Philippines và chiến dịch 'lột trần đường chín đoạn'

Thứ Năm, 23/07/2015, 09:32
Không những từ chối đề nghị đàm phán song phương của Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông, song song với việc kiên quyết theo đuổi vụ kiện tại tòa án trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA), Philippines còn đang tiến hành một chiến dịch mới nhằm “lột trần đường chín đoạn” bằng các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, bằng sự lôi kéo dư luận quốc tế và cả việc trang bị những vũ khí và thiết bị cần thiết cho việc tuần tra trên Biển Đông.

Những nước cờ mới

Theo tin từ mạng Inquirernet của Philippines, từ trưa 24/7, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp trên Biển Đông sẽ được tổ chức trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc trên đại lộ Sen.Gil Puyat ở thành phố Makati thuộc vùng đô thị Manila của Philippines. Tham gia các cuộc biểu tình này không chỉ có thành viên các nhóm cấp tiến, mà còn có cả sinh viên, giảng viên đại học, doanh nhân và các cựu nghị sĩ trên toàn Philippines. Các cuộc biểu tình này được coi là lời đáp của chính quyền Manila đối với sức ép đòi đàm phán của Trung Quốc. 

Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Heminio Coloma đã bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc đề nghị Manila hủy vụ kiện “đường chín đoạn” ở PCA và khẳng định, một khi đã đưa vụ việc ra tòa án này, Philippines nhất quyết theo đuổi đến cùng. Ông Heminio Coloma cho biết thêm, Philippines dứt khoát tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm một giải pháp dựa trên luật lệ cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Một quan chức cấp cao của Philippines cho biết, chiến dịch “lột trần đường chín đoạn” được thực hiện sau 2 phiên điều trần của nước này trước PCA tại The Hague (Hà Lan), nhằm giúp dư luận quốc tế hiểu rõ hơn bản chất của yêu sách phi lý ở Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra. 

Philippines nhấn mạnh, việc Trung Quốc tự vạch “đường chín đoạn”, đồng thời thực thi các yêu sách về biển theo “đường chín đoạn” là trái với Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), là vô giá trị. 

Trung tuần tháng 7, phái đoàn đại diện của Philippines đã có 2 phiên điều trần tại PCA ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: PCA.

Đồng thời, các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng chỉ đem lại cho nước này tối đa lãnh hải 12 hải lý, chứ không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa. 

Luật sư Paul Reichler đại diện Chính phủ Philippines đã lập luận rằng, các cấu tạo trên Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng và cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS, do đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền xét xử của PCA. 

Theo luật sư Paul Reichler,  Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) hoàn toàn không ngăn cản quyền giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài theo UNCLOS, bởi DOC không phải là thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý và trong DOC không có bất kỳ điều khoản nào ngăn chặn cơ chế trọng tài. Còn TAC cũng ghi rõ vấn đề tìm các "biện pháp khác" để giải quyết tranh chấp.

Một điểm đáng lưu ý nữa là so với đơn kiện hồi tháng 1 năm 2013, Philippines đã đưa thêm hai điểm mới để tăng khả năng thuyết phục Tòa ra phán quyết có thẩm quyền. 

Thứ nhất, theo Philippines, quy chế pháp lý của một thực thể (đảo, đá, bãi…) và các vùng biển mà nó có khả năng tạo ra không phụ thuộc vào việc xác định trước chủ quyền của một quốc gia trên đó. Nghĩa là nếu một thực thể được Tòa cho là đá thì theo giải thích của UNCLOS, nó sẽ có lãnh hải 12 hải lý mà không cần xác định nó thuộc quốc gia nào. Vì thế, Tòa trọng tài không cần xét đến chủ quyền khi xem xét đơn kiện của Philippines. 

Ngoài ra, Philippines cho rằng, trong luật pháp quốc tế có nguyên tắc được xác lập rõ ràng là một tòa án hoặc trọng tài có thể thực hiện quyền tài phán trên một phần của một cuộc tranh chấp nhiều mặt, thậm chí cả khi Tòa thiếu thẩm quyền để xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến tranh chấp. 

Vì vậy, Philippines đã đưa ra điểm thứ 5 về thẩm quyền của Tòa trọng tài đối với các vi phạm bảo vệ môi trường biển. Các quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển theo các quy định không chỉ của UNCLOS, mà cả của Công ước Đa dạng sinh học. Điểm này sẽ tăng trọng lượng lập luận của Philippines vì nó ít bị ràng buộc với vấn đề chủ quyền hay phân định biển.

Và kịch bản cho phán quyết của PCA

Trong một tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc 2 phiên điều trần, PCA đã đưa ra thời hạn mới là ngày 23/7 để Philippines có thể hoàn thiện, bổ sung cho các câu trả lời đối với toàn bộ các câu hỏi mà tòa đã đặt ra. PCA cũng tuyên bố, tòa có nghĩa vụ phải “đảm bảo mỗi bên có cơ hội đầy đủ để được lắng nghe và trình bày vấn đề của mình”, đồng thời cho phép Trung Quốc đưa ra các phản hồi bằng văn bản trước ngày 17/8. Toàn bộ nội dung quá trình điều trần từ ngày 7 đến ngày 13/7 đều đã được chuyển tới phía Philippines và Trung Quốc để hai bên tiến hành rà soát. PCA cũng cho biết, họ dự kiến đưa ra phán quyết trước cuối năm 2015.

Trả lời phỏng vấn báo giới, luật sư Paul Reichler nhận định, có 3 kịch bản về phán quyết của tòa. Thứ nhất, tòa tuyên bố có thẩm quyền và tiếp tục mở phiên Tòa xem xét nội dung đơn kiện của Philippines. Thứ 2, tòa tuyên bố để xem xét Tòa có thẩm quyền hay không liên quan đến nội dung của vụ kiện nên Tòa sẽ kết hợp xem xét cả vấn đề nội dung, tức sẽ có sự kết hợp cả phiên hình thức và nội dung. Thứ 3, tòa tuyên bố không có thẩm quyền vì liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Trong hai trường hợp trên, phán quyết của tòa có thể chấp thuận hoàn toàn các yêu cầu của Philippines, hay có lợi cho Philippines ở điểm này nhưng hạn chế ở điểm khác. 

Trong đơn kiện của mình, Philippines tập trung yêu cầu tòa giới hạn yêu sách của Trung Quốc về "quyền lịch sử". Song tòa sẽ phải cân nhắc nếu “đường chín đoạn” được hiểu chỉ là yêu sách chủ quyền trên các thực thể trong phạm vi của nó và như vậy sẽ chịu sự điều chỉnh từ bảo lưu của Trung Quốc.

Trung tuần tháng 7, phái đoàn đại diện của Philippines đã có 2 phiên điều trần tại PCA ở The Hague, Hà Lan. Ảnh: PCA.
Huyền Chi
.
.
.