Rạn nứt quan hệ đồng minh, Mỹ - EU đứng trước nguy cơ “chiến tranh thương mại”
- Chuyến công du “xốc lại” quan hệ đồng minh
- Mỹ, EU và NATO củng cố quan hệ đồng minh
- Quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu sứt mẻ
Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố nêu trên của Mỹ phản ánh sự rạn nứt gia tăng trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU, đồng thời dấy lên hồi chuông về khả năng leo thang căng thẳng thương mại giữa hai đối tác xuyên Đại Tây Dương này.
CNBC ngày 3-7 (giờ Việt Nam) đưa tin, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố 89 mặt hàng có xuất xứ từ EU trị giá 4 tỷ USD, trong đó bao gồm thịt, phomai, rượu whisky, quả oliu và trái cây... dự kiến sẽ phải chịu mức thuế cao hơn khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ thời gian tới.
Theo USTR, các mặt hàng nêu trên sẽ được thêm vào danh sách hàng hóa trị giá 21 tỷ USD của EU vốn bị Mỹ đưa vào diện xem xét đánh thuế từ hồi tháng 4. Hiện chưa rõ thời điểm và mức thuế cụ thể được áp lên hàng hóa khối này, song phiên điều trần công khai về vấn đề trên sẽ được tiến hành vào ngày 5-8.
Mỹ cảnh báo áp thuế bổ sung hàng tỷ USD với các mặt hàng nhập khẩu từ EU. Nguồn: think.ing |
Theo CNN, việc cảnh báo áp thuế thêm nhiều hàng hóa châu Âu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí khôi phục đàm phán về một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước.
Động thái mới của Chính phủ Mỹ được cho là nhằm trả đũa EU, liên quan đến những tranh cãi giữa hai bên về việc trợ cấp cho hai tập đoàn sản xuất máy bay Boeing và Airbus kể từ năm 2004. USTR từng cáo buộc, EU trợ cấp cho Airbus khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại tới gần 11 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó khối này thì cho rằng Chính phủ Mỹ đã viện trợ ngầm cho Boeing bằng tài chính và sức ép ngoại giao nhằm giúp Boeing có được những hợp đồng lớn ở nước ngoài.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã kết luận rằng, hoạt động trợ cấp của EU đối với Airbus vi phạm nguyên tắc thương mại quốc tế. Dự kiến, trong mùa hè này, WTO sẽ quyết định Mỹ có thể áp dụng biện pháp tự vệ thương mại nào đối với EU để chống lại việc đồng minh châu Âu trợ cấp cho Airbus. "Bản danh sách cuối cùng sẽ tính đến báo cáo của trọng tài WTO về mức độ tự vệ mà WTO cho phép", USTR tuyên bố.
Về phía EU, vài giờ sau khi tuyên bố của Mỹ phát đi, khối này cho biết sẵn sàng đối thoại với Mỹ để giải quyết bất đồng trong việc trợ cấp cho các tập đoàn máy bay nhưng cũng sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ nếu WTO đưa ra phán quyết về việc Mỹ công bố danh sách mặt hàng của EU bị áp thuế bổ sung.
CNBC dẫn lời ông Ricardo Garcia, chuyên gia kinh tế trưởng của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ UBS cho hay, với mức thặng dư thương mại gần 160 tỷ USD trong giao thương với Mỹ năm 2018 (tăng hơn 22 tỉ so với năm 2017), EU chắc chắn là đối tác mà ông Trump sẽ nhắm tới để tái khẳng định khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết".
Hiện tại, Mỹ ở vị thế khá tốt so với châu Âu để có thể mở mặt trận thương chiến Mỹ – EU. Kinh tế Mỹ vẫn đang duy trì đà tăng trưởng, trong khi kinh tế EU đang ở bờ vực suy thoái. Đầu tàu kinh tế Đức được dự báo tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 1% và một nền kinh tế lớn khác như Italia thì gần như không tăng trưởng. Nhiều nhà kinh tế còn dự đoán kinh tế Đức sẽ đi vào suy thoái vào quý IV-2019. Theo Forbes, Airbus hay thép châu Âu mới là phần nổi của tảng băng. Phầm chìm bên dưới lớn hơn nhiều có thể là xe hơi, hóa chất, dược phẩm, nông sản. Theo số liệu của Eurostat, xe hơi, dược phẩm là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của EU sang Mỹ.
Một số chuyên gia đặt ra kịch bản rằng, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - EU nổ ra, Washington sẽ bắt đầu từ nông sản, bởi đây là lĩnh vực kinh tế trọng yếu mà ông Trump cần bảo vệ để thu hút cử tri ủng hộ cho cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ tới. Nói cách khác, "giáng đòn" với nông sản đầu tiên - ngạch xuất nhập khẩu có giá trị vừa phải, được coi là một bước thăm dò trước khi lan ra các mặt hàng chủ lực tiếp theo.
Tháng 7-2018, chính quyền của Tổng thống Trump từng áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU. EU hồi tháng 2 vừa qua cũng trả đũa bằng cách áp đặt các giới hạn đối với nhập khẩu thép từ Mỹ.
Trong một tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng có những lời lẽ “đặc biệt nghiêm trọng” về việc cần phải chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất”, đó là EU và Mỹ “cắt đứt hoàn toàn” quan hệ liên minh lâu đời nếu hai bên không thể thỏa hiệp trong vấn đề thương mại.