Quốc hội Iran chất vấn Tổng thống

Thứ Năm, 09/02/2012, 10:14
Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 8/2, các nhà lập pháp Iran đã tập hợp đủ số phiếu cho phép yêu cầu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad trả lời các câu hỏi chất vấn trong một buổi triệu tập. Tin hãng thông tấn Mehr, 79 nhà lập pháp đã ủng hộ việc chất vấn xung quanh các vấn đề về kinh tế-xã hội cũng như những động thái của Mỹ và phương Tây đối với Iran trong thời gian gần đây.

Hồi năm ngoái, Quốc hội Iran cũng từng có ý định mở cuộc chất vấn ông Mahmoud Ahmadinejad nhưng thất bại do có quá ít người ủng hộ trong khi quy định của pháp luật là phải có ít nhất ¼ thành viên Quốc hội đồng ý.

Dự kiến, cuộc chất vấn Tổng thống sẽ được tiến hành trong tháng 2 và ông Mahmoud Ahmadinejad sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên của Iran bị Quốc hội chất vấn kể từ năm 1979 đến nay. Phó Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Reza Bahonar cho biết, sở dĩ có cuộc chất vấn là vì các nhà lập pháp Iran không cảm thấy thoải mái, hài lòng với 10 câu trả lời của ông Mahmoud Ahmadinejad bằng văn bản được gửi tới họ trước đó. Những câu hỏi này từng được trang web Khabaronline đăng tải và nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang chịu nhiều sức ép từ trong nước và cả từ nước ngoài.

Cũng theo ông Mohammad Reza Bahonar, vấn đề mà người dân Iran cùng các nghị sĩ nước này quan tâm nhất hiện nay là tình hình kinh tế trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công, Mỹ thì bị thâm hụt ngân sách ở mức lớn... Tiếp đó là việc EU ra lệnh cấm vận nhập khẩu dầu mỏ của Iran và việc gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này của Mỹ và EU. Việc bổ nhiệm các vị trí trong nội các cũng được đề cập đến và có nghị sĩ còn yêu cầu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phải đưa ra tiêu chí rõ ràng cho việc lựa chọn cán bộ cấp cao.

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử và tiếp tục nhiệm kỳ II Tổng thống, ông Mahmoud Ahamdinejad đã vấp phải nhiều sự phản đối trong nước.

Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Iran cho hay, nhiều chính trị gia và cả người dân quốc gia Hồi giáo này đã cáo buộc ông Mahmoud Ahmadinejad sai lầm trong quản lý dẫn đến việc kinh tế Iran bị trì trệ và kém phát triển. Một số người còn khẳng định, những sai lầm của Tổng thống đã dẫn đến việc nước này liên tục đối mặt với những lệnh cấm vận mới của phương Tây. Ngay cả thủ lĩnh tinh thần Iran Ayatollah Khamenei cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính phủ và Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Bộ trưởng Tình báo Iran Heidar Moslehi gọi đây là thời kỳ khó khăn của Iran và cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3 sẽ rất nhạy cảm và phức tạp. Cựu cố vấn của Tổng thống Iran trong bài phát biểu trên tờ Người bảo vệ của Anh cũng nhận định rằng, việc ông Mahmoud Ahmadinejad bị Quốc hội chất vấn gây một áp lực lớn lên chính phủ và điều này cũng thể hiện sự rạn nứt sâu sắc trong nội bộ chính quyền Tehran. Và ông Mahmoud Ahmadinejad cùng một lúc phải đối mặt với hai sức ép từ bên trong và từ phương Tây.

Ngoài vấn đề kinh tế và đối ngoại, một số tờ báo của Iran còn thông tin rằng, câu hỏi xung quanh những cáo buộc từ phương Tây về việc Iran cung cấp vũ khí cho nhóm Hezbollah tại Lebanon, lực lượng chống đối ở Iraq và chính phủ Syria cũng sẽ được đưa ra nhất là khi thủ lĩnh phong trào Hồi giáo này đã thừa nhận rằng, phong trào này nhận tiền và trang bị vũ khí của Iran

Phan Hiển
.
.
.