Thế giới phải cảm ơn Việt Nam vì lật đổ chế độ Pol Pot

Thứ Sáu, 20/02/2009, 08:47
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (1997-2001) Pete Peterson từng trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 6/2006 rằng, thế giới phải cảm ơn Việt Nam vì họ đã lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia và lịch sử cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của Việt Nam.

Phiên tòa xét xử ông Kaing Guek Eav, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đã và đang thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận trong và ngoài khu vực. Việc nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, AFP, AP, Reuters… đưa tin, bài và ảnh về phiên tòa kể trên cũng đã chứng tỏ mối quan tâm của họ đối với vấn đề này.

Theo thống kê, có khoảng 300 phóng viên trong và ngoài Campuchia tới tham dự và đưa tin về phiên tòa.

Sự thật không thể chối cãi

Mặc dù ông Kaing Guek Eav đã thông qua luật sư Francois Roux để xin các nạn nhân tha thứ (1 ngày trước khi phiên tòa khai đình hôm 17/2), nhưng mọi lời xin lỗi đã quá muộn khi những bằng chứng đã, đang và sẽ được đưa ra trước tòa khó biện minh cho những tội ác mà cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng (S-21) từng phạm phải.

Tuy không thừa nhận tất cả mọi tội lỗi một cách chính thức, nhưng Kaing Guek Eav từng bày tỏ hối tiếc về những tội ác của mình. Kaing Guek Eav cũng thừa nhận nhiều tội ác đã xảy ra tại nhà tù Tuol Sleng, nhưng cho rằng, chỉ làm theo lệnh cấp trên!

Theo giới truyền thông, những tranh luận của luật sư tại phiên tòa xét xử ông Kaing Guek Eav đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới bởi liên quan tới những thước phim được bộ đội Việt Nam quay - một bằng chứng mới.

Hết ngày 18/2, tòa đã kết thúc phần xem xét thủ tục xét xử đối với Kaing Guek Eav và sau khi hội ý riêng, các thẩm phán mới chấp thuận gọi hỏi 30 nhân chứng do công tố cùng luật sư bên nguyên đơn và bên bị cáo đề nghị. Tòa chưa lấy lời khai của bị cáo và nhân chứng.

Dự kiến tòa sẽ chấp nhận 98 nạn nhân và 60 nhân chứng tham dự phiên tòa sắp tới. Dư luận rất quan tâm tới 2 nhân chứng, đó là phóng viên người Anh Nic Dunlop, người có công phát hiện Kaing Guek Eav để bắt giữ hồi tháng 5-1999 và học giả người Mỹ David Chandler, tác giả nhiều cuốn sách về Campuchia.

Kaing Guek Eav còn được biết tới dưới cái tên Khang Khek Ieu hay Hang Pin hoặc Duch và là một trong 10 nhân vật chủ chốt thuộc Ban lãnh đạo Khmer Đỏ trước đây. Tuy sinh ra (17/11/1942) trong một gia đình Khmer gốc Trung Quốc tại Kompong Cham, là một học sinh khá xuất sắc và từng làm Hiệu trưởng một trường sư phạm, nhưng Kaing Guek Eav nhanh chóng trở thành "hung thần" sau khi được cử làm Giám đốc nhà tù Tuol Sleng năm 1975.

Chỉ có khoảng 10 người còn sống sót trong tổng số 16.000 người từng bị giam giữ tại nhà tù Tuol Sleng và Kaing Guek Eav phải chịu trách nhiệm về những cái chết đau thương này. Nhà tù Tuol Sleng được coi là trung tâm quan trọng trong cơ cấu an ninh dưới thời Khmer Đỏ.

Sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ (1979), Kaing Guek Eav đã lẩn trốn trong một căn cứ của Khmer Đỏ ở phía Tây Bắc Campuchia. Nhưng sau 20 năm lẩn trốn (1979-1999), cuối cùng Kaing Guek Eav đã bị bắt (tháng 5/1999) và ngày 31/7/2007, Tòa án xét xử tội ác diệt chủng ở Campuchia đã khai đình và xét xử ông ta tội chống lại loài người.

Khi đó, hàng trăm phóng viên và các nhà quan sát Campuchia cũng như quốc tế đã có mặt để đưa tin và tường thuật phiên xét xử. Kaing Guek Eav là nhân vật đầu tiên trong số 5 quan chức cao cấp của Khmer Đỏ bị tòa án xét xử.

Lịch sử phải được tôn trọng

Trong thời gian cầm quyền (1975 - 1979), Khmer Đỏ đã thực hiện một chế độ tàn bạo, không trường học, không giao dịch... và bị coi là đã tiến hành nạn diệt chủng lớn nhất của nhân loại cuối thế kỷ 20.

Theo thống kê, có tới 1/5 dân số Campuchia (gần 2 triệu người) bị chết do hậu quả của những chính sách vô nhân đạo mà Khmer Đỏ đã thực thi. Đối với người dân Campuchia, phiên tòa kể trên là cơ hội cuối cùng để đưa tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ ra trước công lý.

Cách đây gần 2 năm, ông Chum Mey, 77 tuổi, một cựu tù nhân của nhà tù Tuol Sleng từng tuyên bố, tôi muốn nghe ông Kaing Guek Eav khai trước tòa thế nào, hay lại đổ lỗi cho những thây ma Pol Pot hay Ta Mok. Kaing Guek Eav bị xét xử với các tội danh như chống lại loài người, tội ác chiến tranh, tra tấn và chủ tâm giết người. Với các tội danh kể trên, Kaing Guek Eav có thể phải chịu án tù chung thân.

Những nạn nhân tại nhà tù Tuol Steng.

Dư luận hy vọng, những thông tin của Kaing Guek Eav có thể giúp cho những phiên xét xử sắp tới diễn ra thuận lợi. Và điều này đồng nghĩa với việc, sự xuất hiện trước tòa của Kaing Guek Eav vừa với tư cách bị cáo, vừa là nhân chứng.

Theo hãng Reuters, phiên tòa sắp tới có thể khai đình vào cuối tháng 3 và lời phán quyết cuối cùng sẽ được đưa ra vào tháng 9. Được biết, có 30 thẩm phán của Campuchia và quốc tế tham gia xét xử phiên toà này và thẩm phán Nil Nonn, người Campuchia là chủ tọa phiên tòa. Campuchia phải mời quốc tế tham gia xét xử vì hệ thống pháp lý của nước này còn yếu.

Sau Kaing Guek Eav, 4 thủ lĩnh khác của Khmer đỏ cũng sẽ bị truy tố là Nuon Chea, 83 tuổi, nguyên chủ tịch Quốc hội, Ieng Sary, 84 tuổi, nguyên Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, Ieng Thirith, nguyên Bộ trưởng Các vấn đề Xã hội, đồng thời là vợ Ieng Sary và Khieu Samphan, 77 tuổi, nguyên Chủ tịch nước. Nhưng cả 4 người kể trên đều phủ nhận mọi tội ác xảy ra dưới thời họ nắm quyền.

Thủ tướng Hunsen từng tuyên bố "Nếu không có sự giúp đỡ của Việt Nam, chúng tôi sẽ chết!".

Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Van Phon từng phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/2009) rằng "Tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến quân đội tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh cao cả tại đất nước Campuchia, sẵn sàng chiến đấu anh dũng, hy sinh xương máu của mình để giải phóng nhân dân và đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và giúp đỡ bảo vệ sự hồi sinh của nhân dân Campuchia".

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam (1997-2001) Pete Peterson từng trả lời phỏng vấn BBC hồi tháng 6/2006 rằng, thế giới phải cảm ơn Việt Nam vì họ đã lật đổ chế độ Pol Pot ở Campuchia và lịch sử cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của Việt Nam.

Cách đây gần 20 năm (19/3/1989) tờ Thời báo Canberra của Australia từng đưa tin "Ai cũng phải thừa nhận là việc Việt Nam vào Campuchia đã đem lại kết quả rõ ràng và hành động đó đã được nhân dân Campuchia ở khắp nơi chào đón bởi đó là sự giải phóng cho họ".

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ cũng từng cho rằng, Khmer Đỏ là lũ người ghê tởm nhất, hơn cả tội diệt chủng của Hitler. Đức quốc xã còn chủ trương "người Đức trên tất cả", nhưng Khmer Đỏ diệt ngay chính nhân dân Campuchia!

Chiều 19/2, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh phản ứng của Việt Nam về phiên tòa xét xử Khmer Đỏ ở Campuchia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói: "Việt Nam lên án những tội ác tàn bạo của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và cho rằng, những kẻ chịu trách nhiệm, gây ra những tội ác này phải bị trừng trị nghiêm khắc. Việt Nam hoan nghênh tòa án xét xử tội ác diệt chủng Khmer Đỏ đã mở phiên xét xử đầu tiên và Việt Nam mong muốn quá trình xét xử những tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ diễn ra nghiêm minh, công bằng để đem lại công lý cho những nạn nhân của chế độ diệt chủng"

Quốc Trung
.
.
.