Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki bị Mỹ theo dõi từ bao giờ?

Chủ Nhật, 07/09/2008, 12:55
Cuốn "Bên trong cuộc chiến: Lịch sử bí mật Nhà Trắng giai đoạn 2006-2008" (The War Within: A Secret White House History 2006-2008) của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward, người đã từng cùng đồng nghiệp Carl Bernstein đưa vụ bê bối Watergate lên mặt báo khiến ông Richard Nixon phải từ chức Tổng thống Mỹ đã lập tức tác động tới dư luận Iraq ngay sau khi xuất hiện trước công chúng.

Iraq yêu cầu Mỹ giải thích xung quanh thông tin cuốn sách kể trên đã đề cập, theo đó Thủ tướng Nouri al-Maliki từng bị theo dõi. Ông Bob Woodward khẳng định, mặc dù Tổng thống Bush muốn phát triển quan hệ thân thiết với Thủ tướng Nouri al-Maliki, nhưng việc giám sát vẫn diễn ra cho dù điều này có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

Trong cuốn sách của mình, nhà báo Bob Woodward đã đưa ra nhiều chứng cứ cụ thể để khẳng định thông tin nói rằng, chính quyền của Tổng thống Bush không những bí mật thu thập thông tin có liên quan đến Thủ tướng Nouri al-Maliki, mà còn quan tâm tới nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính phủ hiện nay của Iraq.

Được biết, để hoàn tất cuốn sách kể trên, ông Bob Woodward đã phải tiến hành 2 cuộc phỏng vấn Tổng thống Bush và hơn 150 cuộc phỏng vấn với những nhân vật chủ chốt khác trong cuộc chiến Iraq.

Theo nhà báo Bob Woodward, nguyên nhân chính giúp giảm bạo lực ở Iraq trong 16 tháng qua không phải do sự có mặt của 30.000 quân bổ sung, mà là nhờ vào công nghệ theo dõi tiên tiến được trang bị, cài đặt tại quốc gia này.

Ngoài ra, ông Bob Woodward còn cho rằng, Tổng thống Bush đã không tin tưởng vào khả năng chỉ huy của Tướng George Casey và Tướng John Abizaid cho dù họ được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng liên quân ở Iraq và Chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ. Thậm chí Tướng Michael Mullen (Chủ tịch Bộ Tổng tham mưu liên quân) từng muốn nổi loạn trong năm 2006 vì sợ rằng quân đội Mỹ sẽ bị suy sụp trước thất bại ở chiến trường Iraq.

Cũng theo cuốn "Bên trong cuộc chiến: Lịch sử bí mật Nhà Trắng giai đoạn 2006-2008", cách đây 2 năm - năm 2006, Tổng thống Bush từng yêu cầu Cố vấn An ninh quốc gia Stephen Hadley đánh giá lại cuộc chiến Iraq, đồng thời khẳng định, quân Mỹ đang chiến thắng. Tổng thống Bush cũng cho rằng, chiến lược huấn luyện lực lượng an ninh Iraq và chuyển giao trách nhiệm cho chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã thất bại.

Giới chuyên môn cho rằng, tuy cuốn "Bên trong cuộc chiến: Lịch sử bí mật Nhà Trắng giai đoạn 2006-2008" không ảnh hưởng tới bang giao 2 nước, nhưng nó cũng tác động ít nhiều tới kế hoạch cắt giảm quân Mỹ tại Iraq.

Theo thông tin mới nhất, nhiều cố vấn Quốc phòng hàng đầu của Lầu năm góc đang khuyên Tổng thống Bush duy trì 15 lữ đoàn chiến đấu tại Iraq cho tới cuối năm nay. Đây là tin tức trái với những tính toán trước đây - Mỹ sẽ nhanh chóng rút quân về nước vì tình hình an ninh tại Iraq đã được cải thiện.

Được biết, kể từ 1/9 quyền kiểm soát tại tỉnh Anbar, nơi bạo lực từng bùng phát dữ dội đã thuộc về người Iraq. Đây được coi là dấu mốc lịch sử trong kế hoạch rút quân Mỹ về nước

Quốc Trung
.
.
.