Đường lưỡi bò dưới cái nhìn của học giả, chính khách Trung Quốc và nước ngoài:

Phải giải quyết tranh chấp Biển Đông theo UNCLOS

Thứ Hai, 23/07/2012, 14:14
Đây là mong muốn của các nước Đông Nam Á bởi họ xác định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là nền tảng pháp lý để giải quyết hòa bình theo luật quốc tế những tranh chấp trên Biển Đông và đó cũng là một phần của bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Không ít nhà phân tích và bình luận trong và ngoài khu vực nhấn mạnh, chiêu thức nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc đã bị dư luận "bóc mẽ" từ lâu, nhưng không vì thế mà mất cảnh giác. Sở dĩ nói như vậy vì với những gì đang diễn ra có thể khẳng định, Trung Quốc đã tính toán một cách kỹ càng, cẩn thận trước khi quyết định "gây hấn" với những quốc gia dám dũng cảm bảo vệ quyền lợi biển theo UNCLOS.

Ông Pavin Chachavalpongpun, Phó Giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto cho rằng, ASEAN đang chống lại ý tưởng giải quyết song phương các tranh chấp lãnh thổ.

Giới chuyên gia nhấn mạnh, COC không những là biện pháp để giải quyết tranh chấp Biển Đông, mà còn là giải pháp bền vững nhất cho vấn đề này. Giới truyền thông đưa tin, Philippines mong muốn ASEAN đoàn kết để thuyết phục Trung Quốc chấp thuận COC, nhưng Bắc Kinh lại muốn đàm phán song phương để dễ bề "múa tay trong bị". Trung Quốc luôn né tránh đàm phán đa phương, khăng khăng tuyên bố chủ quyền, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở những khu vực trên Biển Đông vốn thuộc lãnh thổ các nước khác.

Các ngoại trưởng ASEAN nhất trí đối với nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông.

Nhận thức được điều này nên trên trang blog.sina.com.cn ngày 17/7, học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc, tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển từng được đăng trên các báo chí Trung Quốc đã cho đăng lại bài viết của tác giả Châu (Chu) Phương, Biên tập viên của Tân Hoa xã với tiêu đề "Lập thành phố Tam Sa là làm trò cười cho quốc tế, cực lực kêu gọi từ bỏ ngay lập tức".

Ông Lý Lệnh Hoa cũng nhấn mạnh, dù ở Biển Đông hay Hoa Đông thì một khi Trung Quốc đã ký UNCLOS với 8 quốc gia láng giềng (Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam) thì phải tuân thủ Công ước này.

Ngoài ra, học giả Lý Lệnh Hoa cũng kêu gọi Trung Quốc nên hình thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước xung quanh, và nên lấy chính sách hợp lý và dựa trên luật pháp quốc tế để xử lý những tranh chấp, bất đồng. Sau đó, học giả Lý Lệnh Hoa đã khuyến cáo, những người không hiểu rõ về ý nghĩa to lớn của UNCLOS đối với nhân loại, cũng như chẳng biết xu hướng phát triển chủ đạo của thế giới, nhưng lại cổ xúy cho việc sử dụng vũ lực thì đúng là chỉ gây thêm rắc rối cho nhân dân và đất nước Trung Quốc.

Hãng tin BBC của Anh cũng mới có bài viết phân tích về căng thẳng chủ quyền ở Biển Đông, trong đó nêu ra nhiều bằng chứng cho thấy, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ xa xưa và theo UNCLOS, Việt Nam vẫn có đầy đủ căn cứ không thể chối cãi về chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Theo Cục quản lí thông tin năng lượng Mỹ Energy Information Administration (EIA), Trung Quốc ước tính vùng Biển Đông có thể khai thác được 213 tỉ thùng dầu, gấp 10 lần so với tính toán của các nhà khoa học Mỹ trước đó (28 tỉ thùng). Cũng theo EIA, tài nguyên đáng giá nhất của vùng biển này chính là khí đốt tự nhiên chứ không phải dầu thô bởi nơi đây có trữ lượng khí đốt vào khoảng 25.000 tỉ m3, tương đương với trữ lượng đã được kiểm chứng của Qatar.

Ngoài các tài nguyên thiên nhiên quý giá kể trên, khu vực này còn nằm trên tuyến đường biển quan trọng của châu Á và thế giới, đồng thời là ngư trường đánh bắt cá của hàng chục ngàn ngư dân tại nhiều quốc gia. Xết về mặt địa lý, quần đảo Trường Sa nằm gần bờ biển của Việt Nam hơn Trung Quốc quá nhiều. Quần đảo Trường Sa có khoảng 150 hòn đảo, đá ngầm, bãi cát ngầm, nhưng chỉ khoảng 40 hòn đảo phù hợp với định nghĩa theo UNCLOS.

Bản đổ do Trung Quốc xuất bản năm 1904 không hề có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên trang thông tin điện tử "Người quan sát" của Trung Quốc vừa đăng bài viết "Những mơ hồ trong lập trường đường 9 đoạn của Trung Quốc" của ông Robert C Beckmand, Giám đốc Trung tâm Luật pháp quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore. Theo ông Robert C Beckmand, Trung Quốc đang làm phức tạp thêm các tranh chấp trong khu vực, việc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Bắc Kinh là quá xa so với bất kỳ hòn đảo nào của Trung Quốc.

Ông Robert C Beckmand cũng nhấn mạnh, sự mơ hồ về đường 9 đoạn (đường lưỡi bò trên Biển Đông) của Trung Quốc là một trong những mối quan tâm của các nước đang có tranh chấp trên vùng biển này. Những tuyên bố không có cơ sở cùng những hành động cố tình gây căng thẳng tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc đã gây phẫn nộ đối với các quốc gia láng giềng và gây quan ngại đối với những nước hữu quan.

Ông Robert C Beckmand chỉ rõ, Trung Quốc liên tục khẳng định có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận nhưng lại không thể định nghĩa thuật ngữ đơn giản "vùng biển gần" và cũng không làm rõ thực ra đường 9 đoạn là gì…

Ngày 20/7, trong bài viết đăng trên tờ báo mạng Phượng Hoàng (Hongkong, Trung Quốc), học giả Tiết Lý Thái, nhà bình luận nổi tiếng của trang báo mạng Phượng Hoàng cho rằng, thời gian qua tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam có dấu hiệu ngày càng căng thẳng và việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời thầu quốc tế hồi hạ tuần tháng 6/2012 đã khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Ông Tiết Lý Thái cho rằng, nếu Trung Quốc giải thích và muốn cộng đồng quốc tế công nhận đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là đường biên giới quốc gia thì khó khăn sẽ không hề nhỏ.

Thứ nhất, Chính phủ Trung Hoa dân quốc mới đầu chỉ vẽ ra 11 đoạn trên bản đồ, nhưng không tiến hành phân định biên giới trên biển với các nước láng giềng xung quanh và chưa từng có động thái để nhận được sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, cho đến hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa nói rõ, đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia đứt khúc hay là đường giới tuyến trên biển truyền thống. Đến một định nghĩa cũng không có, hơn nữa cũng chưa ghi rõ kinh độ, vĩ độ trên vị trí địa lý, mà đơn thuần chỉ là vẽ ra các đường đứt đoạn trên bản đồ của mình.

Thứ ba, nếu Bắc Kinh nhấn mạnh đường 11 đoạn mà Chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra ban đầu là đường biên giới quốc gia thì thử hỏi tại sao sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập (1/10/1949), Bắc Kinh lại tự xóa đi 2 đoạn trên bản đồ trong khu vực vịnh Bắc Bộ, phải chăng Trung Quốc coi việc sửa đường biên giới quốc gia giống như một trò đùa?

Thứ tư, nếu Bắc Kinh khẳng định đường 9 đoạn là đường biên giới quốc gia thì tại sao trong những lần phản đối ngoại giao lại không hề nêu vấn đề "Việt Nam đã chiếm hữu 30 hòn đảo lớn nhỏ một cách liên tục kể từ khi nước này thống nhất đất nước năm 1975?". Đây quả là điều không bình thường…

Cách đây hơn 1 năm (18/6/2011), mạng The Diplomat đã đăng bài viết "Why China Wants South China Sea" (Vì sao Trung Quốc muốn có Biển Đông) của nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani thuộc Viện Okazaki, Nhật Bản. Bởi việc Bắc Kinh muốn độc bá Biển Đông không chỉ vì nguồn tài nguyên năng lượng và thủy sản, mà còn bởi khu vực này nằm trong chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Năm 2011, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành nước sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới và đã phải nhập khẩu một nửa số dầu tiêu thụ trong nước. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc muốn độc bá Biển Đông.

Về phần mình, khi nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay, ông Greg Poling, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ cảnh báo, Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với sự cô lập trong cộng đồng quốc tế nếu tấn công những nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

Chuyên gia Đại học California Jeremiah Jenne và nhà phân tích James McGregor thuộc Hãng tư vấn APCO Worldwide đều nhận định, Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài đổ tội cho các thế lực bên ngoài, cũng như lái sự chú ý của dư luận khỏi những vấn đề khó khăn nội tại đang ngày một phình to trong lòng quốc gia hơn 1,34 tỷ dân.

Phản đối Trung Quốc bầu đại biểu HĐND ở "Thành phố Tam Sa"

Vào lúc 19h 10’ ngày 21/7 (tức 18h10’ngày 21/7, theo giờ Việt Nam), trang web của Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR) đã phát tin của phóng viên Chu Vĩnh cho biết, ngày 21/7, hơn 1.100 cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử ở ba quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và Trung Sa đã đi bỏ phiếu bầu đại biểu HĐND thành phố Tam Sa khóa 1. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Việc Trung Quốc tiến hành bầu cử HĐND ở khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam diễn ra chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, ông Hồng Lỗi cho biết, Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước ASEAN thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách toàn diện và hiệu quả, cũng như tham vấn để hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

PV (theo TTXVN)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.