Rồng lửa Việt Nam lần đầu bay lên trời đánh thắng không lực Hoa Kỳ

Thứ Hai, 22/07/2013, 13:49
Đại tá, cựu chiến binh Xôviết Vlađislav Mikhailovich Konstantinov, nguyên Thượng úy, sỹ quan điều khiển tên lửa trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam giúp Quân đội ta trong việc đào tạo Bộ đội Tên lửa phòng không và trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc nước ta do không quân Mỹ gây ra.

Những năm tháng ở Việt Nam đã để lại cho Đại tá Konstantinov những kỷ niệm khó quên, đặc biệt là những kỷ niệm về trận đánh ngày 24/7/1965 - trận ra quân đầu tiên của Bộ đội Tên lửa Việt Nam đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Hồi ức của Đại tá như một tư liệu nói về thời kỳ đầu xây dựng đơn vị Tên lửa phòng không của Quân đội ta, mà những tư liệu đó nhiều người trong số chúng ta chưa được biết. Nhân dịp 48 năm ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam (24/7/1965 - 24/7/2013), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đầu năm 1965, một số sĩ quan, binh sĩ Bộ đội Tên lửa phòng không Liên Xô được triệu tập về một căn cứ thuộc Quân đoàn Phòng không độc lập số 4 ở thành phố Sverlov. Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, những người được triệu tập về đây đều phải trải qua các cuộc phỏng vấn và kiểm tra thực hành trên khí tài tên lửa SA-75. Mục đích, nhiệm vụ và địa bàn của chuyến công tác vẫn chưa được tiết lộ. Đầu tháng 2-1965, Hội đồng Quốc phòng Liên Xô thông báo cho biết mục đích, nhiệm vụ và địa bàn mà họ được cử đến công tác là Việt Nam.

Sĩ quan điều khiển Konstantinov được cử vào đoàn tiếp nhận khí tài tên lửa để đem sang Việt Nam do Thiếu tá, Tổng công trình sư Nikolai Alekseevich Meshkov làm trưởng đoàn và bao gồm những sĩ quan thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật vô tuyến điện, Kỹ thuật xác định tọa độ, Kỹ thuật hệ lập lệnh, Kỹ thuật hệ phát lệnh, Kỹ thuật xe thu - phát.

Đoàn tiếp nhận khí tài được cử đến một  “kho” ở ngoại ô TP Bacu - thủ phủ Cộng hòa XHCN Azerbaizan – để nhận bộ khí tài tên lửa SA-75 (CA-75). Đây là bộ khí tài dùng cho huấn luyện và gồm có 6 xe. Đoàn tiếp nhận khí tài cùng với các sĩ quan chuyên môn từng lĩnh vực của “kho” tiến hành lắp ráp, kiểm tra các thông số của bộ khí tài SA-75, sau đó xếp chúng lên các toa tàu hỏa để đưa đến trường bắn Kapustin Yar để bắn đạn thật.

Tại trường bắn, bộ khí tài SA-75 lại được kiểm tra một lần nữa. Bộ Quốc phòng Liên Xô cũng cử đại diện tới dự kiểm tra bắn đạn thật bằng bộ khí tài này. Cả 2 quả đạn được phóng lên đều tiêu diệt được mục tiêu và cuối cùng, bộ khí tài SA-75 đã được chính thức bàn giao cho đoàn của Thiếu tá, Tổng công trình sư Nikolai Alekseevich Meshkov.

Đoàn tàu đặc biệt hướng về Bắc Zabaikan, qua biên giới Xô-Trung vào Trung quốc và đầu tháng 4/1965 đoàn tàu đến biên giới  Trung-Việt. Tại đây, khí tài được chuyển sang các toa tàu Việt Nam và ngày 16/4/1965, đoàn tàu đặc biệt này đã đến Hà Nội.

Thượng tuần tháng 7/1965, Đại tá, Trưởng Trung tâm huấn luyện Xưgankov  đã triệu tập tất cả các sĩ quan Xôviết và thông báo về việc lãnh đạo Trung tâm huấn luyện đã cùng với Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân QĐND Việt Nam quyết định chuẩn bị 2 tiểu đoàn tên lửa ra quân chiến đấu.

Các chuyên gia Liên Xô thuộc Tiểu đoàn 63 trước giờ hành quân ngày 22/7/1965. Người đứng giữa, không đội mũ là Trung tá Tiểu đoàn trưởng Mozaev.

Đồng chí Đại tá Konstantinov nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, mà khó khăn chủ yếu là bộ khí tài SA-75 sẽ đem đi chiến đấu lại là bộ khí tài đã dùng nhiều năm cho huấn luyện, nhiều thông số kỹ thuật đã khác xa với tiêu chuẩn quy định, số lượng phụ tùng thay thế đem theo sang Việt Nam chỉ còn lại rất ít, số phụ tùng mới để thay thế chưa được chuyển từ Liên Xô sang Việt Nam. Tuy thế, quyết định của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân và Trung tâm huấn luyện vẫn được thực hiện. Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 được chọn là đơn vị ra quân trận đầu và được trang bị bộ khí tài SA-75 nói trên. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Trung tâm huấn luyện đều tập trung  vào việc chuẩn bị khí tài đem đi chiến đấu. Nhiệm vụ quả là khó khăn.

Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, nếu tiến hành những công việc kiểm ra và điều chỉnh tham số như thế này ở Liên Xô, thì đều phải tiến hành trong các xưởng chuyên dụng hoặc có sự hỗ trợ của nhà máy. Song ở Việt Nam, không chỉ chưa có các điều kiện nói trên mà số phụ tùng cần để thay thế cũng không đủ... Tuy khó khăn như thế, song với tinh thần “quyết tâm đánh thắng trận đầu”, các chuyên gia quân sự Liên Xô cùng với các học viên của Trung tâm huấn luyện đã làm việc không kể ngày đêm, nên chưa đầy một tuần lễ, bộ khí tài đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Những ngày đầu hạ tuần tháng 7/1965, hai tiểu đoàn hỏa lực thuộc Trung đoàn Tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam đã sẵn sàng hành quân ra trận địa. Trung tá Boris Stepanovich Mozaev và đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Thân là đồng chỉ huy Tiểu đoàn 63, Trung tá Pheđor Pavlovich Ilinưkh và đồng chí Đại úy Nguyễn Văn Ninh là đồng chỉ huy Tiểu đoàn 64.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô chỉ huy các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 63 gồm có: Đại úy Valentin Sergeevich Brusnikin, Đại đội trưởng kỹ thuật; Đại úy Eđuarđ Ivanovich Voronin, Đại đội trưởng Đại đội bệ phóng tên lửa; Thượng úy Yuri Solomatin, Đại đội phó Đại đội bệ phóng tên lửa; chiến sĩ Valentin Pusvoitov, kỹ thuật viên xe nguồn điện PMA; chiến sĩ Kremok, trắc thủ xe nguồn điện PMA; Thượng úy Vlađimir Shelestov, kỹ thuật viên hệ xác định tọa độ; Thượng úy Boris Ivanovich Kolesnik, kỹ thuật viên hệ lập lệnh; Thượng úy Valentin Tođorasko, kỹ thuật viên hệ phát lệnh  RPK; chiến sĩ Kobưnko, trắc thủ RPK; Thượng úy Vlađislav Mikhailovich Konstantinov, kỹ thuật viên xe chỉ huy, sĩ quan điều khiển. Các trắc thủ bám sát bằng tay (PC), gồm có: Binh nhất Yuri Papusov; Hạ sĩ Anatolyi Bonđarenko; Binh nhất Vlađimir Tisenko; trắc thủ trạm ra đa nhìn vòng (Rađa trinh sát và chỉ thị mục tiêu) – binh nhất Viktor Kubusev, Tiêu đồ viên – Musưkhin.

Ở Tiểu đoàn 64, Đại úy Ruđolph Nikolaevich Ivanov là Đại đội trưởng Đại đội kỹ thuật; Thượng úy Oleg Bonđarev là sĩ quan điều khiển.

Đại tá Xưgankov ở trên chỉ huy sở của Trung đoàn.

Suốt đêm 22, ngày 23 và đêm 23/7/1965, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Hành quân ban đêm là ưu việt nhất. Rạng sáng 24/7, đơn vị đã chiếm lĩnh được trận địa. Đây là một địa hình không hoàn toàn bằng phẳng. Các xe đều được bố trí một cách lộ liễu. Chỉ triển khai 3 trong số 6 bệ phóng. Tiểu đoàn 64 triển khai cách trận địa Tiểu đoàn 63 khoảng 10-15km..

Lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn cho mở máy và vừa mới phát tín hiệu đã thấy trên màn hình có nhiều mục tiêu. Lúc đầu rất khó định hướng trong từng tình huống. Khi các mục tiêu đã bay vào vùng phóng, nhưng điều kiện bắn lại không thuận lợi. Toàn đơn vị hạ quyết tâm không có quyền bắn trượt, đã bắn phải bắn trúng… Tình hình trong xe rất ngột ngạt và nóng, nhất là số lượng người trong xe lại tăng gấp đôi do có cả Liên Xô và Việt Nam. Vì vậy buộc phải tắt máy một số lần để khắc phục tình trạng trên. Thế là buổi sáng 24/7 đã trôi qua. Đại tá Xưgankov đến thăm đơn vị. Ông hỏi thăm tình hình và tinh thần của cấp dưới, động viên cán bộ chiến sĩ và trở về chỉ huy sở Trung đoàn.

14h20 có lệnh mở máy, và chỉ sau vài phút, kíp chiến đấu đã phát hiện một chấm lớn gồm 2 vạch nhỏ. Sau khi đạn đã nổ, những người trong buồng máy mới hiểu mỗi vạch nhỏ là 2 máy bay “con ma”, chúng bay sát nhau từng đôi một, chẳng khác nào đi diễu hành trong cuộc duyệt binh. Không còn nghi ngờ khi nó lặp lại ở các giây tiếp theo.

Lúc 14h25, Thượng úy sỹ quan điều khiển Konstantinov ấn nút “phóng” 2 quả cách nhau 15 giây. Tên lửa thứ nhất trúng mục tiêu đi đầu. Tốp mục tiêu bắt đầu tách ra. Trắc thủ góc tà (trắc thủ PC) Yuri Papushov báo cáo mục tiêu đang giảm góc tà. Thực tế quả đạn thứ 2 đã bắn trúng mục tiêu thứ 2. Qua hệ thống loa truyền thanh, sĩ quan điều khiển Konstantinov báo cáo Trung tá Tiểu đoàn trưởng Mozaev và toàn thể cán bộ chiến sĩ trong Tiểu đoàn là mục tiêu đã bị bắn rơi. Trên màn hình của mình, kíp chiến đấu cũng quan sát được các đồng chí ở Tiểu đoàn 64 cũng đã phóng tên lửa như thế nào. Họ đã hạ gục chiếc F-4C (con ma) thứ 3 của địch. Như vậy, kíp chiến đấu của 2 tiểu đoàn đã hạ gục 3 trong tốp 4 máy bay “con ma” bay vào vùng trời phía Tây Hà Nội. Hai phi công Mỹ bị bắt sống và trở thành bằng chứng phạm tội của Hoa Kỳ

(Còn nữa)
Ninh Công Khoát (Dịch và tổng hợp)
.
.
.