Philippines quân đội giám sát tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông

Thứ Sáu, 10/05/2013, 09:08
Trong khi những lình xình về tin tặc, chiến tranh mạng với Mỹ chưa được giải quyết, Trung Quốc tiếp tục lún sâu vào các cuộc khẩu chiến mới với Philippines và Nhật Bản. Và sự kiện này khiến dư luận thế giới lo ngại về tham vọng bành trướng trên Biển Đông và biển Hoa Đông của chính quyền Bắc Kinh.

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ Asia News network ngày 9/5, nhà bình luận Fances Mangosing nhận định rằng, Philippines và Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông mà cụ thể là ở bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham bằng con đường đối thoại hòa bình. Bài báo còn dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng, từ đầu năm đến nay, hai bên đã tiến hành trao đổi các vấn đề an ninh khu vực và an ninh hàng hải.

Nếu đặt việc này với những sự kiện đụng độ trên biển giữa các tàu thuyền Philippines - Trung Quốc thì đây được coi là bước tiến mới và cho thấy, cả hai đều cầu thị trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cơ hội để Manila và Bắc Kinh tiến gần hơn lại đang bị “phá đám” bởi sự kiện 32 tàu cá Trung Quốc được đưa ra Biển Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược tràn ngập Biển Đông bằng việc tung các đội tàu cá ra Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Manila hôm 8/5, Phó phát ngôn viên Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte khẳng định, Bộ Ngoại giao (DFA) và các lực lượng vũ trang (AFP), Lực lượng bảo vệ bờ biển (PCG) của nước này đang xác nhận thông tin xung quanh việc Trung Quốc xua tàu cá ra Trường Sa đánh bắt trái phép.

Theo bà Abigail Valte, chính phủ Philippines chưa có bình luận gì nếu mọi thông tin không được kiểm chứng cụ thể. Song, Philippines sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của tàu cá Trung Quốc và mong rằng, các tàu cá này không vi phạm khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.

Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez thì bày tỏ quan điểm rằng: “Mặc dù mọi quốc gia đều có quyền tự do khai thác hải sản trong vùng biển quốc tế. Nhưng chúng tôi phản đối các hoạt động có thể phương hại đến sự ổn định tình hình hiện tại và hòa bình trong khu vực”...

Có thể khẳng định rằng, thông tin về đội tàu cá của Trung Quốc ra Biển Đông đã thu hút sự quan tâm của dư luận và tạo nên những lo ngại mới về an ninh trên vùng biển này. Tin từ tờ China Daily cho hay, một đội gồm 32 tàu cá Trung Quốc có trọng tải trên 100 tấn đã lên đường tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 6/5 và thực hiện đánh bắt cá trong 40 ngày. Đây là lực lượng tàu cá lớn nhất trong năm nay được phái đến khu vực Trường Sa, và một quan chức Trung Quốc còn hàm ý là đội tàu này sẽ được tàu chiến bảo vệ.

Theo các nhà quan sát, nguy cơ đối đầu giữa tàu Trung Quốc với tàu cá của các nước Đông Nam Á ở vùng biển Trường Sa là rất lớn, đặc biệt do hành động hung hãn của các tàu Trung Quốc và do sự có mặt của lực lượng hải giám hùng hậu tại các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ.

Trả lời phỏng vấn RFI về ý đồ của Trung Quốc trong việc gia tăng các hoạt động ở Biển Đông, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện quốc phòng Australia nói: “Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc cũng như việc tăng cường đội tàu dân sự là một xu hướng còn tiếp diễn. Sẽ ngày càng có nhiều tàu bè Trung Quốc được điều động xuống Biển Đông. Trung Quốc sẽ tranh thủ lợi thế trong những cơ hội nhỏ để thúc đẩy các đòi hỏi của mình. Các hành động của Trung Quốc là một sự tiếp nối trong kế hoạch dài hạn nhằm khẳng định chủ quyền và kiểm soát hải quân tại Biển Đông”.

Trong khi đó, một giáo sư người Mỹ đồng thời là chuyên gia về Luật Hàng hải và các vấn đề an ninh gọi đường 9 đoạn của Trung Quốc là “phi lý” và không thuộc quyền lợi của Bắc Kinh. Quan điểm của vị giáo sư này la : “Lợi ích lâu dài của Trung Quốc nằm ở sự tuân thủ trật tự được thiết lập trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như bảo vệ tự do hàng hải quốc tế”

Huyền Chi
.
.
.