Rumaniaí: Những thách thức của tân Thủ tướng Victor Pontao

Chủ Nhật, 29/04/2012, 10:31
Tối 27/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Traian Basescu đã chỉ định Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cánh tả Victor Pontao làm tân Thủ tướng sau khi chính phủ trung hữu của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu sụp đổ bởi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 27/4.

"Tôi sẽ nhanh chóng trình danh sách thành viên nội các và chương trình của chính phủ, cũng như nỗ lực điều hành nội các mới cho tới khi bầu cử theo cách đem lại hy vọng cho người dân - tình hình đang đi đúng hướng", tuyên bố của Thủ tướng mới Victor Pontao khi bắt tay thành lập tân chính phủ.

Với tư cách là một trong những nghị sĩ trẻ nhất của Rumania (sinh 20/9/1972), từng giữ chức bộ trưởng 2 lần vào các năm 2004 và 2008, sau đó được bầu làm Chủ tịch PSD (năm 2010) cho dù mới gia nhập Đảng Dân chủ Xã hội khi còn là công tố viên (năm 2001), nhưng ông Victor Pontao, người tự cho mình là người cánh tả theo quan điểm cứng rắn, ngưỡng mộ lãnh tụ cách mạng Bolivia Che Guevara vẫn khiến dư luận hy vọng, sẽ tạo ra luồng gió mới khi đứng đầu nội các.

Cựu Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu (trái) và tân Thủ tướng Victor Pontao.

Giới truyền thông đưa tin, tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ theo đề nghị của phe đối lập, có 235/460 nghị sỹ bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, vượt số phiếu tối thiểu 231. Với kết quả này, chính phủ của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu đã phải ra đi cho dù mới được thành lập 2 tháng và điều này khiến Rumania rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới cũng như gây ra những nghi ngờ xung quanh chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ.

Ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, Tổng thống Traian Basescu đã mời lãnh đạo các đảng chính trị tới tham vấn và chính phủ mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn bởi nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2012. Khi đó, ông Victor Pontao, một trong hai thủ lĩnh của đảng Liên minh Xã hội-Tự do đã tuyên bố: Nếu Tổng thống Traian Basescu chỉ định làm thủ tướng, tôi sẽ chấp nhận. "Một chính phủ mới tốt hơn sẽ lên nắm quyền", nghị sỹ đối lập Dan Rusanu phát biểu sau cuộc bỏ phiếu hôm 27/4. Tổng thống Traian Basescu khẳng định, việc chính phủ của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu sụp đổ không phải là lý do gây hoảng loạn trên thị trường tài chính.

Theo thống kê, Rumania là quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Để tránh nguy cơ vỡ nợ, chính phủ buộc phải thắt chặt chi tiêu và tiến hành cải cách để nhận được 20 tỷ Euro trợ giúp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU, nhưng kinh tế Rumania vẫn gần như rơi vào suy thoái.

Hơn nữa, các biện pháp kinh tế khắc khổ đang bị người dân phản đối mạnh mẽ và kế hoạch tư nhân hóa được coi là ngòi nổ khiến uy tín của đảng Dân chủ-Tự do (DLP) cầm quyền giảm sút và đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ do Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu đứng đầu. Ngoài ra, chính quyền của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu còn bị cáo buộc thiếu minh bạch trong việc bán các tài sản quốc gia và phê chuẩn phân bổ tiền cho các giới chức địa phương.

Hơn 3 tháng trước (14/1), hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bucharest và nhiều thành phố khác nhằm phản đối dự luật cải cách y tế cũng như các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ áp dụng. Các cuộc biểu tình nổ ra để ủng hộ Thứ trưởng Y tế Raed Arafat, người từ chức sau khi lên tiếng chỉ trích dự luật cải cách y tế mà chính phủ đưa ra. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại Rumania kể từ khi Tổng thống Traian Basescu lên nắm quyền năm 2004. Tuy nhiên, sau khi được Quốc hội chấp thuận (với 237 phiếu thuận và 2 phiếu chống hôm 9/2), chính phủ của Thủ tướng Mihai Razvan Ungureanu đã không đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.

Nhiều người nói rằng, tuy trở thành Thủ tướng với tấm bằng Thạc sĩ của trường Đại học Oxford, Giáo sư lịch sử tại trường Đại học Bucharest, là Ngoại trưởng (2004-2007) và Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia (từ tháng 12/2007), nhưng ông Mihai Razvan Ungureanu thực sự khiến Tổng thống Traian Basescu thất vọng. 

Ngày 30/1/2012, Tòa án tối cao đã tuyên phạt cựu Thủ tướng Adrian Nastase mức án 2 năm tù vì tội gây quỹ bất hợp pháp cho một chiến dịch tranh cử Tổng thống. Đây là lần đầu tiên một cựu Thủ tướng bị phạt tù kể từ năm 1989, sau khi thể chế chính trị ở Rumania thay đổi. Ông Adrian Nastase giữ chức Thủ tướng 4 năm (2000-2004) khẳng định, mình vô tội và coi phiên tòa mang động cơ chính trị và đã kháng cáo.

Gần 1 năm trước (1/6/2011), Tổng thống Traian Basescu đã công bố dự luật sửa đổi Hiến pháp. Theo đó, hạn chế trách nhiệm của chính phủ đối với Quốc hội, cũng như thay đổi quy trình bổ nhiệm và thông qua thành phần chính phủ cùng cải cách hệ thống tư pháp. Khi đó, Chính phủ Rumania cũng đã quyết định từ bỏ mục tiêu gia nhập khu vực Eurozone vào tháng 1/2015. Được biết, nhiều quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Traian Basescu và Thống đốc Ngân hàng Trung ương quốc gia Mugur Isarescu, từng đề xuất hoãn kế hoạch gia nhập khu vực Eurozone.

Lê Trịnh-Trọng Hậu
.
.
.