Tàu hải giám và máy bay Trung Quốc lại xâm phạm biển Đông

Chủ Nhật, 10/03/2013, 15:40
Ngày 9/3, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, khi đề cập tới quan hệ Trung - Nhật và tranh chấp tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, Nhật Bản cần nhìn thẳng vào sự thật, thiết thực sửa chữa sai lầm, cùng với Trung Quốc thông qua đối thoại hiệp thương giải quyết ổn thỏa vấn đề liên quan, ngăn chặn tình hình leo thang mất kiểm soát.

Tuy nhiên trước đó (8/3), Tân Hoa xã đưa tin, khoảng 17h50 ngày 8/3 (theo giờ địa phương), tàu hải giám 83 dẫntheo 2 tàu hải giám khác (mang số hiệu 262 và 263) cùng chiếc trực thăng số hiệu B-7103 đã rời cảng Tam Á, đảo Hải Nam tiến về phía quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt, chiếm đóng trái phép từ năm 1974) để thực hiện cái gọi là "tuần tra chấp pháp” định kỳ.

Theo ông Trần Hoài Bắc, Chỉ huy trưởng biên đội hải giám Trung Quốc cho biết, đợt “tuần tra chấp pháp" này kéo dài 9 ngày và đây là lần đầu tiên hải giám Trung Quốc "tuần tra chấp pháp" cả trên không và trên biển toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa". Ngoài việc "tuần tra chấp pháp", đội tàu này còn có nhiệm vụ kiểm tra các hòn đảo, tài nguyên biển, hệ sinh thái và lập hồ sơ cho từng đảo. Tân Hoa xã đe dọa, lần "tuần tra chấp pháp" này nếu tàu hải giám phát hiện bất cứ hành vi vi phạm nào trên vùng biển mà nó đi qua, đều sẽ xử lý nghiêm khắc theo luật Trung Quốc.

Tàu hải giám 83 Trung Quốc.

Được biết, đội tàu nói trên xuất phát chỉ 3 ngày sau khi 2 tàu hải giám 84 và 72 kết thúc đợt tuần tra kéo dài 16 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Cũng trong ngày 8/3, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn lời ông Lưu Tân, Chính ủy của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Nam cho biết, Trung Quốc cần tập trung nỗ lực xây dựng và bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của nước này ở biển Đông, đồng thời phối hợp quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng quốc phòng, cùng kết hợp với “hệ thống sức mạnh” nhằm đảm bảo các quyền lợi biển của Trung Quốc… Ngoại trưởng Dương Khiết Trì từng tuyên bố (6/3): Việc thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" hồi tháng 7/2012 là bước đi quan trọng của Bắc Kinh sau khi xem xét các tình huống trong và ngoài nước.

Trước đó (5/3), phát biểu với giới truyền thông tại Bắc Kinh nhân kỳ họp Chính hiệp, ông Tiêu Kiệt, người đang giữ chức danh phi pháp “Thị trưởng kiêm Bí thư Đảng uỷ Tam Sa” của Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang triển khai (trái phép) hơn 20 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại cái gọi là "Thành phố Tam Sa", thành lập thôn Mỹ Tế để đưa dân Trung Quốc ra sinh sống trái phép trên Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới chuyên môn cho rằng, việc tàu hải quân và bán quân sự Trung Quốc đang hoạt động tại biển Hoa Đông xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản là chiến lược nhằm áp đảo về quân số so với lực lượng của đối phương. Chuyên gia chiến lược biển tại Newport, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ Rhode Island, James Holmes cho rằng, mục tiêu tác chiến ở biển Hoa Đông là mài mòn Lực lượng phòng vệ biển và Lực lượng tuần tra ven biển Nhật Bản. Nhà phân tích quân sự của Australia Ross Babbage cho rằng, đang ở trong vùng lãnh thổ cực kỳ nguy hiểm khi Nhật Bản và Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc chiến nghiêm trọng.

Ngày 7/3, tại Nghị viện châu Âu (EP), cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), đã diễn ra cuộc thảo luận về tình hình quân sự và an ninh tại biển Đông do Tiểu ban An ninh và Quốc phòng trực thuộc Ủy ban Đối ngoại EP tổ chức. Cuộc thảo luận thu hút sự quan tâm của các nghị sĩ EP, giới nghiên cứu, chuyên gia và báo chí. Bởi các học giả đều cho rằng, biển Đông có trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên phong phú, có liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia và hiện tình hình biển Đông rất phức tạp, nên đã đến lúc EU phải thể hiện rõ lập trường đối với tranh chấp tại biển Đông - có thể học theo cách của Hạ viện Mỹ trong việc đưa ra các tuyên bố về biển Đông.

Nhiều nước châu Âu lo ngại trước tình hình hiện nay tại biển Đông, nhất là khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển này, gây nên phản ứng mạnh mẽ của các quốc gia Đông Nam Á. Cũng trong ngày 7/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích nội các tiền nhiệm vì tỏ ra quá yếu ớt trong tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Được biết, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị cho hải quân Nhật Bản phải bám sát và theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu chiến và máy bay Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đảm bảo khoảng cách 3km. Nếu phát hiện tàu Trung Quốc có biểu hiện chuẩn bị xâm nhập lãnh hải, tàu hải quân và máy bay phải lập tức ngăn chặn.

Ngày 6/3, tờ Văn Hối xuất bản tại Hongkong dẫn lời Thiếu tướng Dương Nghị, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi tăng thêm ngân sách cho quân đội. Việc tăng ngân sách quốc phòng năm 2013 xuất phát từ 4 phương diện.

Thứ nhất, thúc đẩy phát triển khoa học quốc phòng và quân đội, nhằm đẩy nhanh chuyển đổi mô hình chiến đấu, tăng cường thích đáng đầu tư trang bị vũ khí mới và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ. Thứ hai, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần, cải thiện điều kiện sinh hoạt và làm việc của sĩ quan và binh sĩ. Thứ ba, thích ứng với tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, giải quyết sự tác động của vật giá leo thang, điều chỉnh thích đáng chi phí của quân đội. Thứ tư, thúc đẩy xây dựng năng lực hành động quân sự phi chiến tranh như chống khủng bố hay phòng ngừa và cứu hộ thiên tai, nâng cao năng lực đối phó với các loại đe dọa an ninh, hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng hoá.

Ngày 6/3, tờ Hoàn cầu thời báo có bài viết cho rằng, việc tăng chi phí quốc phòng để không bị đối xử thô lỗ. Được biết, ngân sách chi cho quốc phòng Trung Quốc năm 2013 tăng 10,7%, đạt 720,2 tỉ NDT (khoảng 115,7 tỉ USD). Năm ngoái, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 11,2% so với năm 2011, lên 106 tỷ USD. Nhưng Lầu Năm Góc ước tính, ngân sách quốc phòng thực tế của Bắc Kinh vào khoảng 120 tỷ - 180 tỷ USD trong năm 2012, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ

Tân Hồng - Tiên Du
.
.
.