Sau Crimea, nhiều khu vực miền Đông Ukraine đòi độc lập

Thứ Ba, 25/03/2014, 08:45
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, liên tục trong 2 ngày 22 và 23/3, tại khu vực miền Đông Ukraine đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn người, yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để ly khai khỏi nước này. Như vậy, hiện có thêm nhiều vùng lãnh thổ khác thuộc Ukraine bày tỏ ý muốn sáp nhập vào Nga.
>> Bắt đầu “cuộc chiến” lệnh trừng phạt

Miền Đông Ukraine dậy sóng

Ngày 22/3, khoảng 2.000 người đã tập trung biểu tình gần tòa nhà Hội đồng thành phố ở khu vực trung tâm thành phố Donetsk, yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai khu vực này. Người biểu tình cầm cờ Nga, hô vang khẩu hiệu “Nga”, “Berkut” và kêu gọi sự trở lại của Tổng thống Viktor Yanukovych. Khoảng 20 nhân viên cảnh sát đã được huy động để đảm bảo trật tự trong sự kiện này.

Tương tự như vậy, người biểu tình tại thành phố Odessa cũng cầm cờ Nga, Ukraine và Crimea, hô vang khẩu hiệu: “Trưng cầu dân ý”, “Ukraine và Nga sát cánh bên nhau”… Theo nhận định của Phó Chủ tịch Hội đồng thành phố Odessa Sergey Bovbolan, chính quyền Kiev đang nói về một cuộc chiến với Nga, nhưng trên thực tế họ dường như không nhận ra rằng, họ đang trong cuộc chiến tranh với chính người dân Ukraine. 

Trong khi đó, tại thành phố Kharkov, khoảng 5.000 người tham gia biểu tình đòi trưng cầu dân ý, đồng thời yêu cầu cho phép Kharkov dùng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính thức... Ngoài ra, người dân Kharkov còn tuyên bố hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine được Thủ tướng lâm thời nước này, ông Arseniy Yatsenyuk và 28 nhà lãnh đạo EU ký kết hôm 21/3 là bất hợp pháp.

Một số người biểu tình cũng đã kéo đến Đại sứ quán Nga, yêu cầu Moskva điều tra về sự hiện diện của quân NATO ở Ukraine. Còn tại thành phố Lugansk, kết quả sơ bộ của cuộc trưng cần dân ý (không chuẩn bị trước) đã được công bố trước hàng nghìn người biểu tình. Theo kết quả trưng cầu dưới hình thức một cuộc thăm dò được tổ chức từ ngày 16/3 và sẽ tiếp tục kéo dài tới tuần này, hơn 100.000 người đã ủng hộ việc gia nhập Nga.

Người biểu tình tại thành phố Odessa, phía Đông Ukraine cùng cờ Nga, Ukraine và Crimea, hô vang khẩu hiệu: “Trưng cầu dân ý”, “Ukraine và Nga sát cánh bên nhau”… ngày 23/3.

Ngoài các khu vực ở Ukraine, theo tờ Telegraph, hồi tuần trước, Nghị viện Transnistria, vùng lãnh thổ ly khai rộng khoảng 4.000km2 nằm giữa Ukraine và quốc gia láng giềng phía Tây Moldova, đã bày tỏ mong muốn sáp nhập vào Nga. Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Transnistria, cơ quan chính quyền của nước này, cũng yêu cầu Nga xem xét soạn thảo một dự luật có thể đồng ý sáp nhập khu vực này.

Những động thái khó hiểu của chính quyền Kiev, Mỹ và đồng minh

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, một số quận ở thủ phủ Simferopol của Crimea đã bị cắt điện vào tối 23/3. Theo Phó Thủ tướng thứ nhất Cộng hòa Crimea, ông Rustam Temirgaliev, công ty cung cấp điện Ukrenergo của Ukraine đã giảm 1/2 lượng điện cung cấp theo kế hoạch cho bán đảo ở Biển Đen này. Theo lời giải thích từ phía Ukraine, lịch cắt điện diễn ra tại Crimea chỉ đơn giản là do sự cố tại các đường dây chuyển tải điện của Ukrenergo. Ông R. Temirgaliev bày tỏ: “Hiện gần 30% Crimea bị cắt điện. Song đây chưa phải là giới hạn. Nếu khối lượng cắt điện là 50%, tình hình sẽ phức tạp hơn”.

Tuy nhiên, ông R. Temirgaliev nhấn mạnh, Crimea đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó với những bước đi như vậy của Kiev. Crimea đã bố trí khoảng 900 đơn vị phát điện động cơ diesel trên khắp bán đảo. Một phần trong số đó đã được đưa vào sử dụng để đảm bảo điện cho các bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ quan chính quyền; vận hành các trạm bơm để có thể duy trì nguồn cung cấp nước ổn định”.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Canada Stephen Harper ngày 22/3, Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleksander Turchinov khẳng định, Kiev cần đến sự hỗ trợ không chỉ về mặt tinh thần, mà còn về kỹ thuật-quân sự thực tế từ các đối tác chiến lược của mình và các quốc gia khác, đồng thời đề nghị các nước này dành cho Ukraine giúp đỡ trong tình hình khó khăn hiện nay của nước ông.

Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình ABC của Mỹ ngày 23/3, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cho biết, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa nước này với Nga đang ngày một gia tăng. Và Mỹ, bằng một động thái cổ súy, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Igor Tenyukh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, Lầu năm góc đang “tích cực xem xét yêu cầu viện trợ của Ukraine”.

Điều này cho thấy, chính quyền Obama đang thay đổi biện pháp ứng phó với Nga khi hàng loạt các áp lực ngoại giao, áp lực trừng phạt không làm lay chuyển quan niệm trước sau như một của Nga về tình hình Ukraine. Lãnh đạo một số nước phương Tây khác cũng đưa ra nhiều tuyên bố mang tính “đe dọa” đối với Nga.

Câu trả lời của Nga

Ngày 24/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Dmitry Medvedev, Chính phủ Nga đã tiến hành phiên họp đặc biệt để thảo luận các biện pháp cấp bách hỗ trợ kinh tế - xã hội cho Crimea và Sevastopol. Trước đó, ngay sau khi sáp nhập Crimea, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu Bộ Lao động và Bảo vệ xã hội Nga tăng lương hưu cho người dân Crimea bằng mức áp dụng ở Nga trong thời gian sớm nhất (ước tính, mức lương hưu sắp tới của người dân Crimea sẽ tăng gần gấp đôi).

Tổng thống Putin ngày 23/3 đã ký sắc lệnh yêu cầu các Bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan liên bang, bao gồm cả Thủ tướng Dmitry Medvedev trong thời hạn đến ngày 29/3 phải nhanh chóng thiết lập các tổ chức khu vực của chính quyền liên bang ở các chủ thể mới. Tổng thống Putin cũng chỉ thị xây dựng cầu Kerch theo hai phương án đường bộ và đường sắt nối trực tiếp miền Nam nước Nga với bán đảo Crimea

Hà Khổng
.
.
.