Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2015:

Tăng nguồn lực sang châu Á

Chủ Nhật, 08/02/2015, 14:26
Hôm 6/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chính thức “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015”. Với độ dày 29 trang, văn bản này được coi là định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong 2 năm cầm quyền còn lại của ông Barack Obama.

Theo tin từ hãng Reuters, trước khi cho công khai “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015”, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi một bản tới Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện. Đây là văn bản chiến lược an ninh quốc gia thứ 2 và là cuối cùng của Tổng thống Mỹ, trong đó xác định nước Mỹ phải duy trì “vai trò lãnh đạo thế giới”. Đặc biệt, trong năm 2015, Mỹ phải tiếp tục lãnh đạo liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang làm mưa làm gió ở Iraq và Syria.

Tuần tới, ông Barack Obama dự kiến sẽ yêu cầu Quốc hội trao cho ông quyền phát động chiến tranh để đối phó với IS. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Tổng thống sử dụng lực lượng quân đội chống lại IS cũng như các cá nhân và thế lực tiến hành các hoạt động chống đối với danh nghĩa của IS. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, hiện dự luật này đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa. Bên cạnh đó, chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 cũng nhắc đến một số vấn đề an ninh khác như Ukraine với việc gây sức ép lên Nga; vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và hạt nhân ở Iran…

Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết tâm thúc đẩy hoạt động xoay trục sang châu Á trong năm 2015 Ảnh: FoxNews.

Chiến lược này khẳng định, Mỹ phải duy trì một nền quốc phòng với lực lượng quân đội được huấn luyện, trang bị tốt nhất thế giới; cam kết tăng cường bảo vệ an ninh trong nước; xây dựng một thế trận an ninh toàn cầu có thể huy động được tổng lực sức mạnh quốc gia; ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt, nhất là vũ khí hạt nhân; xây dựng khả năng đối phó toàn cầu…; tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy các giá trị Mỹ; hoan nghênh các nước lớn đang nổi lên nhưng cảnh báo sẵn sàng ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng…

Phần quan trọng và chiếm nhiều nội dung nhất trong chiến lược an ninh quốc gia lần này, theo nhiều nhà phân tích, chính là việc Washington nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển nguồn lực đầu tư từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Hôm 5/2, trong một cuộc họp báo ở thủ đô Washington DC, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russels cũng đã thông báo cụ thể những ưu tiên này. Cụ thể, Mỹ tăng gói viện trợ nước ngoài thêm 8%. Ông Daniel Russels cũng nhấn mạnh rằng, năm 2015 sẽ là năm của sự hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì nó có một ý nghĩa chiến lược trong lĩnh vực thương mại và và đầu tư, mang lại thịnh vượng cho cả 12 nước thành viên, cho khu vực và cho kinh tế toàn cầu. TPP là hiệp định gói gọn trong đó 40% lượng GDP toàn cầu và 1/3 thương mại toàn thế giới. Cùng với việc đẩy mạnh hợp tác và nâng cao vai trò của Mỹ ở khu vực, trọng tâm của chính quyền Washington trong năm nay cũng sẽ là giải quyết những vấn đề trong khu vực như vấn đề an ninh trên Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc)…

Để làm rõ hơn nữa những vấn đề được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015, tối 6/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng đã có cuộc nói chuyện với các học giả và báo giới tại Viện Brookings. Tại đây, bà Susan Rice nhấn mạnh, chiến lược an ninh quốc gia mới được dẫn dắt bởi 4 lợi ích quốc gia bền vững như đã vạch ra trong chiến lược an ninh quốc gia được công bố năm 2010. Nghĩa là Mỹ vẫn thúc đẩy các lợi ích cốt lõi của nước này là an ninh, thịnh vượng, các giá trị và trật tự quốc tế dựa theo 4 cách thức gồm: Bảo đảm an ninh cho công dân Mỹ, đồng minh và đối tác; sử dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy hệ thống tài chính toàn cầu; bảo vệ dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng và tăng cường hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đồng minh, đối tác trên thế giới. 

Gia Nam
.
.
.