Mỹ - Nhật - Hàn thảo luận ba bên về hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên:

Răn đe, gây áp lực hay đối thoại

Thứ Năm, 28/05/2015, 08:07
Ngày 27/5, các đặc phái viên về hạt nhân của 3 nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu hội đàm tại thủ đô Seoul để thảo luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trong khuôn khổ vòng đối thoại, các bên không những chia sẻ đánh giá về diễn biến gần đây, mà còn tìm kiếm các cách thức mới để mang lại tiến triển quan trọng cho các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân.
Theo tin từ hãng Yonhap , tham gia cuộc họp lần này là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Hwang Joon-kook, đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim và Vụ trưởng Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara. Trong hai ngày làm việc, đại diện Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ chia sẻ những đánh giá về những diễn biến gần đây, cũng như những mối đe dọa xuất phát từ CHDCND Triều Tiên.

Bên cạnh đó, các quan chức ngoại giao này cũng sẽ tiến hành các vòng đàm phán sâu rộng nhằm tìm kiếm các cách thức khác nhau, giúp mang lại tiến triển quan trọng trong giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên ở mọi cấp độ, từ răn đe, gây áp lực hay đối thoại.

Và vì đây là vòng thảo luận đầu tiên giữa trưởng đoàn đàm phán của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản sau cuộc gặp tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) hồi tháng 1 nên nó thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo dư luận quốc tế, nhất là trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa có những tuyên bố về việc phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tàu ngầm, có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Vụ trưởng Vụ Châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Junichi Ihara, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Hwang Joon-kook và đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim (từ trái sang phải) trong cuộc họp tại Seoul ngày 27/5.   Ảnh: EPA

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Hwang Joon-kook bày tỏ hy vọng đây sẽ là cuộc đàm phán mang tính xây dựng về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và các vấn đề khác liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc cho biết, 3 nước sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau, cũng như với Trung Quốc và Nga – 2 nước tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, để đối phó với các mối đe dọa từ phía Bình Nhưỡng và đạt được tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo kế hoạch, kết thúc cuộc họp ba bên tại Seoul lần này, ông Hwang Jun-kook và đặc phái viên Mỹ tại bán đảo Triều Tiên Sung Kim sẽ tới Trung Quốc ngày 28/7 để nhóm họp song phương với đại diện Bắc Kinh tại vòng đàm phán này là ông Vũ Đại Vĩ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, dựa trên những kết quả đạt được qua cuộc họp với Washington và Tokyo, Seoul sẽ thảo luận sâu sắc với Bắc Kinh trên các vấn đề như hạn chế khiêu khích của Bình Nhưỡng và nối lại đàm phán 6 bên.

Cuộc thảo luận của các đại diện cấp cao Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản diễn ra vào thời điểm tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn biến căng thẳng sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) và khẳng định, nước này có đủ khả năng chế tạo được đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa. Những tuyên bố trên của Bình Nhưỡng hiện đang vấp phải nhiều hoài nghi song vẫn gây nên nhiều quan ngại trong khu vực.

Nguồn tin từ hãng JoongAng Ilbo của Hàn Quốc ngày 27/5 còn cho hay, mới đây, CHDCND Triều Tiên đã phiên chế một tàu cao tốc mới có tên "Very Slender Vessel" (VSV) cho Bộ Chỉ huy Hạm đội Hoàng hải của nước này, động thái khiến quân đội Hàn Quốc phải tăng cường giám sát, đề phòng các hoạt động xâm nhập lãnh hải.

Tàu VSV có tính năng tàng hình, được trang bị súng 30mm và một quả ngư lôi có thể bắn với tốc độ 90km/h, đã xuất hiện gần đường ranh giới phía Bắc giữa hai miền, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Hải quân Hàn Quốc. Còn trên đất liền, quân đội Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên đang xây các cơ sở pháo trên đảo Gal, một hòn đảo không có người sinh sống nằm cách biên giới hai miền trên Hoàng Hải chỉ vài kilômét…

Hôm 26/5, Hàn Quốc đã gửi một bức thư lên Ủy ban phụ trách trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) để báo cáo về tình hình ở bán đảo, trong đó có việc CHDCND Triều Tiên mới đây phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Nếu được xác nhận, vụ CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công vụ thử SLBM hôm 9/5 sẽ là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó cấm CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, tại Mỹ, dựa vào những báo cáo mới nhất của cơ quan tình báo, Washington cũng đang xem xét các phương án phát triển mới hoặc cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa để đề phòng trường hợp bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nâng cấp, củng cố các hệ thống giám sát, nhận biết tên lửa từ bang Alaska (nằm ở cực Tây) đến bang Hawaii (nằm cực Nam) của nước này.

Sông Thương
.
.
.