Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu qua đời:

Sự ra đi của 'một huyền thoại châu Á'

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:28
Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Singapore, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời vào hồi 3h18’ ngày 23/3 (giờ địa phương) tại Bệnh viện Đa khoa Singapore, hưởng thọ 91 tuổi. Vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore được xem là “cha đẻ” của một Singapore hiện đại ngày nay, khi có công đưa quốc đảo sư tử này trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất châu Á chỉ trong vòng ba thập kỷ.

Những dấu ấn mang đậm tầm nhìn

Ông Lý Quang Diệu được nhân dân đảo quốc yêu mến gọi với cái tên “Người cha của đất nước”, ông đã một tay tạo nên con hổ châu Á đầu tiên: Singapore. Sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình gốc Hoa giàu có, ông Lý Quang Diệu tới định cư ở Singapore từ thế kỷ XIX.

Sau Thế chiến II, ông Lý Quang Diệu đã thi đỗ vào Khoa Luật ở Đại học Fitzwilliam (Cambridge, Anh). Năm 1949, ông tốt nghiệp bằng cử nhân ngành Luật nhưng không trở về Trung Quốc, mà tới Singapore để xây dựng sự nghiệp. Tháng 11/1954, nuôi dưỡng ước mơ thay đổi cấu trúc quản trị của đất nước khi Singapore là thuộc địa của Anh, ông Lý Quang Diệu đã thành lập Đảng Nhân dân Hành động (PAP) và trở thành tổng thư ký PAP.

Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Hai năm sau, ông đến London cùng phái đoàn PAP đòi quyền tự trị cho Singapore. Năm 1958, ông đã đưa Singapore trở thành một nước độc lập và tự chủ. Sau tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 6/1959, Đảng PAP của ông Lý Quang Diệu đã thắng cử. Từ khi lên nắm quyền, ông đã bắt tay vào việc xây dựng một đất nước Singapore giàu mạnh, với việc đề ra và thực hiện các chính sách phát triển đô thị, công nghiệp hóa, xây dựng nhà ở, trường học…

Một trong những dấu ấn mang đậm tầm nhìn của vị chính khách tên tuổi này là xây dựng Singapore theo mô hình “Vườn - Thành phố”, ngay khi công cuộc phát triển đô thị của Singapore vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Theo đó, ông đã đề xuất một dự án đầy tham vọng khi cải tạo sông Singapore và sông Kallang vốn ô nhiễm trầm trọng khi đó để hình thành nên một phần Vịnh Marina ngày nay, nơi giờ đây không chỉ là một nguồn nước ngọt quý giá cho người dân Singapore, mà còn là điểm đến tham quan hấp dẫn của du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, với quyết tâm biến Singapore từ “một vùng đầm lầy thành siêu đô thị”, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã lãnh đạo thế hệ người dân tiên phong của Singapore khắc phục rất nhiều thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, xây dựng cho họ một tinh thần “không bao giờ sợ hãi” trước nghịch cảnh. Người dân Singapore đã tập trung quanh ông, xây dựng nên quân đội riêng, phát triển cơ sở hạ tầng và biến đảo quốc này trở thành một trung tâm của khu vực và thế giới. Song song với đó, ông cũng cho thành lập Ủy ban Phát triển nhà ở (HDB) để trao cho mỗi người dân Singapore cơ hội sở hữu một mái nhà. Nhờ đó, Singapore ngày nay được xem là hình mẫu phát triển bền vững và toàn diện nhất về quy hoạch đô thị trên thế giới.

Ông cũng lựa chọn tiếng Anh trở thành là ngôn ngữ phổ thông của Singapore, để mọi người dân đều có cơ hội học tập, giao tiếp và làm việc bình đẳng. Các cộng đồng sắc tộc cũng được khuyến khích coi ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ hai để duy trì bản sắc văn hóa và cộng đồng mình. Nhờ những chính sách đó, giờ đây người dân Singapore có lợi thế lớn về ngôn ngữ để nắm bắt cơ hội thể hiện mình trên thế giới.

Vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Singapore

Quan hệ Singapore - Việt Nam được thúc đẩy từ tháng 2/1990, đánh dấu bằng việc Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt có cuộc gặp ông Lý Quang Diệu, khi ấy đang là Thủ tướng Singapore, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Tháng 4/1992, ông Lý Quang Diệu đã sang Việt Nam thăm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, trò chuyện thân mật với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp xúc với Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng... Sau đó, ông liên tục trở lại Việt Nam vào tháng 11/1993, tháng 3/1995 và tháng 11/1997... Đáp lại, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng liên tục thăm Singapore, như Tổng bí thư Đỗ Mười (10/1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1994), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9/1995), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (4/1998)...

Quan hệ Việt Nam - Singapore được phát triển trên nhiều lĩnh vực hợp tác, mà biểu hiện mạnh mẽ nhất ở các khu công nghiệp mang thương hiệu VSIP. Được thảo luận đầu tiên bởi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và người kế nhiệm ông Lý Quang Diệu là Goh Chok Tong vào năm 1994, VSIP I và VSIP II tại Bình Dương được động thổ vào ngày 14/5/1996 với sự tham dự của cả hai vị thủ tướng.

Không chỉ trên bình diện kinh tế, quan hệ Việt Nam - Singapore còn phát triển ở nhiều lĩnh vực qua Hiệp định hợp tác liên thông được ký cuối năm 2005. Nhưng đỉnh cao của mối quan hệ ấm áp và tin cậy là quyết định đi đến Đối tác chiến lược được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố tại quốc yến tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Singapore vào tháng 9/2012 và được ký kết tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tháng 9/2013, kỷ niệm 40 năm hai nước lập quan hệ ngoại giao.

Theo Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Singapore Lim Swee Say, tính đến tháng 6/2014, Singapore là nước đầu tư lớn thứ 3 ở Việt Nam với tổng vốn 30,5 tỉ USD. Thương mại song phương năm 2013 đạt 13,9 tỉ USD. Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho 500 khách hàng đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 6,5 tỉ USD và giá trị xuất khẩu hơn 8 tỉ USD, cung cấp việc làm cho 140.000 lao động địa phương.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.