Thế giới trông đợi năm 2021 là năm của hy vọng và hàn gắn

Thứ Năm, 31/12/2020, 06:22
Thế giới đang bước qua những thời khắc cuối cùng của năm 2020, năm được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres mô tả là “đầy thách thức, bi kịch và nước mắt”. Trong thông điệp trước thềm năm mới, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi nhân loại cùng nhau biến 2021 thành một năm của hi vọng và hàn gắn.


Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc gửi thông điệp hàn gắn

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 29/12 đã gửi thông điệp qua video chào đón năm mới 2021, trong đó cho biết, năm 2020 đang đi qua khi mà “rất nhiều người thân yêu của chúng ta đã mất đi” do đại dịch COVID-19 hoành hành cũng như nhiều làn sóng dịch bệnh, xung đột xảy ra nhiều nơi. Kéo theo đó, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng cũng gia tăng, nhiều người bị mất việc cùng với nợ nần và nạn bạo lực gia đình ở mức đáng báo động. Các mối nguy an ninh mới cũng được ghi nhận xuất hiện trên diện rộng.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Guterres cho rằng, một năm mới đang ở phía trước và mỗi người có thể “thấy được ánh sáng của niềm hy vọng lấp ánh phía trước”. “Mọi người đang mở rộng vòng tay giúp đỡ những người hàng xóm và những người xa lạ. Những nhân viên ở tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh đang tiếp tục cống hiến hết sức mình. Các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển vaccine với thời gian nhanh kỷ lục. Các nước tiếp tục đưa ra những cam kết mới để ngăn chặn thảm họa khí hậu”, ông Guterres bày tỏ lạc quan.

Cảnh tượng đông đúc ở Quảng trường Thời đại sẽ không xuất hiện ở New York trong khoảnh khắc giao thừa 2021. Ảnh: AP

Theo lời người đứng đầu cơ quan LHQ, nếu tất cả cùng đoàn kết và thống nhất, những hy vọng đó sẽ lan tỏa ra khắp thế giới. Theo ông, đây cũng là bài học rút ra từ một năm 2020 đầy khó khăn và thách thức. Ông khẳng định, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 đều là những cuộc khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu tất cả đều chung sức và đồng lòng.

Bởi vậy, 2021 cần là năm để thế giới cùng nhau khắc phục những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch, phục hồi những nền kinh tế và cộng đồng bị tổn thương, hàn gắn sự chia rẽ trên toàn cầu. “Cùng nhau, chúng ta hãy tạo dựng hòa bình giữa con người và với thiên nhiên, giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan và biến năm 2021 trở thành một năm của sự hàn gắn”, Tổng Thư ký Guterres nêu thông điệp.

Vẫn trong bài phát biểu quan trọng được phát đi trên toàn thế giới, ông Guterres nêu tham vọng của cơ quan LHQ trong năm 2021 là xây dựng một liên minh toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề phát thải carbon vào năm 2050. Ông nhấn mạnh, mọi chính phủ, thành phố, doanh nghiệp và cá nhân đều có thể đóng góp một phần công sức để đạt được mục tiêu quan trọng này để cứu sống Trái đất.

Muôn kiểu đón năm mới trong “mùa” COVID-19

Trong ngày cuối cùng của năm 2020, người dân khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị đón năm mới 2021, song với những cách thức khác nhau, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục đà lan nhanh, đặc biệt là sự xuất hiện ở nhiều quốc gia của biến thể VUI-202012/01, được đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 40-70% so với các biến thế trước đó của virus SARS-CoV-2.

Nhiều quốc gia đã quyết định hạn chế nghiêm ngặt trong đêm giao thừa để ngăn dịch lan rộng. Thành phố Sydney của Australia, một trong những thành phố lớn đầu tiên trên thế giới đón năm mới với màn đếm ngược và bắn pháo hoa trên nhà hát Opera Sydney, đã cấm tụ tập đông người vào đêm giao thừa vì một ổ dịch COVID-19 đang tăng nhanh số ca.

Chính quyền địa phương ban đầu dự định mời 5.000 nhân viên tuyến đầu đến cầu cảng để xem pháo hoa như một lời tri ân cho sự cống hiến của họ. Tuy nhiên, buổi lễ đã bị hủy do lo ngại nó có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm.

Khắp Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba, các đền thờ hay địa điểm tập trung đông người đã lên kế hoạch hạn chế đông người tụ tập. Kanda Myojin - ngôi đền lớn ở thủ đô Tokyo, mới đây công bố các hạn chế và biện pháp phòng dịch trên website, trong đó đề nghị người dân tuân thủ các hướng dẫn y tế của chính phủ, đồng thời phòng ngừa các tình huống có thể dẫn tới tụ tập đông người. Đền Kanda Myojin là một trong số ít ngôi đền ở Nhật Bản quyết định mở cửa xuyên Giao thừa năm nay, song ban quản lý ngôi đền này đã đề nghị người dân tránh đến đền vào đúng thời điểm Giao thừa và sớm ngày 1/1/2021.

Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia cũng sẽ không tổ chức các buổi trình diễn ca nhạc ngoài trời đêm giao thừa, không bắn pháo hoa, đồng thời cấm tụ tập đông người. Hầu hết rạp chiếu phim, quán bar, cửa hàng giải trí đều đóng cửa và các trung tâm mua sắm, điểm du lịch lớn ở đây sẽ không tổ chức ăn mừng như mọi năm. Kiên quyết hơn, Pháp quyết không dỡ bỏ lệnh giới nghiêm vào đêm 31/12. Người dân Paris theo đó sẽ phải ở yên trong nhà từ 8h tối đến 6h hôm sau. Cảnh sát dự kiến được triển khai để giải tán mọi đám đông có hơn 10 người tham dự.

Cùng thời điểm, ở Quảng trường Thời đại giữa thành phố New York, Mỹ, các công nhân đã thay mới 192 mảnh tam giác pha lê trên quả cầu pha lê, khâu cuối cùng trước nghi thức thả quả cầu trong lễ hội đếm ngược hằng năm vào đêm giao thừa và chào mừng năm mới.

Theo truyền thống, quả cầu sẽ được thả xuống vào đúng 23h59 đêm giao thừa và mọi người sẽ cùng đếm ngược để mừng năm mới. Tuy nhiên, dự kiến Quảng trường Thời đại sẽ vắng bóng người trong ngày cuối năm 2020 do tình hình dịch bệnh phức tạp, nên sự kiện thả quả cầu pha lê sẽ được trực tiếp trên truyền hình để người dân có thể theo dõi từ nhà.

Trong khi đó, tại thủ đô Moscow của Nga, chính quyền thành phố cũng quyết định hủy các lễ hội năm mới hay các sự kiện văn hóa đại chúng, nhưng vẫn bố trí hơn 1.000 cây thông cùng khoảng 4.000 công trình chiếu sáng được trang hoàng lộng lẫy trên các tuyến phố trung tâm. Truyền thông địa phương nói rằng, Moscow vẫn chưa ban bố các lệnh hạn chế nghiêm ngặt nào, nên khả năng sẽ vẫn có nhiều người đổ ra đường để chào đón khoảnh khắc giao thừa. “Hi vọng năm mới 2021 sẽ có nhiều biến chuyển mới. Đã đến lúc chia tay 2020 và những phiền toái xảy đến trong năm nay rồi”, Ilia Yakimenko, một sinh viên Nga, nói.

Thiện Minh
.
.
.