Thái Lan kêu gọi nhóm họp ASEAN về vấn đề Biển Đông vào tháng 8

Thứ Bảy, 25/05/2013, 16:32
Hôm 23/5, Thái Lan đã kêu gọi các Bộ trưởng ASEAN nhóm họp vào tháng 8 để củng cố quan điểm chung về Biển Đông trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9. Rõ ràng, vấn đề Biển Đông ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong khu vực, nhất là khi Trung Quốc dù luôn tuyên bố ủng hộ hòa bình trên Biển Đông, nhưng lại thường xuyên có những hành động đi ngược lại với lợi ích của các quốc gia láng giềng có cùng tranh chấp.
>> “Khẩu chiến” giữa Philippines - Đài Loan về cái chết của một ngư dân

Trả lời phỏng vấn hãng Kyodo News hôm 23/5, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow cho biết, Thái Lan đang kêu gọi các nước ASEAN nhóm họp cấp Bộ trưởng để thống nhất quan điểm chung về Biển Đông trước thềm cuộc gặp với Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới.

Tại cuộc họp với quan chức ASEAN ở thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, ông Sihasak Phuangketkeow đã nêu đề xuất này và được đại diện các nước hưởng ứng nhiệt tình. Nguồn tin từ Ban Thư ký ASEAN cho hay, hiện các quốc gia ASEAN đang lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức họp. Nhiều khả năng, cuộc họp đặc biệt này sẽ diễn ra vào ngày 13 và 14 tháng 8 tại Hua Hin, Thái Lan vì quốc gia này đang là điều phối viên trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Theo dự kiến, ngày 29/5 tới, nhóm công tác ASEAN – Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng sẽ nhóm họp tại Bangkok. Và đến tháng 9, Ngoại trưởng các nước thành viên ASEAN sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc ở Bắc Kinh để thảo luận về những tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy sớm thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và giảm căng thẳng, tranh chấp cũng như đụng độ trên vùng biển này. Nhiều nhà phân tích nhận định, rất khó nói rằng Trung Quốc đã sẵn sàng đàm phán COC cho dù lãnh đạo cấp cao của nước này từng tuyên bố muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng con đường hòa bình.

Hôm 9/5, Philippines đã điều động thêm 3 tàu chiến, trong đó có tàu tuần tiễu PS-36 lớp Peacock đến trấn giữ một bãi cạn đang tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Thực tế, việc đàm phán COC được ASEAN hối thúc từ năm ngoái. Nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn tìm mọi cách lần lữa hoặc sử dụng chiêu bài đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương. Chính vì lẽ đó mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có Philippines đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với chính sách này của Trung Quốc.

Hồi tháng 1, chính quyền Manila đã quyết định kiện Bắc Kinh lên tòa án trọng tài quốc tế. Hiện tiến trình giải quyết vụ kiện đang được tiến hành dù Trung Quốc tuyên bố tẩy chay và không tham gia. Một số nguồn tin từ báo chí Philippines còn cho hay, đây là cách thức mới mà Manila tìm kiếm để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau 3 năm đàm phán song phương không thành với Trung Quốc. Chiến lược này dựa trên chính sách ngoại giao sức mạnh nhằm tạo ra áp lực quốc tế giúp Manila khởi động lại cuộc đàm phán hướng tới COC có tính ràng buộc pháp lý hoặc đạt được một thỏa thuận song phương với Bắc Kinh, đảm bảo chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) rộng 200 hải lý.

Giới quan sát nhận định, bằng việc sử dụng luật pháp quốc tế và vấn đề tự do hàng hải, Manila đã lôi kéo các cường quốc khu vực và toàn cầu vào cuộc. Nước này cũng khiến cho ASEAN khó có thể né tránh việc coi tranh chấp lãnh thổ là một mối quan tâm an ninh chính đáng cần được nhanh chóng quyết định bằng hành động tập thể. Mới đây nhất, hôm 23/5, Philippines cũng tuyên bố cương quyết bảo vệ “những gì thuộc về mình” và rằng hải quân và cảnh sát biển Philippines có nhiệm vụ thực thi luật pháp quốc gia…

Như vậy, có thể thấy, không chỉ các quốc gia trong khu vực, mà các quốc gia trên thế giới cũng rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Hồi giữa tháng 5, EU đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

EU cũng kêu gọi các bên liên quan làm rõ tranh chấp của mình trên cơ sở UNCLOS 1982. Trước đó, Mỹ cũng đã nhiều lần cho rằng, vấn đề ở Biển Đông cần phải giải quyết theo luật pháp quốc tế và ASEAN – Trung Quốc nên nhanh chóng xây dựng COC và thực hiện nghiêm túc DOC

Phan Hiển
.
.
.