Philippines mua thêm tàu cho hải quân để bảo vệ ngư dân trên biển

Thứ Bảy, 18/01/2014, 09:23
Mặc dù gặp không ít khó khăn về tài chính công, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế đang lan rộng trên toàn cầu, nhưng Philippines vẫn quyết định chi tiền để mua thêm 6 tàu hộ vệ trang bị cho lực lượng hải quân với mục đích bảo vệ ngư dân đánh cá trên biển.

Tin từ tờ Strait Times cho hay, động thái này của chính quyền Manila là nhằm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông mà chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đưa ra hồi cuối tháng 12 năm ngoái và có hiệu lực từ ngày 1/1. Cụ thể, ngày 17/1, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ không tuân thủ lệnh cấm đánh bắt cá của họ. Chúng tôi không cần xin sự cho phép của quốc gia khác khi ngư dân vẫn đánh bắt cá tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.

Khẳng định lệnh cấm đánh bắt cá của chính quyền tỉnh Hải Nam không áp dụng trong vùng lãnh hải của Philippines trên Biển Đông, ông Voltaire Gazmin còn nhấn mạnh rằng, Philippines sẽ điều động tàu hộ tống do lực lượng hải quân kiểm soát đến bảo vệ ngư dân nếu thấy cần thiết. Trong khi đó, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Emmanuel Bautista thì kêu gọi các ngư dân không để ý đến luật cấm đánh cá của Trung Quốc và phải đồng lòng cùng các quốc gia khác đấu tranh vì quyền lợi của dân tộc và quyền lợi cá nhân. Đồng thời, Tướng Emmanuel Bautista hé lộ thông tin rằng, hồi đầu năm, sau khi có thông tin về lệnh cấm đánh bắt cá từ chính quyền tỉnh Hải Nam, Philippines đã đặt mua ngay 2 tàu khu trục nhỏ của Mỹ. Dù là đặt mua loại tàu đã qua sử dụng, nhưng Manila vẫn phải chờ ít nhất 1 năm để phía Mỹ chỉnh trang lại con tàu và kiểm tra kỹ thuật trước khi giao nó cho Philippines.

Hải quân Philippines sẽ tham gia bảo vệ ngư dân nước này đánh bắt cá trên Biển Đông.

Trong khoảng thời gian đó, theo Tướng Emmanuel Bautista, Philippines chỉ có 2 tàu khu trục cũ của Mỹ được mua từ năm 2012-2013 là có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Với số lượng tàu khu trục ít như vậy, hải quân nước này cũng khó mà ứng cứu kịp thời các ngư dân nếu họ bị bắt giữ hoặc gặp bất trắc trên biển khi đánh bắt cá bất chấp lệnh cấm của Trung Quốc.

Vì thế, Philippines đang kêu gọi Mỹ điều thêm 2 tàu khu trục tới khu vực để giúp đỡ. Song song với việc này, Tổng thống Benigno S. Aquino III vẫn khẳng định, Philippines sẽ phải ưu tiên ngân sách cho việc sắm ít nhất 6 tàu khu trục phục vụ nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ ngư dân trên Biển Đông. Được biết, sau khi Tổng thống ký đạo luật hiện đại hóa quân đội hồi năm 2012, năm 2013, quân đội Philippines đã phải gồng mình với những gánh nặng trong việc nâng cấp lực lượng không quân và hải quân. Tuy nhiên, cái khó mà Manila gặp phải hiện nay là khí tài còn thiếu và phụ thuộc nhiều vào sự trợ giúp của nước ngoài.

Cũng phải nói rằng, không chỉ riêng Philippines mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá một cách vô lý mà Trung Quốc đang áp dụng trên Biển Đông. Hôm 16/1, Hạ viện Mỹ đã mở một cuộc điều trần về việc này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng lên án hành động đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông và bày tỏ lo ngại rằng, những hành động như thế này sẽ đe dọa đến an ninh trong khu vực và trật tự hiện tại của quốc tế.

Tiến sĩ Sam Bateman thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) thì cảnh báo, nếu cứ tiếp diễn các hành động khiêu khích như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với việc bị kiện lên các tòa án quốc tế. Điều này đã xảy ra hồi đầu năm 2013 khi Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế về Luật Biển, hiện vụ kiện này vẫn đang trong quá trình thụ lý, xem xét

Gia Nam
.
.
.