Quốc tế đồng loạt quan ngại trước báo cáo của WHO về nguồn gốc COVID-19

Thứ Năm, 01/04/2021, 07:59
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã công bố một bản báo cáo về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo này lại chưa đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào về thời gian, địa điểm hay vật chủ truyền bệnh, mà chỉ đánh giá khả năng xảy ra của một số giả thuyết vốn gây tranh cãi. Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức phản ứng về kết quả mà WHO đưa ra.


Kêu gọi cam kết mới từ WHO

The Guardian ngày 31/3 đưa tin, sau khi WHO công bố bản báo cáo về nguồn gốc COVID-19, Mỹ và 13 nước khác đã ra tuyên bố chung chỉ trích kết quả điều tra của tổ chức này. Theo đó, tuyên bố chung của Mỹ, Australia, Canada, Czech, Đan Mạch, Estonia, Israel, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Na Uy, Hàn Quốc, Slovenia và Anh nêu rõ: "Chúng tôi phải bày tỏ mối quan ngại sâu sắc rằng báo cáo của chuyên gia quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 đã bị chậm trễ đáng kể và thiếu sự tiếp cận đối với các dữ liệu và mẫu phẩm đầy đủ, nguyên bản".

Tuyên bố chung cũng yêu cầu tiến hành thêm các nghiên cứu, điều tra để xác định cách thức virus lây truyền sang người, đồng thời kêu gọi cam kết mới từ WHO và các nước thành viên về khả năng tiếp cận, minh bạch và kịp thời. Việc xây dựng những quy chuẩn về điều tra sẽ giúp các nước phát hiện, chuẩn bị và ứng phó với những đại dịch trong tương lai.

WHO cam kết điều tra minh bạch và kỹ lưỡng về nguồn gốc COVID-19. Nguồn: newsmarket.

Liên minh châu Âu (EU) cũng chung quan điểm với tuyên bố của 14 nước nêu trên về việc WHO cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và con đường lây nhiễm sang người, dù cho rằng báo cáo này có thể coi là bước đi tích cực đầu tiên. Nguyên nhân dẫn tới những động thái "ngay lập tức" nêu trên là bởi báo cáo của WHO đã không đưa ra bất cứ kết luận chắc chắn nào về thời gian, địa điểm hay vật chủ truyền bệnh, mà chỉ xếp hạng khả năng xảy ra của 4 giả thuyết vốn gây tranh cãi.

Cụ thể, báo cáo dài 120 trang của WHO chỉ ra rằng, giả thuyết virus SARS-CoV-2 "nhiều khả năng" lây sang người từ một động vật trung gian, có thể là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, WHO chưa chỉ ra được đây là loài vật nào. Một giả thuyết khác được đánh giá "có khả năng" là virus lây truyền từ một loại động vật mang virus corona tương tự như dơi hay tê tê. Trong khi đó, giả thuyết virus lây lan qua thực phẩm đông lạnh được cho là "ít khả năng" và giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm "rất khó xảy ra".

Được biết, bản báo cáo là kết quả phối hợp giữa nhóm chuyên gia do WHO dẫn đầu và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của WHO phải thừa nhận rằng, họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị xuyên suốt quá trình điều tra. Nhưng những người này khẳng định họ không bao giờ bỏ qua "các yếu tố quan trọng".

Dominic Dwyer, chuyên gia Australia và là thành viên nhóm điều tra của WHO cho biết, Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Vũ Hán, bao gồm thông tin chi tiết về các các ca bệnh. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đưa ra bản báo cáo tóm tắt. Ngoài ra, theo The Guardian, sự chậm trễ trong việc công bố các phát hiện được cho là do vấn đề phối hợp và dịch thuật giữa WHO và các đối tác Trung Quốc.

Không bỏ qua bất kỳ giả thuyết nào

Về phía WHO, đáp lại những chỉ trích từ các nước cũng như dư luận quốc tế, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 31/3 nhấn mạnh rằng, báo cáo điều tra nguồn gốc COVID-19 mới công bố chưa phải là khẳng định cuối cùng, nhưng các chuyên gia đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết về đại dịch. Trưởng nhóm công tác WHO tới Vũ Hán, Tiến sỹ Ben Embarek cũng cho rằng các chuyên gia mới chỉ chạm đến bề mặt của sự việc và sẽ cần thêm rất nhiều nghiên cứu nữa.

Chuyên gia này lưu ý, thời điểm phát hiện các ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng 12/2019 thì những trường hợp này đều đã trở nặng. Vũ Hán là một trong những thành phố trung tâm của Trung Quốc với các tuyến đường bay thẳng tới hầu hết các nơi trên thế giới. Do đó, virus hoàn toàn có thể đã âm thầm di chuyển khắp thế giới từ trước đó vài tháng. Trong bối cảnh thế giới ghi nhận gần 129 triệu người nhiễm COVID-19 và hơn 2,8 triệu người tử vong, người đứng đầu WHO yêu cầu các chuyên gia phải điều tra sâu hơn, minh bạch và kỹ lưỡng hơn.

"Quan điểm của WHO là tất cả các giả thuyết vẫn để ngỏ. Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng chưa phải là cuối cùng. Chúng ta chưa tìm ra nguồn gốc virus, chúng ta phải tiếp tục dựa vào khoa học và không bỏ qua bất cứ giả thuyết nào", ông Tedros nói. Hơn nữa, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ gặp thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin.

Ở một diễn biến có liên quan, trong khi WHO còn đang "đau đầu" truy tìm nguồn gốc của COVID-19 thì nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng, nhân loại chỉ còn chưa đến 1 năm trước khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và các loại vaccine thế hệ đầu không còn tác dụng.

Giáo sư y khoa Devi Sridhar đến từ Đại học Edinburgh cho hay: "Virus càng lây lan thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các đột biến và biến thể, điều này có thể làm cho các loại vaccine hiện tại của chúng ta không còn hiệu quả. Đồng thời, các nước nghèo đang bị bỏ lại phía sau nếu không có vaccine và các nguồn cung cấp y tế cơ bản". Vì vậy, các chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi tất cả các tập đoàn dược phẩm đang sản xuất vaccine COVID-19 chia sẻ công khai công nghệ và tài sản trí tuệ của họ thông qua Tổ chức Tiếp cận Công nghệ COVID-19 thuộc WHO để tăng tốc sản xuất và phân phối vaccine.

Linh Đan
.
.
.