Chuyến công du hướng Tây của Thủ tướng Ấn Độ:

Tăng cường hợp tác đầu tư với các nền kinh tế phát triển

Thứ Tư, 15/04/2015, 07:58
Nhằm thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Made in India) và kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào quốc gia Nam Á này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra đã thực hiện chuyến thăm Đức, Pháp, Canada kéo dài từ ngày 9 đến 16/4.

Tháp tùng Thủ tướng Modi là 100 Bộ trưởng cấp Trung ương và cấp bang, bảy Thủ hiến, 120 nhà kinh doanh hàng đầu của Ấn Độ. Chuyến thăm cho thấy quyết tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại “táo bạo, tiên phong và đổi mới” với hai trọng tâm là hướng Đông và hướng Tây, đồng thời bộc lộ tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc không thể bỏ qua của thế giới.

Ngay ngày đầu tiên đặt chân tới Đức (12/4) – điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du, Thủ tướng Modi đã cùng người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel khai trương hội chợ triển lãm công nghiệp lớn nhất thế giới Hannover với sự tham gia của hơn 6.000 nhà triển lãm từ hơn 100 nước, trong đó có khoảng 400 công ty Ấn Độ. Đây là một trong những cơ hội lớn nhất để Ấn Độ thúc đẩy chiến dịch “Made in India”.

Phát biểu tại triển lãm, Thủ tướng Modi đánh giá cao vai trò của Đức, nhấn mạnh Berlin là đối tác quan trọng và là biểu tượng của kỹ thuật, đổi mới và chất lượng đối với người dân cũng như nền kinh tế Ấn Độ. Khẳng định quyết tâm của Chính phủ Ấn Độ trong việc tạo ra một môi trường kinh tế ổn định, nhằm tạo lòng tin với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Thủ tướng Modi nhấn mạnh, New Delhi sẽ “trải thảm đỏ” cho giới đầu tư và doanh nghiệp làm ăn tại Ấn Độ để cùng khai thác những tiềm năng sẵn có của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và người đồng cấp Đức Angela Merkel tại hội chợ triển lãm Hannover. Ảnh: AP.

Ông nêu bật các lợi thế của Ấn Độ như nhân khẩu, thị trường tiêu dùng, dân chủ... đang thu hút thế giới tới Ấn Độ. Theo ông, giá thành sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm tốt, điều hành hiệu quả đang biến Ấn Độ thành đầu máy toàn cầu trong lĩnh vực chế tạo và Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm chế tạo thế giới.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel bày tỏ ấn tượng trước những sản phẩm của Ấn Độ được trưng bày tại hội chợ Hannover năm nay, đồng thời nhấn mạnh Ấn Độ là đất nước có nhiều người trẻ tuổi, nhiều người đang tìm kiếm việc làm và mong muốn chứng kiến đất nước phát triển. Thủ tướng Merkel khẳng định, mục tiêu của Đức trở thành đối tác rất gần gũi với Ấn Độ.

Trước đó, tại chặng dừng chân đầu tiên ở Pháp, bên cạnh việc tiếp kiến Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande, Thủ tướng Modi đã tới gặp các giám đốc điều hành cấp cao các ngành công nghiệp liên quan sản xuất quốc phòng và cơ sở hạ tầng. Thủ tướng Modi cũng đã đến thăm một nhà máy của Airbus tại Toulouse và Trung tâm Quốc gia d'Etudes Spatiales, cơ quan không gian của Chính phủ Pháp.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà tại điện Élysée, Thủ tướng Modi thông báo hai bên đã đạt thỏa thuận về hợp đồng Pháp bán 36 chiến đấu cơ Rafale do hãng Dassault sản xuất cho Ấn Độ và hợp đồng này được ký theo phương thức chìa khóa trao tay. Đây là hợp đồng thứ hai của hãng Dassault trong năm 2015.

Hợp đồng thứ nhất được ký tháng 2/2015, theo đó Pháp bán 24 chiến đấu cơ cùng loại cho Ai Cập. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian xác nhận, 36 chiếc Rafale trong hợp đồng này sẽ được sản xuất tại Pháp, ngoài ra hai bên sẽ tiếp tục đàm phán các điều khoản về chuyển giao công nghệ trong thỏa thuận ban đầu cung cấp 126 máy bay Rafale cho Ấn Độ.

Hai bên cũng cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo về việc chuyển giao công nghệ lắp ráp máy bay Rafale - hợp đồng nằm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân đã lỗi thời của Ấn Độ. Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tập đoàn Hạt nhân Pháp Areva cũng ký với đối tác Ấn Độ thỏa thuận về nghiên cứu kỹ thuật trong khuôn khổ dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân EPR ở Ấn Độ.

Sau Pháp và Đức, Thủ tướng Modi sẽ tới Canada vào ngày 17/4 với hi vọng tiến gần tới thỏa thuận nhập khẩu urani của nước này theo tinh thần thỏa thuận ký năm 2013 giữa hai nước. Cameco Corp - một trong những công ty sản xuất urani lớn nhất thế giới của Canada, đã tiến hành thương lượng với các quan chức Chính phủ Ấn Độ về cung cấp urani dài hạn.

Thủ tướng Modi bày tỏ trên mạng xã hội rằng: “Chúng tôi mong muốn nối lại hợp tác năng lượng hạt nhân với Canada, đặc biệt tìm nguồn nhiên liệu urani cho các nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi”. Ngoài thỏa thuận về hạt nhân, Thủ tướng Modi cũng sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với Canada.

 Trong suốt hai thập kỷ qua, Ấn Độ liên tục theo đuổi chính sách đối ngoại “hướng Đông” nhưng kết quả vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Rõ ràng, nếu chỉ “trông chờ” châu Á là chưa đủ, Ấn Độ không thể bỏ qua châu Âu. Châu lục già cỗi này có thể hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba châu Á trong những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao mà nhiều khu vực không thể đáp ứng.

Chuyến công du này của Thủ tướng Modi cho thấy quyết tâm theo đuổi một chính sách đối ngoại “táo bạo, tiên phong và đổi mới” với hai trọng tâm là hướng Đông và hướng Tây, đồng thời bộc lộ rõ tham vọng đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc không thể bỏ qua của thế giới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.