Tái khẳng định vị thế New Delhi trong chính sách của Mỹ

Thứ Hai, 20/07/2009, 11:45
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tới quốc gia có số dân đứng thứ 2 thế giới với sự khẳng định, vị trí của Ấn Độ trong quan hệ với Mỹ - là một trong số ít những đối tác trên thế giới có thể hợp tác được trong những lĩnh vực gai góc và nhạy cảm nhất.

Chuyến công du Ấn Độ của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (từ 17/7) diễn ra đúng thời điểm Pakistan hoãn xét xử 5 nghi can liên quan tới vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai khiến 166 người thiệt mạng. Luật sư Shahbaz Rajput bào chữa cho 5 nghi can kể trên cho biết, phiên tòa được hoãn tới ngày 25/7.

Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tới quốc gia có số dân đứng thứ 2 thế giới với sự khẳng định, vị trí của Ấn Độ trong quan hệ với Mỹ - là một trong số ít những đối tác trên thế giới có thể hợp tác được trong những lĩnh vực gai góc và nhạy cảm nhất. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị William Burns khẳng định, Washington coi Ấn Độ là đối tác chủ chốt trong thế kỷ XXI.

Mặc dù nhiều vấn đề được đề cập trong các buổi hội kiến với Thủ tướng Manmohan Singh và một số lãnh đạo khác của Ấn Độ, nhưng Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn dành thời gian đề cập tới hợp tác hạt nhân, chống khủng bố… Bà Hillary Clinton tỏ ý lạc quan về khả năng hoàn tất hiệp định hợp tác quốc phòng song phương - Washington bán các loại vũ khí hiện đại cho New Delhi. Bộ Quốc phòng Mỹ có thể sẽ cho Ấn Độ thuê (lần đầu tiên) 12 máy bay trực thăng quân sự để New Delhi tiến hành hoạt động do thám ngoài bờ biển hiệu quả hơn. Dư luận cho rằng, WashingtonNew Delhi sẽ khắc phục tình trạng không tin cậy lẫn nhau sau chuyến công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton.  

Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Ấn Độ.

Mỹ muốn Ấn Độ thúc đẩy thỏa thuận năng lượng hạt nhân để các công ty của họ triển khai các hợp đồng xây dựng và cung cấp nhà máy điện hạt nhân trị giá 175 tỷ USD.

Được biết, Ấn Độ đã tìm được 2 địa điểm (ở bang Andhra Pradesh và bang Gujarat) để công ty Mỹ có thể xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Đây là một bước tiến quan trọng sau khi Mỹ và Ấn Độ ký Hiệp định hạt nhân từ mùa thu năm 2008. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Năng lượng Mỹ vẫn chưa trao cho các công ty Mỹ những giấy phép cần thiết để họ tiến hành các bước tiếp theo.

Bà Hillary Clinton đã tránh đề cập tới vấn đề đang ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan - Mỹ không gây sức ép với New Delhi trong việc hòa giải với Islamabad. Nhưng Ngoại trưởng Hillary Clinton vẫn kêu gọi thế giới chung sức trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố bởi nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố và cực đoan là rất rõ ràng, và thế giới phải ngăn chặn những hiểm họa này.

Giới quan sát nhận định, việc Mỹ không đánh giá đúng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trình độ công nghệ và tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ đã dẫn đến bất đồng, cản trở hợp tác song phương.

Cách đây không lâu, Chủ tịch ủy ban tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Suresh Tendulkar đã thúc giục chính phủ giảm sở hữu đồng USD, đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ (khoảng 264,6 tỷ USD) mà Ấn Độ đang sở hữu. Giới bình luận cho rằng, chuyến công du của bà Hillary Clinton nhằm tạo thế cân bằng chiến lược với Nga và Trung Quốc, Mỹ không những muốn thắt chặt mối quan hệ với Ấn Độ mà còn tìm cách vươn tầm ảnh hưởng tại khu vực Nam Á.

Đầu tháng 7 vừa qua, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đề nghị đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá tàu sân bay Đô đốc Gorshkov để có thể bàn giao cho Ấn Độ vào năm 2012. Sau khi bàn giao cho Ấn Độ, tàu sân bay Đô đốc Gorshkov sẽ được đổi tên thành Vikramaditya để thay thế tàu INS Viraat của nước này đã hoạt động được 50 năm. Việc này diễn ra sau đề nghị của Bộ Quốc phòng nước này - yêu cầu Nga bàn giao tàu sân bay cho Ấn Độ trong tháng 12/2012.

Dự kiến, từ nay đến năm 2015, New Delhi sẽ sở hữu tới 230 chiếc Su-30MKI của Nga. Việc này được tiến hành sau khi Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng - tài khóa 2009-2010 tăng 34%, đạt 1.420 tỷ rupi (khoảng 30 tỷ USD). Trong năm 2008, Ấn  Độ đã chi 21,6 tỷ USD cho quốc phòng, tăng 10% so với năm 2007

Quốc Trung
.
.
.