Rồng lửa Việt Nam lần đầu bay lên trời đánh thắng không lực Hoa Kỳ (2)

Thứ Ba, 23/07/2013, 18:25
Là một sĩ quan điều khiển tên lửa trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam giúp Quân đội ta trong việc đào tạo Bộ đội Tên lửa phòng không và trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận đầu ra quân của bộ đội tên lửa ngày 24/7/1965; khi trở về nước, Thượng úy sĩ quan điều khiển Konstantinov được vào học tại Học viện Chỉ huy phòng không mang tên Zukov. >> Rồng lửa Việt Nam lần đầu bay lên trời đánh thắng không lực Hoa Kỳ

Năm 1972 tốt nghiệp Học viện, được đề bạt làm Tham mưu trưởng tiểu đoàn, rồi Tiểu đoàn trưởng, Trưởng khoa Học viện Zukov. Ông được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao đỏ, Huy hiệu danh dự, 12 Huy chương các loại của Liên Xô và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. Ông nghỉ hưu năm 1990 ở tuổi 52 với cấp hàm Đại tá. Những dòng hồi ức của ông về những năm tháng ở Việt Nam không chỉ có khói lửa chiến tranh mà còn mang đậm tình cảm của những người đồng chí…

Theo lời kể của Đại tá Konstantinov: Sau trận đánh ngày 24/7, chúng tôi được giao nhiệm vụ triển khai trận địa ở ngoại thành Hà Nội. Thời kỳ này không quân Mỹ không bay vào Hà Nội, chúng sợ tên lửa Liên Xô. Tuy thế, Hà Nội vẫn thường xuyên có báo động phòng không và chúng tôi vẫn mở máy vào cấp I. Chúng tôi ở ngoại thành Hà Nội gần 10 ngày. Trong thời gian này chúng tôi bảo dưỡng máy và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ mới.

Trong thời gian này, một sự kiện vô cùng trọng đại và đáng ghi nhớ đã đến với chúng tôi, đó là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đến thăm chúng tôi tại trận địa: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn và Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp tác chiến giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô và các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị lấy ngày 24 tháng 7 là ngày truyền thống của Bộ đội Tên lửa phòng không Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cũng trong thời gian này, các tiểu đoàn 61 và 62 thuộc Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 cũng được ra quân chiến đấu.

Đầu tháng 8/1965, Tiểu đoàn 63 nhận nhiệm vụ mới. Hành quân về hướng nam Hà Nội và triển khai trận địa ở một vùng thuộc phía nam tỉnh Ninh Bình. Khi gặp chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình nói với chúng tôi rằng, máy bay Mỹ bay vào Ninh Bình chưa bị trừng phạt. Ninh Bình rất phấn khởi khi Bộ đội Tên lửa đến quê hương.

Đoàn đại biểu cao cấp của Đảng và Nhà nước Liên Xô cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam chụp ảnh với các chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Tên lửa phòng không 236 và 238 (tháng 1/1966).

Ngay những phút đầu tiên mở máy, chúng tôi đã phát hiện thấy mục tiêu địch. Tiểu đoàn trưởng quyết định bắn ngay mục tiêu đầu tiên bay vào vùng phóng đạn. Tiểu đoàn phóng 5 quả đạn: 3 quả vào nhóm mục tiêu thứ nhất, còn 2 quả vào nhóm mục tiêu thứ 2. Hai lần phóng cách nhau với khoảng thời gian ít nhất. Quả đạn thứ 6 là quả đạn dự bị. Cả hai lần phóng đều đạt hiệu quả cao. 2 máy bay A-6 Đ đã bị hạ gục và 2 phi công Mỹ bị bắt làm tù binh. Khi bị hỏi cung, chúng khai rằng, theo số liệu trinh thám của chúng thì vùng Ninh Bình và Thanh Hoá chưa có tên lửa phòng không của Liên Xô. Chúng thản nhiên và ngạo mạn bay vào vùng trời Thanh Hoá, Ninh Bình.

Chiến thuật mai phục tên lửa của các bạn Việt Nam đã đem lại hiệu quả khôn lường. Sau trận đánh, chúng tôi nhanh chóng thu hồi khí tài và ẩn nấp dưới những hàng cây. Ngay tối hôm đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tổ chức bữa cơm thân mật chúc mừng chiến thắng oanh liệt của Tiểu đoàn 63. Các bạn Việt Nam rất vui mừng khi nhân dân địa phương tận mắt nhìn thấy tên lửa bay lên trời và máy bay Mỹ bị bốc cháy. Trong trận đánh này, các bạn đồng nghiệp Việt Nam đã ngồi vào vị trí chiến đấu, tự thao tác và điều khiển, coi như các bạn Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc bài thi tốt nghiệp.

Chúng tôi được lệnh hành quân trở ra Hà Nội. Mùa thu năm 1965, phần lớn chúng tôi được chuyển sang trung đoàn mới được thành lập (Trung đoàn 238). Số ít trong chúng tôi ở lại Trung đoàn 236 dưới sự chỉ huy của Thiếu tá, Tổng công trình sư Meshkov với nhiệm vụ giúp các bạn Việt Nam trong những tình huống có hỏng hóc hoặc những sai số nào đó.

Ở Trung đoàn 238, chúng tôi cũng dạy các bạn Việt Nam trong thời gian 3 tháng theo chương trình và phương pháp như đã dạy ở trung đoàn đầu tiên (236).

Tháng 12/1965, một trong các tiểu đoàn của Trung đoàn 238 đã triển khai trận địa ở ngoại thành Hà Nội. Tiểu đoàn của chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và thực hiện chiến thuật mai phục, nên suốt cả tháng 1 và đầu tháng 2 năm 1966, chúng tôi luôn luôn thay đổi trận địa.

Trong thời gian này, một sự kiện vô cùng trọng đại và đáng ghi nhớ lại đến với chúng tôi. Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng - Chính phủ Liên Xô do đồng chí Shelepin, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam và đã đến thăm chúng tôi tại trận địa.

Các đồng chí trong Đoàn đã nhiệt liệt chúc mừng và đánh giá cao sức chiến đấu của các chuyên gia quân sự Liên Xô và các cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng chí Shelepin thay mặt Đảng và Chính phủ Liên Xô trao cho chúng tôi Huân chương, Huy chương mà chúng tôi đã được Chủ tịch đoàn Xôviết Tối cao Liên Xô ký quyết định tặng nhân dịp đầu Năm mới 1966.

Cũng cần phải đánh giá đúng về địch, Đại tá Konstantinov nhận xét, tới thời điểm đầu năm 1966, không quân Mỹ đã thay đổi chiến thuật và tìm ra những mặt yếu của Tên lửa Liên Xô: Địch sử dụng các loại nhiễu hòng làm tê liệt hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu. Chúng đang bay ở độ cao đột ngột chuyển sang bay ở độ thấp. Số lần đánh vào trận địa tên lửa đã tăng lên, gây tổn thất cho chúng ta. Một đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô là Vitaly Smirnov, Khẩu đội trưởng bệ phóng tên lửa Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238 đã bị thương nặng khi đang làm nhiệm vụ sửa chữa thiết bị ngoài trận địa và hy sinh trong Quân y viện 108.

Cuối tháng 2/1966, Tiểu đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ TP Hải Phòng. Theo lời kể của Đại tá, đơn vị luôn cơ động dọc theo bờ biển của vịnh Bắc Bộ. Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, luôn luôn có sương mù bao phủ kín vùng vịnh Bắc Bộ. Sương mù cũng là phương tiện ngụy trang rất tự nhiên và có hiệu quả cho chúng tôi.

Một hôm, mặc dù các trạm đã tắt máy, song chúng tôi nghe rất rõ tiếng động cơ của máy bay địch. Tất cả chúng tôi lao vào các xe ca bin của mình và mở máy, nhìn rất rõ trên màn hình một số nhóm mục tiêu. Rõ ràng là chúng đi ném bom. Chúng tôi kịp bám sát mục tiêu và phóng 2 quả tên lửa. Mục tiêu đã bị tiêu diệt và rơi xuống biển. Đây là tình huống lần đầu tiên các bạn Việt Nam gặp phải. Trên biển chưa có trạm quan sát bằng mắt nên khi có nhiều mây mù, không phát hiện được mục tiêu. Còn đối với chúng tôi đây không phải là trường hợp bất ngờ, Đại tá Konstantinov nhấn mạnh. Đây cũng là bài học cho các học viên Việt Nam mà trong chương trình huấn luyện chưa đề cập đến.

Đầu tháng 5/1966, phần lớn các thành viên trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên sang Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và lên đường về nước. Theo lời kể của Đại tá Konstantinov, đồng chí Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân tới dự buổi chia tay và tặng các đồng chí trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô Huy chương Hữu nghị của Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các loại Huy hiệu của Quân chủng Phòng không - Không quân và nhiều quà kỷ niệm. Các bạn đồng nghiệp Việt Nam đã tiễn những người thầy, người đồng chí của mình với tình cảm rất lưu luyến và kính trọng

Ninh Công Khoát (dịch và biên tập)
.
.
.