Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Nhật Bản thương đàm:

Tàu Nhật Bản và tàu Đài Loan giao đấu vòi rồng trên vùng biển tranh chấp

Thứ Tư, 26/09/2012, 23:40
Mặc dù đã hội đàm, nhưng Nhật Bản và Trung Quốc vẫn không tìm được tiếng nói chung xung quanh tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bởi hai bên vẫn tồn tại nhiều khác biệt về quan điểm trong lĩnh vực nhạy cảm này.
>> Trung Quốc sẽ tăng cường tuần tra trên biển Hoa Đông

Từ cuộc thương đàm Trung Quốc - Nhật Bản

Giới truyền thông đưa tin, ngày 25/9, tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã thương đàm về tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân cho biết, Trung Quốc quyết không khoan nhượng hành động đơn phương của Nhật Bản phương hại tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, Nhật Bản phải từ bỏ ảo tưởng, trở lại nhận thức chung để quan hệ hai nước sớm quay về quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.

Phát biểu với các nhà báo sau cuộc hội đàm với Thứ trưởng Trương Chí Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai cho biết, hai bên vẫn chưa quyết định liệu Ngoại trưởng hai nước có tổ chức một cuộc họp vào cuối tuần này, bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ hay không.

Tuy nhiên, vẫn có tin nói rằng: Ngoại trưởng Nhật Bản và người đồng cấp Trung Quốc đang có cuộc gặp bên lề kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc để bàn về giải pháp giảm căng thẳng ở khu vực biển tranh chấp. Trước đó (24/9), tại Bắc Kinh, khi trả lời câu hỏi liên quan đến cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật diễn ra mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã kêu gọi Nhật Bản kiên trì con đường phát triển hoà bình trên cơ sở đúc rút bài học lịch sử. Ông Hồng Lỗi cũng cho biết, theo yêu cầu của Nhật Bản, Trung Quốc đồng ý tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Chikao Kawai trong hai ngày 24 và 25/9 để thảo luận về những vấn đề song phương cùng quan tâm.

Tàu Nhật Bản và tàu Đài Loan giao đấu vòi rồng trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chính phủ Nhật Bản vừa chính thức phản đối yêu cầu xin mở rộng thềm lục địa ở biển Hoa Đông của Trung Quốc. Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, Tokyo đã quyết định phản đối tới cùng văn kiện xác định điểm cơ sở và đường cơ sở lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Tokyo cho rằng, phần lãnh hải và thềm lục địa mà Trung Quốc đòi hỏi nằm trong chủ quyền không thể tranh cãi của Nhật Bản. Cũng trong ngày 25/9, Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên vào hoạt động nhằm tăng cường hạm đội hải dương của nước này trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng. 

Tới cuộc đấu vòi rồng Nhật Bản - Đài Loan

Cuộc hội đàm giữa 2 Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Nhật Bản kết thúc mà không có kết quả đúng thời điểm tàu Nhật Bản và tàu Đài Loan có cuộc giao đấu vòi rồng trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Giới truyền thông đưa tin, khoảng 8h sáng 25/9 (theo giờ địa phương), 40 tàu đánh cá và 8 tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan đã đến vùng biển Senkaku/Điếu Ngư để đòi chủ quyền.

Mặc dù những tàu kể trên đã nhận được tín hiệu cảnh báo phải rời khỏi vùng biển này từ phía Nhật Bản thông qua microphone và bảng điện tử, nhưng phía Đài Loan cho rằng vùng biển này là lãnh hải của họ. Sau cuộc khẩu chiến, tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã dùng vòi rồng để xua đuổi tàu cá khỏi vùng biển tranh chấp, nhưng tàu cá Đài Loan lại dùng vòi rồng đáp trả.

Tuy nhiên, sau đó các tàu Đài Loan đã rời khỏi khu vực trên sau khi hoàn thành mục đích của họ. Nhật Bản coi đây là vụ xâm hại lãnh thổ của nước này với quy mô lớn nhất kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II. Trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 25/9 (theo giờ địa phương), Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, 8 tàu tuần duyên và 40 tàu cá Đài Loan đã tiến vào vùng biển được Nhật Bản coi là lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.  

Ngày 25/9, Hàn Quốc đã từ chối cho phép một tàu chiến Nhật Bản cập cảng nước này để tham gia cuộc tập trận hải quân chung “Sáng kiến phát triển an ninh” do Mỹ dẫn đầu bởi hai nước đang có tranh chấp biển đảo. Tokyo đã phản đối Seoul về hành động kể trên. Nhưng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lại phủ nhận thông tin này, đồng thời cho rằng, tàu Nhật Bản đã quyết định không cập cảng ở miền Nam dựa trên thỏa thuận đã được đưa ra giữa hai nước.

Lê Trịnh - Trọng Hậu
.
.
.