mới khiến cho Thái Lan trở thành “một quốc gia ốm yếu trong khu vực Đông Nam Á” như bài bình luận được đăng tải trên Thai News Agency hôm 26/3.

Nhiều nhà phân tích còn nhận định rằng, những gì mà Thái Lan có được trong suốt thời gian khủng hoảng chính trị vừa qua là sự mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội, sự suy giảm niềm tin của dân chúng, các cuộc đấu đá quyền lực chưa chấm dứt và sự yếu kém không thể vực dậy của nền kinh tế. Giám đốc Học viện nghiên cứu thương mại quốc tế Ath Pisalvanich mới đây còn cho biết, sự bất ổn chính trị cùng mức độ phát triển kinh tế thấp đã “đuổi các nhà đầu tư nước ngoài vào Thái Lan sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á”. Thậm chí, ngay cả các nhà đầu tư trong nước cũng đang tìm cách “thoát li”.

Các con số thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, 480 trong tổng số 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Lan đã chuyển hướng đầu tư sang Indonesia, Myanmar và Lào với tổng mức đầu tư là 77 tỷ bath. 1.440 nhà sản xuất của Thái Lan cũng dự định sẽ chuyển các nhà máy sang những quốc gia này. Và nếu không có bất ổn, Thái Lan có thể sẽ nhận được mức đầu tư nước ngoài gấp 7 lần so với mức đầu tư hiện nay là 200 tỷ bath.

Thượng viện Thái Lan gồm có 150 người, trong đó có 77 người được bầu đại diện cho 77 tỉnh, thành ở nước này và số còn lại sẽ được bổ nhiệm thông qua một ủy ban gồm đại diện của các cơ quan được coi là độc lập tại Thái Lan. Nhiệm kỳ của Thượng viện là 6 năm. Trong cuộc bầu cử lần này, có 457 ứng cử viên trên toàn quốc. Riêng ở Bangkok có tới 18 ứng cử viên tranh cử một chiếc ghế đại diện

Sông Thương
.
.
.