Sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria là ‘theo yêu cầu’

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:12
Đó là lời tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tại Diễn đàn kinh tế phương Đông, diễn ra tại Vladivostok hồi tuần trước. Theo đó, Damascus đã yêu cầu Moskva thực hiện nghĩa vụ của mình theo các hiệp ước hữu nghị và hợp tác ký năm 1982 trong các cuộc gặp giữa Giám đốc An ninh Quốc gia Syria, Tướng Ali Mamlouk và Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, và Nga đã chấp nhận sẽ ủng hộ chính quyền Syria về cả chính trị, kinh tế và quân sự.

Bác bỏ những thông tin thêu dệt

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi đã giúp đỡ Syria rất nhiều về trang thiết bị, huấn luyện binh sĩ với vũ khí của chúng tôi”. Moskva chưa bao giờ giấu giếm thực tế rằng đang gửi trang thiết bị quân sự đến Syria để hỗ trợ quân đội nước này trong cuộc chiến chống khủng bố và Ngoại trưởng Lavrov cũng đã xác nhận sự hỗ trợ này vẫn đang được thực hiện.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga khẳng định việc quân đội Nga đã có mặt từ lâu ở Syria, sự hiện diện của họ liên quan tới hoạt động cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Syria, nhưng họ chưa bao giờ tham gia chiến sự.

Nội chiến và cuộc chiến chống IS đang phá hủy Syria.

Hôm 10/9 vừa qua, theo tờ Kommersant, Nga “đang thực hiện hoặc đã sẵn sàng” chuyển giao cho Syria nhiều lô vũ khí hạng nhẹ, súng phóng lựu, xe bọc thép BTR-82A, xe tải quân sự Ural và nhiều loại vũ khí cần thiết khác cho quân đội nước này”. Việc chuyển giao này sẽ được thực hiện “phù hợp với luật pháp quốc tế, tuân thủ các thủ tục và trong khuôn khổ hợp đồng hiện tại” giữa Moskva và Damascus.

Liên quan đến những cáo buộc xung quanh việc Nga cử một nhóm tiền trạm tới Syria và khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào quốc gia Trung Đông, Tổng thống Putin khẳng định, Moskva đang xem xét mọi khả năng. Tuy nhiên việc tham gia chiến dịch quân sự chưa nằm trong chương trình nghị sự của Nga. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì nhấn mạnh chưa nhận được thông tin nào về nhóm tiền trạm của Nga tại Syria. Những tuyên bố trên của Nga đã hoàn toàn bác bỏ những thông tin thêu dệt của truyền thông phương Tây đưa ra trong thời gian qua, vốn làm dấy lên nghi ngờ về việc Nga đang từng bước thực hiện kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria.

Chia sẻ quan điểm của Moskva, trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Al-Manar Lebanon, Bộ trưởng Thông tin Omran al-Zoubi cho biết, các báo cáo sai về sự hiện diện của quân đội Nga ở Syria là do cơ quan tình báo phương Tây cố ý “dựng” lên rồi sau đó được giới truyền thông lan truyền thông tin. Ông khẳng định: “Nga không có bất kỳ hoạt động quân sự nào ở đó - dù trên đất liền, dưới biển hay trên không”. Theo Bộ trưởng al-Zoubi, bằng việc tạo ra những tin tức thất thiệt này, phương Tây muốn dựng nên chuyện Nga trực tiếp can thiệp vào bạo động Syria với mục đích khiến cộng đồng quốc tế thấy chính quyền Syria “suy yếu tới mức phải nhờ cậy vào nước bạn”.

Các chuyên gia nhận định, sau sự can dự của Liên Xô ở Afghanistan, dư luận Nga chắc chắn sẽ không ủng hộ việc gửi quân ra nước ngoài. Chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Moskva Nikolai Kozhanov bình luận rằng, giới lãnh đạo Nga không có ý định làm điều này, vì nó sẽ đẩy nước Nga lún vào một cuộc xung đột, với mức giá phải trả đôi khi là rất đắt.

Vai trò của Syria đối với Nga

Các chuyên gia đều cho rằng, mối quan tâm hàng đầu của Nga tại Syria hiện nay là bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, người mà Tổng thống Putin đã dành rất nhiều sự ủng hộ cũng như cung cấp cho quân đội của ông Assad rất nhiều vũ khí và các trang thiết bị để đạt được điều đó.

Theo chuyên gia Kozhanov, duy trì hiện trạng là điều có ý nghĩa, vì Nga đang vận hành văn cứ hải quân tại thành phố Tartus, Syria – tiền đồn quân sự duy nhất của quốc gia này ở Địa Trung Hải – và tất nhiên ông Putin sẽ không muốn để mất nó. Căn cứ hải quân Tartus tuy quan trọng nhưng cũng chưa đạt tới tầm chiến lược vì dù sao nó cũng chỉ là căn cứ hậu cần, kỹ thuật, nhưng nó là cơ sở để bảo đảm cho lực lượng hải quân của mình hoạt động tại khu vực Địa Trung Hải. Hơn nữa, căn cứ này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Moskva.

Sự tồn tại của căn cứ Tartus là vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Nga, còn căn cứ tức là còn sự hiện diện quân sự của Moskva tại Địa Trung Hải, đồng thời hải quân Nga muốn hoạt động được ở khu vực này thì phải có căn cứ căn cứ bảo đảm. Một khi chính quyền Tổng thống Assad sụp đổ, quân đội Nga sẽ bị đánh bật khỏi quân cảng này và đương nhiên là hạm đội Nga sẽ mất chỗ đứng chân ở Địa Trung Hải.

Khổng Hà
.
.
.