Philippines yêu cầu Trung Quốc vạch rõ ranh giới trên Biển Đông

Thứ Sáu, 11/01/2013, 09:02
Vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông vừa được hâm nóng bởi những tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Tại cuộc họp báo ở Manila hôm 9/1, ông Albert del Rosario một lần nữa thúc giục Trung Quốc sớm vạch rõ ranh giới trên Biển Đông và khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ hàng hải với Nhật Bản trong bối cảnh cả hai nước cùng có tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển với Trung Quốc.
>> Tùy tiện vẽ ra, hư ảo và không có căn cứ pháp lý

Tin từ tờ Strait Times số ra ngày 10/1 cho hay, tại cuộc họp báo hôm 9/1 ở thủ đô Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, chính quyền Manila đã gửi công văn yêu cầu Trung Quốc giải thích hai việc có thể khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng trong năm 2013.

Một là quyết định cho phép công an biên phòng tỉnh Hải Nam được quyền kiểm soát, tịch thu tàu thuyền nước ngoài bị cho là thâm nhập trái phép vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đòi chủ quyền. Hai là quyết định triển khai một tàu tuần tra hạng nặng và tàu tác chiến hiện đại nhất xuống Biển Đông.

Theo tờ China Times, hôm 4/1, Trung Quốc đã đưa tàu chiến Liễu Châu 054A của hạm đội Nam Hải, hải quân Trung Quốc tới Biển Đông. Con tàu này đang được coi là tàu chiến mạnh nhất của Trung Quốc vì được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hàng đầu, trong đó phải kể đến hệ thống tên lửa phòng không tầm trung có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở khoảng cách tới 50km.

Trước đó 1 tuần, Trung Quốc cũng đã điều một tàu tuần tra đại dương lớn có trang bị bãi đáp trực thăng ra Biển Đông; tu sửa và chuyển giao 2 tàu khu trục cùng 9 tàu hải quân cũ vào hạm đội hải giám để tăng thêm sức mạnh, đồng thời tăng cường năng lực thực thi quy định mới từ ngày 1/1 về “chặn giữ, lục soát và trục xuất” tàu thuyền nước ngoài bị Bắc Kinh cho là “xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp” ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã trao đổi về những hợp tác an ninh biển giữa Manila-Tokyo với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc gặp ngày 10/1 tại thủ đô Manila. Ảnh: Reuters.

Đưa ra lập luận cụ thể nhằm phản đối quy định của Trung Quốc nhằm kiểm soát tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, đã nhiều lần, Bộ  Ngoại giao Trung Quốc khẳng định với Manila rằng chính quyền Bắc Kinh chỉ khẳng định chủ quyền của mình trong vùng biển ngoài khơi tỉnh cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, Trung Quốc lại tuyên bố: hầu như toàn bộ vùng Biển Đông thuộc thẩm quyền của đảo Hải Nam. Thậm chí, nước này còn đơn phương vẽ lại bản đồ ranh giới trên Biển Đông để trình lên Liên hợp quốc trong đó có xuất hiện đường chín đoạn, đưa toàn bộ Biển Đông vào tầm kiểm soát của nước này.

Và trong khi liên tục vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, Trung Quốc vẫn tiếp tục làm gia tăng căng thẳng bằng việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và cho phép chính quyền Hải Nam kiểm soát vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Quan điểm của ông Albert del Rosario là, những việc làm nói trên của Trung Quốc đã gây phương hại đến an ninh khu vực, tạo sự bất ổn trên vùng Biển Đông và đi ngược lại những quy định trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Ngoại trưởng Philippines cũng khẳng định rằng, chính quyền Manila yêu cầu Trung Quốc xác định giới hạn lãnh thổ trên Biển Đông là vì vấn đề này đã khiến tất cả mọi người đều bức xúc và quan ngại.

Ngày 10/1, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã gặp người đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida, nhấn mạnh "tăng cường đối thoại về chính sách và củng cố hợp tác trên biển và nhiều lĩnh vực khác". Philippines ủng hộ mạnh mẽ việc Nhật Bản tái vũ trang theo chủ nghĩa hòa bình, nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về quân sự. Thời gian tới, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines bằng một hợp đồng mua bán 10 tàu tuần tra mới.

Việt Nam chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông

Chiều 10/1, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc Trung Quốc và Đài Loan gần đây lên tiếng bày tỏ quan ngại cho rằng Luật Biển Việt Nam có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với các nước trong khu vực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Liên quan đến Luật Biển Việt Nam, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của Việt Nam. Việc Việt Nam thông qua Luật Biển là việc làm bình thường và cần thiết của một quốc gia ven biển có chủ quyền, thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Luật Biển Việt Nam khẳng định rõ chủ trương của Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và các thỏa thuận, cơ chế liên quan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực Biển Đông”.

Cũng tại cuộc họp báo, nói về việc Đài Loan tuyên bố tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ông Lương Thanh Nghị khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc phía Đài Loan có kế hoạch tiến hành thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh đảo Ba Bình là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan hủy bỏ ngay kế hoạch phi pháp nêu trên”.

Huyền Chi
.
.
.