Chạy nước rút thông qua TPP

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:05
20h00 ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), các Bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng và tổ chức họp báo để thông báo về hiệp định này.

Những trở ngại cuối cùng trong vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được tháo gỡ với thiện chí của đại diện 12 quốc gia.

Có thể nói, vòng đàm phán TPP lần này là một cuộc chạy đua nước rút, ngay cuộc họp báo theo dự kiến để thông báo về thỏa thuận này đã bị hoãn tới 3 lần để các quốc gia tham gia đàm phán có thêm thời gian ngồi lại cùng nhau, rà soát lại những bất đồng, sớm đi đến những thỏa thuận mang tính cùng có lợi. Thêm vào đó, cuộc họp dự kiến kéo dài chỉ 2 ngày nhưng đã lan sang ngày thứ 5 với quyết tâm là ngày cuối cùng để đưa ra được một thỏa thuận “mang tính nguyên tắc”. 

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari nói: “Hiện chúng tôi đang chuẩn bị công bố một thỏa thuận về mặt nguyên tắc. Các bên tham gia đàm phán đã đạt được "tiến bộ quan trọng" vào sáng 4/10 và tìm ra một giải pháp đối với trở ngại chính trong việc đạt được một thỏa thuận. Đến lúc này, cơ hội hoàn tất TPP tại vòng đàm phán Atlanta được đánh giá là lên đến 90%. Tôi cũng đã gọi điện báo cáo Thủ tướng Shinzo Abe rằng thoả thuận chung về TPP đã nằm trong tầm tay”. 

Theo nhận định của giới quan sát, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản đưa ra tuyên bố lạc quan như vậy là bởi vì Mỹ và Australia đã cùng nhau đạt được thỏa thuận một văn bản chung về vấn đề bản quyền dược phẩm hữu cơ. Đây là một trong 3 vấn đề chính vốn gây bế tắc lớn trong đàm phán. Hai vấn đề còn lại là tỷ lệ xuất xứ tối thiểu trong TPP cho ôtô nhập khẩu vào Mỹ và mở cửa thị trường của Mỹ, Canada cho sữa của New Zealand. Hiện hai vấn đề tỷ lệ xuất xứ ôtô và mở cửa thị trường sữa gần như đã hoàn tất và chỉ chờ kết quả của đàm phán về sở hữu trí tuệ.

Theo nguồn tin từ Hội nghị, để tránh nguy cơ bị Chile và Peru phản bác, văn bản thỏa thuận nói trên đã được soạn thảo với những ngôn ngữ cho phép đặt ra thời hạn bảo hộ vừa là 5 năm theo như lập trường của Australia và vừa là 8 năm theo như đề nghị của Mỹ.

Vòng đàm phán TPP đã vượt qua những trở ngại cuối cùng. Ảnh: Getty.

Hiện giới chức các nước thành viên tham gia đàm phán TPP đang bày tỏ tin tưởng Hiệp định TPP sẽ sớm được ký kết trong tương lai gần, sau 5 năm đàm phán cam go. Tuy nhiên, ngoài việc giải quyết các vấn đề lớn trên bàn đàm phán, còn vô vàn các điều khoản chi tiết khác sẽ phải tiếp tục xử lý giữa các bên. Hơn nữa, việc ký thỏa thuận kết thúc đàm phán còn phải được từng đoàn đàm phán xin ý kiến các chính phủ nên không thể diễn ra nhanh được.

Trong 5 ngày đàm phán vừa qua, nhiều bước đột phá đã được thực hiện giữa các quốc gia. 

Cụ thể, Nhật Bản và Mỹ đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về mở cửa thị trường ôtô và phụ tùng ôtô. Một thỏa thuận song phương khác giữa Washington và Tokyo cũng cam kết mở cửa thị trường xe tại Nhật Bản và giảm hàng rào phi thuế quan. Việc mở cửa thị trường sữa cho các sản phẩm của New Zealand cũng nhanh chóng được Nhật Bản, Canada và Mexico thông qua. Đến cả đối thủ khó khăn nhất là Mỹ cũng đã có được thỏa thuận quan trọng với New Zealand. TPP đang được coi là Hiệp định thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử, hứa hẹn trở thành mô hình sẽ thiết lập tiền lệ cho hoạt động thương mại toàn cầu và các tiêu chuẩn liên quan tới người lao động.

20h00 ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), các Bộ trưởng của 12 nước tham gia đàm phán TPP đã đạt được thỏa thuận cuối cùng và tổ chức họp báo để thông báo về hiệp định này. 

Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra”. 

Hiệp định TPP ban đầu có tên là nhóm P-4 do bốn nước thành lập là Chile, New Zealand, Singapore và Mexico. Tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP và đến đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia TPP với tư cách thành viên liên kết.

Sông Thương
.
.
.